Kiến thức
Việc làm cấp thiết nhất cho Phật giáo hiện nay là gì?
Thứ hai, 18/03/2021 12:38
Phật giáo thời hiện tại, tương lai đều cần phải có 3 yếu tố quan trọng: Quốc tế hóa; Phổ cập hóa; Trẻ hóa và đây cũng là 3 mục tiêu để phát triển và hoằng dương Phật pháp.
Nếu như chúng ta không quốc tế hóa, Phật giáo sẽ không được cộng động quốc tế biết đến; nếu không phổ cập hóa Phật giáo một cách sâu rộng, Phật giáo sẽ bị lạc lõng với tương lai; và hơn thế nữa nếu Phật giáo thiếu đi sự trẻ hóa, Phật giáo sẽ trở thành tôn giáo của người già và suy tàn theo thời gian.
Nói về việc phổ cập hóa, có thể thấy rằng, theo truyền thống trước kia, Phật giáo Hán truyền phần lớn là ẩn tu trong rừng, trên núi, hoặc xem chùa là trung tâm để mọi người đến sinh hoạt tôn giáo. Phần lớn các hoạt động của Phật giáo chỉ nằm trong phạm vi trong nước, rất ít cơ hội để truyền bá ra nước ngoài. Nguyên nhân này là do giáo dục không được phổ cập, Phật giáo thiếu hệ thống giáo dục đại học, cho nên đã không có nhiều vị tăng du học nước ngoài, thiếu kém về năng lực ngoại ngữ. Trong những vị Tăng xuất gia cùng thời với tôi, người có thể giao tiếp được tiếng Anh chỉ có vài vị, còn lại là năng lực ngoại ngữ không tốt nên cơ hội xuất ngoại du học rất là khó. Thậm chí, có khi trong số họ gặp phải những nhà sư nước ngoài đến Đài Loan, họ cũng không dám giao lưu, chia sẻ. Thường thì chỉ trông chờ vào người phiên dịch, nhưng nói thật là người đứng trung gian phiên dịch không phải ai cũng hiểu được giáo lý và các danh từ Phật pháp, từ đó, dẫn đến hệ quả là việc giao lưu giữa Phật giáo truyền thống và các nước gặp không ít khó khăn.
Phật giáo đem lại lợi ích gì cho tuổi trẻ?
Do vì những lí do như vậy, nên tôi luôn xem trong việc giáo dục ngôn ngữ trong việc bồi dưỡng nhân tài. Tại Pháp Cổ Sơn, thành viên của các bộ phận đều học ngoại ngữ. Hiện nay, trên núi Pháp Cổ Sơn có hàng chục vị thông thạo nhiều loại ngôn ngữ. Ngoài các học Tăng thuộc đại học Tăng già, các học Tăng ở Học viện Phật giáo Pháp Cổ Sơn, Viện nghiên cứu Phật học Trung Quốc lên lớp đều sử dụng ngoại ngữ trong suốt quá trình nghe giảng, học tập và nghiên cứu. Điển hình gần đây nhất có 4 thầy ở Đại Lục sang đây tu học, khi lên lớp học bằng ngoại ngữ xem ra họ khá vất vả. Mặc dù tất cả giáo viên là người Trung Quốc, nhưng dùng tài liệu nước ngoài giảng dạy nên họ không có trình độ ngoại ngữ nhất định thì rất khó theo dõi.
Ngày nay, nếu không xem trọng việc Quốc tế hóa, thì tương lai Phật giáo sẽ không thể vươn xa và lan toả ra bên ngoài. Vì hiện nay các tôn giáo trên thế giới cạnh tranh gay gắt, kiểu cạnh tranh này không phải là cạnh trạnh về vũ lực mà là sự tương tác cùng chung một ngôn ngữ quốc tế với nhau. Cùng tham gia các công việc phục vụ xã hội nhằm thu hút tín đồ, như vậy mới có không gian cho sự tồn tại và phát triển.
Hiện nay, người xuất gia Tạng truyền Phật giáo, từ ở Ấn Độ, Nepal, đến Nam truyền Phật giáo như Thái Lan, Sri LanKa, trình độ tiếng Anh giao tiếp của họ rất tốt. Về mặy này, Phật giáo Trung Quốc thua xa các nước khác. Cho nên, chúng ta muốn bắt kịp xu thế và trào lưu của Phật giáo Quốc tế, nhất định phải hướng đến việc Quốc tế hóa, hội nhập toàn cầu.
Tiếp đó là việc trẻ hóa. Nếu như không trẻ hóa Phật giáo, thì có thể Phật giáo sẽ không có người kế thừa, đó là nỗi lo lắng đối với Hán truyền Phật giáo trong tương lai. Nếu cứ tiếp tục như thế, Phật giáo chỉ có Nam truyền, Tạng truyền, Tân Hán Truyền Phật Giáo tồn tại ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại sao, tôi nói là ở Nhật Bản và Hàn Quốc? Bởi vì Nhật Bản và Hàn Quốc có rất nhiều trường đại học Phật giáo đào tạo nhân tài, ví dụ như Hàn quốc có trường đại học Đông Quốc và Đại Học Viên Quang, nơi đây có rất nhiều thế hệ thanh niên trẻ tham gia học tập.
Ngoài ra, tôi nhận thấy trình độ ngôn ngữ của người xuất gia ở Việt Nam rất tốt. Tôi đã từng gặp một vị thầy Việt Nam ở sân bay quốc tế, họ không những nói được tiếng Trung mà con nói được cả tiếng Anh. Trong đời sống tu học, họ xem trọng tiếng Trung, nhưng tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ cần phải học tập và trao dồi.
Tôi nghĩ rằng, phổ cập hóa, quốc tế hóa và trẻ hóa Phật giáo, đó là việc cấp thiết cần phải làm cho Phật giáo hiện nay.
Trích trong “Cuộc sống thanh thản lúc cuối đời” của HT. Thích Thánh Nghiêm