Sách Phật giáo

Xây dựng gia đình hạnh phúc

Thứ năm, 16/02/2013 12:20

Thường xuyên tổ chức những buổi diễn giảng, thuyết trình, hội thảo về các vấn đề công ích, tổ chức các lớp học bình dân trí, khóa dạy nghề, các lớp Phật học để nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và hoằng dương Phật pháp

Người Phật tử chân chính phải biết xây dựng gia đình nhỏ bé của mình bằng giáo lý của Phật dạy, vì những gì mà đức Phật dạy không ngoài mục đích là cải hóa thân tâm, đưa địa vị chúng ta từ thấp hèn lên cao thượng, từ si mê trở thành trí tuệ… Căn bản của đạo Phật là tình thương rộng lớn và trí tuệ bao la. Do đó, người Phật tử phải biết áp dụng phương pháp từ bi, trí tuệ và hỷ xả vào gia đình, tất nhiên gia đình hẳn sẽ ấm cúng, hạnh phúc.

Đã nói đến từ bi thì không có giận hờn. Trong gia đình, vợ chồng, con cái, anh chị em không có giận hờn với nhau, quả là một gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Muốn xây dựng được một gia đình hạnh phúc, thì điều cần nhất là mỗi thành viên trong gia đình phải có một sự hiểu và thông cảm cho nhau. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình có sự kính nhường, tôn trọng, biết quan tâm và lo lắng đến nhau. Như con biết quan tâm đến cha mẹ, anh biết quan tâm đến em… Ví dụ, chúng ta hỏi cha mẹ hôm nay ăn có ngon không, ngủ có yên giấc không… Đó là một món quà vô giá mà cha mẹ vô cùng sung sướng, và họ sẽ rất vui khi thấy con cháu biết quan tâm, chăm sóc đến mình. Còn đối với vợ chồng thì cũng rat cần sự quan tâm đến nhau. Như vợ quan tâm đến chồng sau những lúc chồng đi làm về mệt mỏi, vợ chạy ra đón chồng kèm theo một lời hỏi thăm như hôm nay anh có mệt lắm không? Anh uống ly nước chanh cho khỏe!… thế thì bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến mất. Ngược lại, chồng đối với vợ cũng phải quan tâm chia sẻ khó nhọc, thì đó là một gia đình hạnh phúc, yên vui. Xây dựng một gia đình hạnh phúc không phải là chúng ta có đầy đủ vật chất, mà điều chính yếu là chúng ta cần phải có sự yêu thương và hiểu biết về nhau, biết sang sớt và chia sẻ cho nhau niềm vui và nỗi khổ. Bằng tâm lượng bao dung rộng lớn, chắc chắn chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc. Chúng ta phải biết tha thứ cho nhau những lỗi lầm vụn vặt trong gia đình và tìm cách giáo dục tế nhị bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật dạy.

Khởi đầu của việc xây dựng một gia đình Phật hóa là chính mình phải hiểu rõ, hiểu đúng Phật pháp, sống an lạc và có lợi lạc cho những thành viên khác trong gia đình. Giáo lý mầu nhiệm và một đời sống gương mẫu cần phải đi đôi với nhau để cảm hóa những người khác trong nhà và xây dựng gia đình ta thành một tăng thân nhỏ, một cõi Tịnh độ nhỏ. Một gia đình gương mẫu theo đạo Phật cũng nên sinh hoạt theo nguyên tắc Lục hòa, kính trên nhường dưới, cũng là nguyên tắc đặt nền tảng trên sự bình đẳng, dân chủ và tự giác.

 

