Chùa Việt

Về Thanh Miện thăm di tích chùa Mui

Thứ sáu, 07/01/2015 09:16

Những ngày đầu của năm mới 2015, chúng tôi có dịp về xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương để chiêm bái. Tuy là một ngôi chùa có quy mô không lớ và lại toạ lạc ở vùng quê, chùa Mui thể hiện nét đẹp và sự cổ kính, linh thiêng.

Trước Cách Mạng tháng Tám, Cụ Trì là một trong năm xã của tổng La Ngoại, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, gồm có 5 thôn, trong đó thôn Ngọc Mai có tên Nôm là thôn Mui ở đó có ngôi chùa cổ kính nên nhân dân thường gọi là chùa Mui. 

Chùa Mui có tên tự là Viên Quang Tự. Chùa là nơi thờ Phật theo Thiền phái Đại Thừa – Đây là Thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, chùa Mui có 3 vị sư trụ trì đó là: sư Hà, sư Trọng và sư Hành. Trong đó, sư Trọng khi mất đã được nhân dân tạc tượng thờ trong chùa. 

Căn cứ vào kết quả khảo sát điền dã, nghiên cứu và hệ thống bia ký, câu đối đại tự quy mô kiến trúc hiện còn cho biết: chùa Mui đã được trùng tu vào năm 1941 và những năm gần đây. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, xây dựng theo kiểu bít đốc bổ trụ còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Phía sau chùa là khoảng sân rộng và 5 gian nhà Tổ, 5 gian nhà tăng, phía trước chùa là sân.

Năm 1941, sự Trọng đã cho nâng cấp gian Tiền đường. Năm 1948, 1949, 5 gian nhà Tổ, 5 gian nhà Tăng bị thực dân Pháp đánh phá. Sau Cách mạng tháng 8, tại chùa đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của xã Ngũ Hùng. Lúc này, chùa Mui là cơ sở xưởng sản xuất vũ khí, là nơi mở các lớp bình dân học vụ, và cũng là nơi mở lớp học của trường cấp I và cấp II  của xã. Dưới nền hậu cung còn có hầm bí mật, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Những năm 1947 – 1948, chùa lại là nơi làm việc của Toà án nhân dân hyện Thanh Miện. Trong các năm 1950, 1951 chùa Mui là nơi sản xuất vũ khí của tỉnh đội Hải Dương; 1952 là trụ sở làm việc của văn phòng khu tả ngạn, năm 1960 – 1966 là kho thóc của Nhà nước. Đến năm 1967, 1968 là nơi nghỉ an dưỡng của thương binh ở chiến trường miền Nam. Đến nay, chùa Mui vẫn còn giữ được khá nhiều phong tục lễ hội truyền thống như: giỗ Mẫu 3/3; giỗ cụ sư Trọng 18/3…cùng với đó, chùa cũng còn lưu giữ được cổ vật như: 5 bia đá cổ niên đại thời Nguyễn, lư đồng, bát hương, kèo cột bằng gỗ lim…

Toàn bộ khuôn viên di tích chùa Mui được bao bọc bởi 2 mặt là ao nên cảnh quan rất đẹp và thoáng rộng. Cùng với sự tích cực tôn tạo, giữ gìn của chính quyền địa phương, khu di tích cũng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của con em quê hương đang công tác ở mọi miền tổ quốc, các dòng họ trong làng, chùa trúc Lâm – Yên Tử…để tu bổ cũng như mở rộng, khuôn viên, khôi phục lại những nét truyền thống đã mai một theo thời gian.
         
Với những nét đặc sắc, độc đáo của ngôi chùa cổ, di tích. Năm 2011 UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định xếp hạng chùa Mui thuộc di tích cáp tỉnh về kiến trúc nghệ thuật. 

Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của các thế hệ con cháu thôn Cụ Trì mà còn là điểm hẹn của những du khách thập phương cùng tìm về những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Đức Tuỳ
loading...