Góc nhìn Phật tử

Ý Phật trong thành ngữ 'Đặng không mừng, mất không lo'

Thứ sáu, 03/05/2019 08:39

Tôi có “duyên” với thành ngữ này không từ sách vở, lại từ những câu “mắng” thường xuyên của bà ngoại và mẹ, những người dù học vấn trường làng dở dang song vốn dân ca,  tục ngữ, thành ngữ, kiến thức dân gian...rất phong phú.

>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc

Tính tôi đểnh đoảng, vô tư, và... lười, luôn “được” bà và mẹ nói mát yêu là mày là dạng “đặng không mừng, mất không lo”. Tôi nghe và hiểu nhưng không sâu sắc, rốt ráo ý tứ trong đấy.

Trong lòng nghĩ hàm ý câu ấy có nghĩa hỉ đến thói chơi rong không biết mệt cùng chúng bạn, bẻ cây hái trái, kêu chừng nhà bỏ đi...lội sông, hái rau nấu cám cho heo lại thơ thẩn suốt buổi ngắm chim, hay nhà có chuyện vui mọi người tung hô tôi lại dửng dưng như không, coi như không bằng chuyện con cá lia thia mình nuôi no hay đói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhưng sau này có duyên may học chút Phật pháp, ngộ chút ánh sáng, vỡ chút về hiện thực đời sống và nghĩ nhiều về đời ông cha  mẹ mình thời trước, tôi lại hiểu thêm, hiểu sâu thành ngữ ấy có bóng dáng thiền, có ý tứ Phật pháp, thậm chí rất căn bản: đặng là được không mừng, mất là bỏ không lo, nghĩa là buông, không đặt tâm vào sỗ hữu, sinh – tử, vô thường, không bị trôi theo sự vận động phàm và thói phàm trần tham sân si và...

Thực sự nếu nghĩ rốt ráo ý tứ thành ngữ ấy theo văn tự, câu chữ và phi văn tự, nghĩa đen – nghĩa bóng, phân tích chi li... sẽ rất thú vị mà không hề khiên cưỡng, suy diễn mang tính chủ quan. Tôi tự cho rằng đấy là một trong vô vàn ví dụ về sự hòa quyện ý tứ Phật pháp trong dòng chảy văn hóa dân gian Việt, một sự dung hòa,, một vết ngọc vương trên kho tàng thành ngữ Việt, và có sức lan tỏa bất khả tư nghị, như với tôi chẳng hạn.

Và theo hướng ấy, câu mắng, nói mát của bà của mẹ thành ra lời khen có giá trị, tỉ như con cháu mình có tư chất, tố chất con nhà Phật... Nghĩ vậy thấy rất tuyệt.

Bạn có đồng ý như thế không?   

loading...