Đức Phật
4 câu chuyện về tâm đại bi vô lượng của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn
Thứ sáu, 29/06/2022 01:09
Ngày Rằm tháng 2 hơn 2500 năm về trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Đấng Cha Lành đã vắng bóng trên thế gian. Đến nay, chúng ta chỉ còn thấy Ngài qua giáo Pháp Ngài để lại.
Tại sao Đức Phật chọn đản sinh nơi rừng cây?
Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu về những câu chuyện đầy xúc động, tràn đầy lòng từ bi vô lượng của Đức Thế Tôn trước khi Ngài nhập Niết Bàn qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh.
Câu chuyện số 1: Đức Phật thọ nhận món nấm độc
Cunda (hay gọi là Thuần Đà), là một người thợ rèn làm sắt, ông rất có lòng tôn kính đối với Đức Phật. Vì vậy, khi biết Đức Phật và Tăng đoàn đến Câu Thi Na, ông đã bạch thỉnh Đức Phật xin được cúng dường quý Ngài. Với tất cả lòng thành kính của mình, ông chuẩn bị chu đáo những món ăn thượng vị cứng mềm rất chu đáo, đặc biệt là ông đã nấu một nồi cháo nấm thơm ngon với sữa.
Khi ấy, Đức Phật căn dặn ông Cunda rằng, món cháo nấm này chỉ để dành riêng cho Ngài và không cúng cho ai khác; số cháo còn lại nên đem chôn. Bởi Ngài biết không một ai ở nơi cõi Trời, cõi Người, Ma giới, ở Phạm thiên giới; không một ai trong chúng Sa Môn, Bà La Môn hoặc bất kỳ ai khác, ăn món ăn này mà có thể tiêu hóa được, trừ Ngài. Qua việc này, chúng ta học được bài học tuyệt vời từ lòng từ bi của Đức Phật, đó là người làm Thầy luôn nhận hiểm nguy về mình và dành cho đệ tử những gì an lành.
Một lúc lâu sau khi thọ thực món ăn ấy, Đức Phật bị bệnh nặng, có triệu chứng lỵ huyết, đau đớn khốc liệt nhưng Đức Thế Tôn vẫn chính niệm, tỉnh giác, nhẫn nại, điều phục, chịu đựng đau bệnh.
Đức Phật đã biết trước mọi chuyện, Ngài biết rõ đây là nhân duyên để Ngài nhập Niết Bàn:
- “Bữa ăn của nàng Sujàtà dâng Như Lai trước khi thành tựu đạo quả, và bữa ăn của Cunda dâng cúng trước khi Như Lai Niết Bàn; cả hai bữa ăn ấy đem lại phước báu bằng nhau, tạo quả bằng nhau; và quý báu, cao thượng hơn tất cả sự cúng dường khác. Nghiệp tốt của hai bữa ăn ấy sẽ trổ quả hạnh phúc nhiều đời, tuổi thọ cao, tài sản, danh vọng đều thịnh mãn, thường hưởng được phước báu cảnh trời hoặc cảnh vua chúa quyền quý cao sang!”.
Sau nữa, Đức Phật lại căn dặn với tôn giả A Nan rằng, nếu ai có thắc mắc về bữa ăn “có vấn đề” thì ông cũng giải thích như vậy để “giải oan” cho Cunda và giải nghi cho tứ chúng.
Không những vậy, Ngài biết chúng sinh thời mạt Pháp sẽ có những quan điểm sai lầm, tà kiến. Cụ thể là quan điểm rằng người tu mắc bệnh sẽ không thể đắc đạo; người tu đã đắc đạo thì sẽ không mắc bệnh trước khi xả bỏ báo thân. Và bữa cơm cuối cùng này cũng là nhân duyên Ngài thị hiện thân bệnh để đem lại chính kiến cho chúng sinh rằng, người bị bệnh không phải là không đắc đạo và người đắc đạo không phải là không bị thân bệnh.
Câu chuyện số 2: Tôn giả A Nan với bát nước dòng sông đục
Rời nhà ông Cunda, Đức Phật đi đến Kusinara. Bấy giờ Ngài cảm thấy mệt và muốn ngồi nghỉ, Đức Phật bảo tôn giả A Nan trải y cho Ngài nằm và lấy nước ở dòng sông vừa có 500 cỗ xe ngựa chạy qua, nước trở nên nông cạn, khuấy động và vẩn đục. Tôn giả A Nan thấy vậy liền bạch Đức Phật đến dòng sông khác để lấy nước thuần tịnh, dễ chịu và trong lành hơn.
