Kiến thức

Bồ tát Quán Thế Âm: Hiện thân của lòng từ bi

Thứ năm, 25/02/2024 08:00

Hạnh nguyện từ bi của đức Quán Thế Âm là bao la vô tận. Ngài là hiện thân của người mẹ hiền vượt lên trên tất cả mẹ hiền. Nơi nào có khổ đau, tai nạn, nơi nào có phát ra tiếng xưng niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” chí thành tha thiết, nơi ấy có sự hiện diện của Bồ Tát.

285013050_1083481535851046_1438409657502727933_n

“Chấp tay nâng đóa sen vàng

Quan Âm Bồ Tát nhẹ nhàng ngự lên

Một lòng thành kính nguyện cầu

Hiện thân Bồ Tát biển sâu thuyền từ

Cứu người đến bến vô dư

Viên thành Phật quả chân như sáng ngời”

Khi nghĩ về Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng ta lại nhớ đến hạnh nguyện và lòng đại từ đại bi của Ngài. Trong Kinh Phổ Môn, lòng từ của Ngài được thể hiện qua sự hiện thân khắp mười phương thế giới, đủ các thân hình, tùy trường hợp và cơ cảm khác nhau mà phương tiện cứu độ.

Ngài là hiện thân của từ bi, ở đâu có chúng sinh đau khổ là ở đó có Ngài thị hiện. Bi tâm của Ngài thanh trong sáng suốt, vượt ra ngoài tầm nhận thức của chúng ta. Bi tâm ấy có thể tạm ví như nước bể im lặng trong sáng, phản chiếu ánh từ quang, còn khổ tâm của chúng sinh như những chiếc ghe thuyền bị nạn làm khuấy động trên bể nước ấy. Ở đâu có khổ tâm của chúng sinh động thì tức khắc ở đó có bi tâm của Ngài. Dân gian thường nói “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, hay trong bài kệ Quán tưởng Đức Phật có câu “cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Lòng từ của chúng ta cảm, đức từ bi của Ngài ứng, đó là quy luật rất tự nhiên và mầu nhiệm.

Tâm của chúng ta tin tưởng xưng niệm là nhân, đức từ bi và thệ nguyện rộng lớn của Ngài là duyên, nhân duyên gặp gỡ, cảm ứng rõ ràng, chúng ta sẽ cảm nhận các điềm lành như chuyển họa thành phước, gặp được quý nhân, gió thuận buồm xuôi .v.v… Sự cảm ứng, chứng nghiệm chỉ mỗi người tự chứng biết và nó chỉ đến với người thành tâm quán niệm, thường hay làm việc phước thiện từ bi, thương người giúp đời.

Thông điệp mà hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm mang đến cho đời chính là chất liệu của tình thương, lòng nhẫn nại và sự tỉnh thức để quay về với con người thật của chính mình. Nếu cuộc đời không có những chúng sinh đau khổ, không còn những tâm hồn lạc lõng chơi vơi thì có lẽ Bồ Tát cũng không cần dùng đến nghìn tay nghìn mắt.

Tâm từ, hạnh kiên nhẫn, khả năng lắng nghe và một trái tim đồng cảm không chỉ có ở Đức Quán Thế Âm mà nó còn tiềm ẩn trong tâm của mỗi người. Nếu chúng ta luôn thọ trì danh hiệu hay lễ lạy Ngài mà không biết nuôi lớn hạt giống thuần thiện thì đó chỉ là ước nguyện, sự giao cảm khó có thể được thành tựu. Hơn nữa, người nào thường học, hiểu và thực hành theo hạnh từ bi, không tham lam mà bố thí, không giận hờn mà chia sẻ niềm vui, hoặc gặp người khó khăn liền ra tay giúp đỡ, người ấy chính là hình ảnh từ bi của Đức Quán Thế Âm.

Có thể nói, hạnh nguyện từ bi của đức Quán Thế Âm là bao la vô tận. Ngài là hiện thân của người mẹ hiền vượt lên trên tất cả mẹ hiền. Nơi nào có khổ đau, tai nạn, nơi nào có phát ra tiếng xưng niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” chí thành tha thiết thì nơi ấy có sự hiện diện của Bồ Tát. Trong dân gian, danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm đã được lưu giữ một vị trí nhất định trong tâm khảm của nhiều người. Danh hiệu Ngài luôn được xưng niệm trong những lúc hiểm nguy, ách nạn. Đó là sức huyền diệu về lòng từ của Bồ Tát mà khắp trong dân ta, ai ai cũng kính ngưỡng và tôn thờ, tâm niệm về Ngài.

loading...