Lời Phật dạy
Ba loại hội chúng cần lựa chọn để nương tựa
Thứ bảy, 18/03/2023 08:30
Theo tuệ giác của Thế Tôn, hội chúng lý tưởng là hội chúng có các vị Tỷ kheo thành tựu giải thoát, đạo cao và đức trọng. Chính sự hiện hữu của các trưởng lão tràn đầy trí tuệ và từ bi đã làm chuyển hóa đại chúng.
“Một thời Thế Tôn trú ở Kosala, dạy các Tỷ kheo:
- Có ba hội chúng, này các Tỷ kheo, thế nào là ba? Hội chúng tối thượng, hội chúng không hòa hợp, hội chúng hòa hợp.
- Thế nào là hội chúng tối thượng? Này các Tỷ kheo, hội chúng nào có các Tỷ kheo trưởng lão, không có sống đầy đủ, không có biếng nhác, từ bỏ dẫn đầu về đọa lạc, đi đầu về hạnh viễn ly, chứng đắc những gì chưa chứng. Và những thế hệ kế tiếp chúng tùy thuận theo tri kiến của chúng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hội chúng tối thượng.
- Và thế nào là hội chúng không hòa hợp? Này các Tỷ kheo, hội chúng nào các Tỷ kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hội chúng không hòa hợp.
- Và thế nào là hội chúng hòa hợp? Này các Tỷ kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ kheo sống hòa hợp hoan hỷ, không luận tranh, sống hòa hợp như nước với sữa. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hội chúng hòa hợp”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Hạt muối, phần Hội chúng [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.440)
Cảnh tỉnh những hội chúng không thanh tịnh
Lời bàn:
Một trong những đặc điểm quan trọng của đời sống xuất gia là luôn gắn liền với Tăng già. Do vậy, xác định một hội chúng để nương tựa tu tập là việc cần làm của mỗi Tỷ kheo. Tăng già nguyên nghĩa là hội chúng Tỷ kheo sống hòa hợp và thanh tịnh. Tuy nhiên, không phải hội chúng Tỷ kheo nào cũng đạt chuẩn thanh tịnh và hòa hợp.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, hội chúng lý tưởng là hội chúng có các vị Tỷ kheo thành tựu giải thoát, đạo cao và đức trọng. Chính sự hiện hữu của các trưởng lão tràn đầy trí tuệ và từ bi đã làm chuyển hóa đại chúng. Dù các ngài không trực tiếp tham gia lãnh đạo nhưng đạo lực của các ngài có năng lực thâu nhiếp và tịnh hóa thân tâm hội chúng. Đồng thời, với uy đức của bậc tôn túc, đại chúng mặc nhiên kính ái mà tự nguyện tuân thủ quy củ thiền môn.
Thật là bất hạnh cho người xuất gia khi sống trong hội chúng không hòa hợp. Một hội chúng nhiều tranh cãi, bất hòa sẽ tạo ra vô vàn khổ đau, đặc biệt là những nỗi đau không nên có đối với người đã phát nguyện ly tục. Với những hội chúng “Bà-la-môn” như thế, nếu không đủ đạo lực để chuyển hóa thì nên nhanh chóng từ bỏ như từ bỏ “khu rừng tâm không thanh tịnh và khất thực khó khăn” (kinh Khu rừng).
Hội chúng hòa hợp là những hội chúng sống chung trong sáu sự hòa kính. Dù khó nhưng nếu đại chúng cùng nhau tuân thủ giới luật thì sẽ làm được. Người xuất gia nguyện “cát ái từ thân” nên được sống trong sự yêu thương của đại chúng là một niềm hạnh phúc. Đó là điểm tựa để phát huy năng lực tu tập.
Ngày nay, tìm một hội chúng tối thượng để nương tựa thật không dễ nhưng xây dựng một hội chúng hòa hợp cũng không phải là điều khó. Chính sự nỗ lực tự kiện toàn của mỗi cá nhân sẽ xây dựng nên đại chúng hòa hợp và đó cũng là bổn phận, trách nhiệm của những người con Phật.