Sống cùng hàng xóm

Người Phật tử đóng một vai trò quan trọng trong đạo Phật, mang một trọng trách đem Phật pháp vào lòng người, nhất là những người sống xung quanh ta như bà con, bè bạn trong làng xóm. Một Phật tử chân chính hiểu và lam đúng những lời Phật dạy thì sẽ cảm hóa và ảnh hưởng đến với mọi người xung quanh. Muốn được vậy thì người Phật tử phải hiểu đúng pháp, thực hành đúng pháp và điều cần nhất ở người Phật tử là phải có một tâm hồn độ lượng, bao dung và tha thứ, đem lại niềm vui và an lạc cho mọi người. Có cơ duyên tốt thì người Phật tử phải hướng dẫn mọi người biết quay về nương tựa Tam Bảo, sống, hiểu và thực hành đúng những lời Phật dạy để làm lợi lạc tha nhân. Niềm vui ấy người Phật tử phải biết nhân lên cho nhiều người trong mọi trường hợp. Người Phật tử phải có trách nhiệm chung lo xây dựng và tô bồi xã hội trở nên tốt đẹp hơn, như những việc làm mà xã hội đang cần bàn tay của chúng góp sức phần nào, như: quỹ từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn, nhất là kiến thức rất cần cho những người còn trong tình trạng thiếu học. Muốn vậy, trước tiên mình phải đứng ra vận động một phong trào khuyến học, kêu gọi bà con trong địa phương ủng hộ tinh thần và giúp đỡ phương tiện xây dựng một mái trường, một thư viện hay một phòng đọc sách. Ngoài công tác giáo dục văn hóa ra, chúng ta còn phải quan tâm đến những bệnh tật mà trong địa phương thường mắc phải. Mình phải phát động phong trào ngừa bệnh và trị bệnh trong học đường cũng như ngoài xã hội. Nhất là những tệ nạn xã hội tại địa phương mình cũng phải vận động bà con bài trừ những tệ nạn ấy bằng sự giáo dục, thuyết phục và bằng cách thực hiện một môi trường sống lành mạnh, hiền lương tại địa phương mình. Đó là những việc làm mà những bậc hiền nhân thuở xưa đều tán thán. Chỉ cần làm được vậy, chúng ta mới xứng đáng là một Phật tử chân chính, là một thành viên tốt đạo, đẹp đời của Phật giáo.

Ý thức trong cộng đồng

Về mặt giáo dục thì phải lập ra các thư viện, tùy phương tiện mà có lớn nhỏ, thường xuyên tổ chức những buổi diễn giảng, thuyết trình, hội thảo về các vấn đề công ích, tổ chức các lớp học bình dân trí, khóa dạy nghề, các lớp Phật học để nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và hoằng dương Phật pháp. Phải cải thiện các chương trình giảng dạy và hiện đại hóa các trường học các cấp. Mỗi địa phương nên mở một đại học cộng đồng.

 

Về mặt y tế thì phải quan tâm đến vấn đề phòng bệnh bằng cách cải thiện môi sinh và môi trường sống, từ nhà cửa đến đường sá phải sạch sẽ. Người Phật tử phải làm gương một tháng một lần, như trong ngày rằm tổ chức một ngày, trang nghiêm quốc độ bằng cách đi dọn rác, lượm rác, làm vệ sinh công cộng trong địa phương mình. Mỗi năm đến ngày Phật Đản, nên tổ chức phong trào trồng cây để bảo vệ môi sinh, làm xanh tươi môi trường sống. Người Phật tử cũng nên làm gương tổ chức các phong trào thể dục, thể thao, võ thuật. Người Phật tử nên vận đong thành lập một quỹ y tế như một hình thức bảo hiểm y tế tại địa phương để khi đau yếu, bệnh nhân có đủ phương tiện điều trị và không gây khó khăn tài chính cho gia đình.

Về mặt đạo đức thì nên xây dựng một ngôi chùa trang nghiêm, tích cực truyền bá Phật pháp. Chùa là điều thiện của làng, là phương thuốc căn bản để cảm hóa nhân tâm, diệt trừ tham, sân, si, ngăn ngừa nguồn gốc sinh ra tội lỗi và những kẻ phạm pháp. Khuyến khích con em tham gia tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên gia đình Phật tử và tạo một môi trường sống lành mạnh hướng thiện cho thanh thiếu niên. Đạo đức gắn liền với kinh tế, với sự ổn định cuộc sống, có đủ cơm ăn áo mặc, nên người Phật tử phải quan tâm đến vấn đề kinh tế, hướng dẫn bà con đi vào những hoạt động làm ăn hợp chánh pháp mà có hiệu quả kinh tế cao, cũng như lập ra quỹ tương trợ, từ thiện để giúp những gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

Trong cuộc sống, bất kỳ một tổ chức, một cộng đồng nào cũng đều đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một ý thức chung, gọi là ý thức cộng đồng. Mỗi một con người trong xã hội đều phải có một ý thức sống cao trong cộng đồng, ý thức về tinh thần lẫn vật chất, hay nói cách khác là ý thức về đạo đức cũng như văn hóa. Là người Phật tử, chúng ta phải sống hòa mình trong cộng đồng, phải thể hiện sự chân thật đạo đức của một Phật tử thì mới cảm hóa được mọi người xung quanh ta trở thành một cộng đồng sống hoàn mỹ và tốt đẹp cho xã hội.


Tác giả  Thích Nhuận Thạnh
Theo: Nếp Sống Đạo (Phần X)
loading...