Sách Phật giáo

Vấn đề cải cách thiết chế hành chính Giáo hội trong giai đoạn hiện nay

Thứ sáu, 02/01/2018 01:15

Chúng ta biết rằng, một văn bản hành chính Giáo hội được ban hành, hoặc sửa đổi, bổ sung nó đan xen rất nhiều các yếu tố pháp luật khác của nhà nước Việt Nam. Do đó, việc áp dụng luật pháp hiện hành và các chế định của Giáo hội có độ vênh nhau ít nhiều về cách hiểu luật và áp dụng văn bản thực hiện. Muốn thực hiện một thủ tục hành chính Giáo hội hoặc ban hành một văn bản hành chính phải tra cứu nhiều văn bản pháp lý của các cơ quan đại diện nhà nước ban hành mới giải quyết rốt ráo đúng luật pháp, đúng với quy định của Nội quy, quy chế của Giáo hội.

Kính bạch…;
Kính thưa…;

Hiến chương và các chế định trong quan hệ hành chính đạo vốn là những khuôn mẫu mang tính chuẩn mực trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay. Điều này, từ khi thống nhất Phật giáo năm 1981 đến giai đoạn này việc tuân thủ áp dụng triệt để Hiến chương và các chế định được nhất quán trên cả nước. Từng bước củng cố hoàn thiện và xây dựng thể chế hành chính Giáo hội dựa trên sự phát triển của Phật giáo thế giới và đất nước Việt Nam.

Với định hướng của Hội đồng Trị sự GHPGVN và tầm nhìn đến năm 2030, đã hoạch định lối đi cho việc cải cách toàn diện hệ thống hành chính Giáo hội. Nên việc quản lý hành chính Giáo hội hiện nay đang đòi hỏi phải thực hiện trên ba nguyên tắc sau: một là tính quy phạm thiết chế trong quản lý Giáo hội, hai là có tổ chức bộ máy hành chính đồng bộ và sau cùng là phải có đội ngũ quản lý hoạt động hành chính chuyên nghiệp, tận tâm phục vụ.

Qua 3 yếu tố trên, nhận thấy từ khi phát triển hệ thống hành chính Giáo hội đến nay từng bước đã được cải cách nhưng chưa triệt để toàn diện. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng mạn phép xin góp một vài ý kiến trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017-2022) tại thủ đô Hà Nội, ngỏ hầu mang chút hương lòng vun vào vườn hoa đại thể thêm khoe sắc.
 
Kính thưa quý Đại biểu,

Thể chế hành chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam với một hệ thống pháp lý bao gồm: Hiến chương và các chế định (Nội quy, quy chế, quy định v.v...) luôn vận động phát triển theo tính duyên sinh hay duyên khởi, mang tính khách quan biện chứng cùng với sự phát triển không ngừng của thể chế hành chính quốc gia Việt Nam. 

Ngoài Hiến chương, các chế định và văn bản hành chính đạo cần có sự quy định chi tiết và triển khai đi vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày phải cần có lộ trình ban hành nhất định. Cần quy định pháp lý cụ thể để trở thành chế độ pháp chế hành chính Giáo hội, thể hiện thông qua việc xác định quyền lập pháp và quyền lập quy trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chúng ta biết rằng, một văn bản hành chính Giáo hội được ban hành, hoặc sửa đổi, bổ sung nó đan xen rất nhiều các yếu tố pháp luật khác của nhà nước Việt Nam. Do đó, việc áp dụng luật pháp hiện hành và các chế định của Giáo hội có độ vênh nhau ít nhiều về cách hiểu luật và áp dụng văn bản thực hiện. Muốn thực hiện một thủ tục hành chính Giáo hội hoặc ban hành một văn bản hành chính phải tra cứu nhiều văn bản pháp lý của các cơ quan đại diện nhà nước ban hành mới giải quyết rốt ráo đúng luật pháp, đúng với quy định của Nội quy, quy chế của Giáo hội. 