Tuy nhiên, lần thứ 2, lần thứ 3, Đức Thế Tôn vẫn bảo tôn giả A Nan đi lấy nước nên tôn giả vâng lời làm theo. Trở lại dòng sông, tôn giả A Nan vô cùng ngạc nhiên:
- “Thật kỳ diệu thay, thật hy hữu thay thần túc và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục này, khi ta đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục”.
Từ đó, có thể thấy Đức Phật thị hiện duyên này để khẳng định rằng: Người tu hành đắc đạo dù có mắc bạo bệnh thì năng lực công đức không hề tổn giảm, năng lực của tâm không bị ảnh hưởng.
Đây là sự thị hiện tuyệt vời của Đức Phật, giúp giải nghi và làm thanh tịnh tâm của tôn giả A Nan và cho chúng sinh, không làm mất tín tâm của chúng sinh cho dù bị bạo bệnh.
Câu chuyện số 3: Đức Phật tinh tấn độ sinh đến giây phút cuối cùng
Đức Phật là bậc Thầy của tất cả Trời, người, mọi điều của Ngài đều vô cùng mẫu mực, tuyệt hảo. Cả cuộc đời của Ngài đều vì sự an lạc, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Trong suốt 49 năm hóa độ chúng sinh, lịch làm việc của Đức Thế Tôn mỗi ngày được chia thành năm thời: một thời buổi sáng, một thời buổi trưa, đến canh đầu của buổi tối, canh giữa và canh cuối của đêm.
Mỗi buổi sáng, Đức Phật dùng thiên nhãn quan sát trong thế gian xem ai có đủ duyên để Ngài đến tế độ. Nếu người đó cần phải đến tế độ thì Ngài sẽ đích thân đi bộ đến. Đặc biệt, có những trường hợp Ngài có thể dùng thần thông đi đến để độ cho người đó như câu chuyện Ngài độ cho Angulimala từ một tên tướng cướp khét tiếng trở nên thành người lương thiện và xuất gia, sau này trở thành một vị Thánh Tăng A La Hán.
Sau đó, Ngài sẽ đi khất thực đến tầm trưa rồi Ngài thọ trai tùy duyên. Đến buổi trưa, Đức Phật nằm chỉ tịnh (nghỉ ngơi), nằm nghỉ dưỡng thần một chút. Sau đó, Ngài dành thời gian giáo dưỡng cho các vị Tỳ-kheo ở nơi xa về xin Ngài chỉ dạy. Tầm buổi chiều (khoảng từ 15h đến 18h) là thời điểm Ngài sẽ giải đáp thắc mắc, nghi vấn cho trên từ vua quan, dưới đến thường dân hay những ai mong muốn được gặp Đức Phật, thỉnh Đức Phật chỉ dạy.
Canh đầu buổi tối từ 18 giờ đến 22 giờ, Đức Phật dành riêng cho những vị Tỳ-kheo ở gần trú xứ với Ngài. Canh giữa từ 22 giờ đến 1 - 2 giờ khuya là thời gian Ngài dành cho các vị chư thiên: Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương, các chúng ở trong các cõi trời xuống xin thỉnh thỉnh Ngài chỉ dạy. Canh cuối từ 2 giờ khuya đến khoảng 5 - 6 giờ sáng được chia ra làm bốn phần:
+ Phần đầu từ 2 - 3 giờ, Đức Phật đi kinh hành.
+ Từ 3 - 4 giờ sáng, Ngài nằm nghỉ xả, định thần.
+ Từ 4 - 5 giờ sáng, Ngài nhập đại bi định và rải tâm từ đến khắp nơi, làm êm dịu tâm trí chúng sinh.
+ Sau đó, Ngài quan sát thế gian để xem ai có đủ duyên thì Ngài sẽ đến tế độ.
Qua lịch làm việc một ngày của Đức Phật, chúng ta thấy cả cuộc đời Ngài quả thật là một cuộc đời tế độ chúng sinh, giây phút nào Ngài cũng vì lợi ích chúng sinh. Đức Phật là con người đặc biệt, trọn ngày an lành, trọn ngày lợi ích cho tất cả chúng sinh và cho đến những giây phút trước khi nhập Niết Bàn, Ngài vẫn tinh tấn độ sinh.
