Kiến thức
Vấn đề tài sản của người tại gia theo quan điểm của đạo Phật (Phần 3)
Thứ bảy, 01/07/2023 08:00
Tài sản là một phần của kiếp người, là phương tiện để cuộc sống được đầy đủ, thoải mái hơn. Nhưng đáng vun bồi và tích cóp chính là công đức và phước đức. Chỉ có kho báu ấy mới là hành trang theo chúng ta trên con đường tái sinh và thoát khỏi biển luân hồi.
Những điều kiện giúp cho tài sản hưng thịnh
Có tám điều sau sẽ giúp cho tài sản hưng thịnh: tháo vát, phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa, lòng tin, giới, bố thí và trí tuệ. Bên cạnh đó còn phải làm việc khéo thích hợp, gánh vác các trách nhiệm, hoạt động hãng say, như vậy là sẽ được tài sản. Một người buôn bán tăng trưởng tài sản là do buổi sáng, trưa và chiều vị ấy đều nhiệt tâm vào công việc”. Người giữ giới đầy đủ sẽ thâu được tài sản lớn.
Gia chủ thành tựu: có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản thì sẽ đạt được tài sản lớn mạnh. Có mắt tức là biết nhìn nhận và đánh giá các thương phẩm. Khéo phấn đấu là khéo léo mua bán. Xây dựng căn bản là được nhiều người trao hàng hóa để nhân rộng. Bên cạnh đó phải có trú xứ thích hợp, thân cận chân nhân, tự nguyện chân chánh và trước đã làm phước thì vị ấy sẽ tăng thịnh tài sản. Đức Phật dạy rằng con đường dưa đến tài sản nhỏ là bố thí, trong khi con đường đưa đến tài sản lớn, cao quý là cúng dường người đáng cúng dường.
Những điều kiện trên như cẩm nang cho những ai mong muốn tìm chìa khóa để mở ra kho báu tài sản. Thế nhân không nên mơ làm giàu mà bỏ những điều cơ bản nhất. Chỉ có chăm chỉ và nỗ lực tự thân mới có tài sản chân chánh.
Vấn đề tài sản của người tại gia theo quan điểm của đạo Phật (Phần 2)
Nguyên nhân khiến tài sản tàn lụi
Có tám nhân, tám duyên làm tổn hại tài sản: do quốc vương, do trộm cướp, do lửa, nước, do tìm không được tiền của giấu cất, do biếng nhác, do trong gia đình có kẻ phá hoại, và do vô thường. Đức Phật cũng dạy thêm những gia đình nào có tài sản lớn mạnh mà không tồn tại lâu dài đều do bốn điều: không tìm những gì đã mất, không sửa lại những gì đã già yếu, ăn và uống quá độ, đặt ác giới nữ và nam vào địa vị tối thắng. Kẻ ác giới làm tổn thất tài sản lớn. Cả ba thời sáng, trưa, và chiều đều không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc.”
Tâm thái của một người học Phật khi tìm kiếm tài sản
Khi gia chủ gầy dựng tài sản với năm lý do đã trình bày ở trên thì dù tài sản có đi đến hoại diệt vị ấy cũng không có hối hận. Công việc thất bại họ vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than, ảo não, cuồng si". Bởi vì vị ấy biết rõ “Những tài vật sở hữu thảy đều vô thường”.
Cuộc sống có muôn vàn biến chuyển, nếu chúng ta không bình tâm chấp nhận thất bại thì khó mà chịu được với cuộc sống khắc nghiệt này. Biết bao người bị điên khùng vì không thể chấp nhận kết quả thất bại. Chúng ta nên nhìn lại công việc mình làm, mục đích làm ra tài sản và hưởng thụ ra sao để không phạm pháp, tranh đấu đến mất mạng, lường gạt người khác. Sự bình tâm chấp nhận yếu kém để rút ra bài học cho những lần sau là điều kiện tiên quyết gầy dựng tài vật và phước vật lớn mạnh.
Tài sản để lại cho con cái
Đức Phật dạy rằng tài sản được truyền lại cho kẻ thừa tự, người mất đi chỉ có mang theo nghiệp. Vậy nên việc vun bồi cho mảnh đất tâm linh, mở con đường tái sinh an lạc cho bản thân là điều quan trọng. Tài sản để lại cho con cháu là tài sản thế gian, có đó rồi mất đó. Chỉ có phước đức để lại thì mãi mãi còn.
“Keo kiết không sinh thiên
Kẻ ngu ghét bố thí
Người trí thích bố thí
Đời sau được hưởng lạc".
Khi giàu có mà biết làm ba nghiệp thiện thì sẽ được sinh lên cõi trời hưởng phước; vị này được gọi là vị sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng. Vị này không những tạo gia tài phước đức cho bản thân mà còn để lại cho con cháu chữ đức. Con cháu được người đời yêu quý và sẵn sàng giúp đỡ khi cần.
La-hầu-la khi còn nhỏ chạy theo Đức Phật để xin gia tài. Đức Phật quyết định đem Thánh sản truyền lại cho La-hầu-la. Thánh sản ấy không những có công năng đoạn trừ mọi khổ đau, đem đến an lạc hạnh phúc trong hiện tại mà nó còn đưa La-hầu-la thoát ly ra khỏi tam giới chứng đạt Niết-bàn. Bên cạnh đó Thánh sản này còn đem đến lợi lạc và sự báo hiếu tối thượng của La-hầu-la đối với mẹ của mình và cả gia tộc Sakya.
Qua hai loại gia tài nói trên ta thấy rõ loại gia tài nào lợi lạc nhất. Tài sản thế gian chỉ là nhân duyên cho chúng ta sinh hoạt trong đời sống này, nhờ nó mà chúng ta có cơ hội để làm những việc khác. Tài sản không có giá trị lâu dài bền chắc.
Như vậy, mục đích của việc làm ra tài sản không phải chỉ cho bản thân, chỉ cho cha mẹ, vợ con mà là để bạn trải lòng từ, bi, hỷ và xả. Thông qua nhiều hình thức và việc làm khác nhau, chúng ta chia sẻ thành công mà ta có được đến với mọi người. Tài sản ta làm ra không phải nhờ công sức của chỉ riêng mình ta, mà nó là do duyên nhiều yếu tố. Mỗi người hãy sống trong tinh thần giúp đỡ, biết ơn để cuộc sống thêm hạnh phúc an lạc.
Tài sản là một phần của kiếp người, là phương tiện để cuộc sống được đầy đủ, thoải mái hơn. Nhưng đáng vun bồi và tích cóp chính là công đức và phước đức. Chỉ có kho báu ấy mới là hành trang theo chúng ta trên con đường tái sinh và thoát khỏi biển luân hồi. Hãy sống làm sao để lại phước đức cho con cháu thọ hưởng, mang theo nghiệp thiện để được về thiện giới. Đó mới đúng nghĩa là tài sản ta mang đi và để lại cho hậu nhân kế thừa.
Vấn đề tài sản của người tại gia theo quan điểm của đạo Phật (Phần 1)