Do đó, để nền hành chính Giáo hội hiện nay được hanh thông thuận lợi, cần phải tiến hành biên soạn hợp nhất một số quy định cụ thể trong nền hành chính. Ví dụ: Thông tư, nội quy, quy chế, công văn… cần dựa trên tính quy phạm ban hành văn bản và triển khai thực hiện toàn diện thông qua 3 cấp Giáo hội cũng như đến tận cấp cơ sở tự viện. Các Ban, Ngành, Viện trực thuộc Hội đồng Trị sự cần phải thiết lập thông tư, thông tư liên ngành để hướng dẫn chung, cùng nhau thực hiện hiệu quả hơn trong vấn đề hành chính Giáo hội.

Song song đó, bộ máy hình chính trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được thiết lập từ trung ương đến địa phương. Các Ban, Ngành, Viện đã có pháp nhân và hoạt động phật sự theo hành chính dọc. Một bộ máy hành chính Giáo hội được thiết lập trên nền tảng phân công, phân nhiệm rõ ràng từ những năm 2012 đến nay được đánh giá là hiệu quả tương đối tốt so với những nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, một số ban ngành và cấp hành chính thứ 3 là Ban Trị sự Phật giáo, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh còn mang tính dựa dẫm, chưa áp dụng đúng quy chế làm việc của Ban ngành được quy định, còn đùn đẩy hoặc mang tính kiêng nể cấp trên, nên chưa thực hiện thông suốt hành chính Giáo hội. 

Do đó, cần phải quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm và chức năng nhiệm vụ trong việc điều hành nền hành chính Giáo hội. Điều này sẽ giúp ích cho việc kiện toàn bộ máy hành chính Giáo hội hiện nay và tương lai hoạt động hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, mấu chốt con người trong hoạt động nền thể chế hành chính Giáo hội đây là điều đáng quan tâm và cần quy định cụ thể hơn nữa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang từng bước ổn định và phát triển vì thế vấn đề đặt ra là xây dựng nguồn nhân lực hành chính như thế nào cho phù hợp cũng như đáp ứng tốt trong yêu cầu của thời kỳ công nghệ hiện đại.

Trước hết, thực trạng cho thấy đội ngũ nhân lực quản lý hành chính của Giáo hội hiện nay đã còn thiếu, yếu trầm trọng và còn thiếu tính ổn định kế thừa, làm việc chưa chuyên nghiệp, chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ Giáo hội giao phó. Thực tế chỉ ra rằng, nhiều nhân sự với trình độ và năng lực quản lý hành chính ở một số Ban, Ngành, Viện, Ban Trị sự huyện, thị, thành còn rất bất cập, hiểu biết về pháp luật, về hành chính nhiều hạn chế, kỹ năng thực thi mệnh lệnh hành chính cũng như khả năng vận dụng khoa học công nghệ hiện đại vào công tác quản lý còn nhiều lúng túng. Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và tư duy đạo đức hành chính Giáo hội còn lơ là. Ý thức phục vụ Giáo hội chưa cao, không tư duy đổi mới theo thời đại. Đó chính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với công cuộc cải cách nền hành chính, làm cho bộ máy Giáo hội hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.

Do đó, để xây dựng nguồn nhân lực quản lý hành chính Giáo hội cần phải nhận thức đầy đủ chức năng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Hơn nữa tư duy hành chính trong nhiệm kỳ mới cần hướng tới những việc đình chỉ những bộ phận thừa, xác định các Ban, Ngành, Viện nào có thẩm quyền quản lý hành chính Giáo hội và ban nào chỉ mang tính tham mưu. Xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý hành chính Giáo hội phù hợp với thời đại mới. Đổi mới tư duy lựa chọn nhân sự trong việc điều hành Giáo hội, cần có đủ đức đức, đủ tài, chịu khó cần cù, hy sinh cho công việc chung của Giáo hội. Yếu tố con người sẽ quyết định, là đòn bẩy để phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Trên đây, là những ý kiến mang tính góp ý cùng chung thực hiện tốt vai trò được giao, được phân cấp, phân quyền lãnh đạo Giáo hội. Kính mong Đại hội và quý Đại biểu liễu tri và hướng dẫn để hoàn thiện hơn trong nhiệm kỳ mới. Nhiệm kỳ của “Trí tuệ - Kỷ cương- Hội nhập - Phát triển”.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
loading...