Vào những giờ phút trước khi Ngài nhập Niết Bàn, có ông tu sĩ ngoại đạo là Tu Bạt Đà La 120 tuổi, ông rất mong muốn được gặp Đức Thế Tôn. Sợ Đức Phật mệt, tôn giả A Nan và Tăng chúng ngăn cản, không cho ông vào.
Bài kinh Di Giáo - Lời di huấn cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn
Đức Phật đọc tâm ý thành khẩn của Tu Bạt Đà La, Ngài đồng ý cho ông ta vào. Với những câu hỏi của Tu Bạt Đà La, Đức Phật đã khai thị cho ông bằng thời Pháp ngắn. Tu Bạt Đà La thấm nhuần lời Đức Phật, khắc sâu vào tâm trí, ông hoan hỷ, vui mừng khôn xiết, quỳ gập người, xin được xuất gia, thọ đại giới làm đệ tử của Ngài. Tu Bạt Đà La một mình an tịnh, không phóng dật, tinh tấn, sống nhiệt tâm, cần mẫn và rất nhanh sau đó, ông chứng đạt Thánh quả A La Hán, không còn trở lại luân hồi sinh tử nữa. Đại đức Tu Bạt Đà La là vị đệ tử cuối cùng được Thế Tôn tế độ khi Ngài còn tại thế.
Câu chuyện số 4: Đức Phật để lại lời di giáo cho tứ chúng đệ tử
Trong khu rừng mát mẻ, giữa hai cây Sa La song thọ với bốn nhánh vươn cao và tỏa rộng, hoa nở rực rỡ và ngạt ngào hương. Đức Thế Tôn nằm nghiêng lưng trên tảng đá bằng phẳng, đầu quay về phía Bắc, mặt quay về phía Tây. Chư Tỳ-kheo ngồi vòng quanh yên lặng như một rừng thiền định. Giữa tiếng chim ríu rít, vài cánh hoa rơi khẽ, Đức Phật thuyết kinh Di giáo là những lời dạy cuối cùng để lại cho hai hàng đệ tử xuất gia và tại gia. Một trong những lời Ngài căn dặn như sau:
- “Này Ananda, nếu trong các ông có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Đạo sư không còn nữa”. Chúng ta không có Đạo sư (giáo chủ)”. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các ông”.
- “Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về đức Phật, đức Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp; thời, này các Tỷ-kheo, các ngươi hãy hỏi đi. Sau chớ có hối tiếc: Bậc Đạo Sư có mặt trước chúng ta mà chúng ta không tận mặt hỏi Đức Thế Tôn”. Đức Thế Tôn lặp lại điều ấy, lần thứ 2, lần thứ 3 và Tăng chúng vẫn giữ im lặng. Ngài biết rằng, trong chúng Tỳ-kheo, không có một ai nghi ngờ hay phân vân gì đối với đức Phật, đức Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp.
Ngài nói với các Tỳ-kheo lời sau cùng:
- “Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ông: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”.
Đó là lời cuối cùng của Đức Như Lai, rồi Ngài nhập các tầng thiền và diệt độ.
Những lời của Đức Phật đúng là lời của một người Cha thương con vô cùng trước ngày nhắm mắt ra đi. Chúng ta thấy rằng Ngài luôn tinh tấn không giảm, chí nguyện độ sinh, lòng từ bi yêu thương của Ngài đối với chúng sinh cũng không bao giờ giảm cho đến hơi thở cuối cùng. Đây là điều hết sức đặc biệt. Và để làm được điều này cần có một tình yêu rất là to lớn, một tình thương đối với chúng sinh vô biên như thế.
Qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh với bốn câu chuyện trên, chúng ta thấy được lòng từ bi vô lượng, giây phút nào Ngài cũng lo lắng, yêu thương chúng sinh kể cả khi thân Ngài bệnh, đau đớn khốc liệt nhưng Ngài vẫn nhẫn chịu, không một chút ca thán. Lòng từ bi của Ngài là lòng từ bi vô hạn, không phân biệt đẳng cấp, giai cấp. Ngài thấy tất cả chúng sinh đều là khổ, đều đang chìm đắm trong bể khổ và Ngài thấy bổn phận của Ngài là phải cứu vớt tất cả chúng sinh, dù là ai đi nữa thì họ cũng cần phải được cứu độ, đúng với bản hoài của Ngài đó là Ngài ra đời để cứu độ tất cả chúng sinh.