Sống an vui
Chế ngự cơn giận bằng phương pháp thiền hơi thở
Chủ nhật, 15/09/2022 11:15
hi còn nhỏ, tôi hay qua nhà cô giáo dạy tiếng Pháp chơi, mẹ cô là người thường đi chùa và tụng kinh Nhật tụng lâu năm nên các tờ kinh lâu ngày trông vàng cũ.
Bàn thờ của bà trông rất hoành tráng và không kém phần cung kính. Nhiều lần sau khi bà tụng kinh xong, tôi vô tình chứng kiến bà sách sổ đòi nợ sinh viên ở trọ trong nhà và không ngớt lớn tiếng, chẳng hạn như …”hôm nay là thứ mấy rồi mà chưa mang tiền đóng cho ngoại, còn tiền điện, tiền nước nữa đó nha ...”
Chuyện đời thường đã thấy, còn chuyện trong chùa tôi cũng nghe kể lại rằng, nhiều người xuất gia cũng phải thổ lộ: “… đi tu mới biết thương cha mẹ, ở nhà cãi cha cãi mẹ, vô chùa Sư phụ nói là phải nghe và phải thực hiện nghiêm túc mà không một lời oán thán, nhiều Sư phụ nóng tính lắm … “
Đã là con người chúng ta sao tránh khỏi cái tham sân si dục kiềm ố! Trong đó, cơn thịnh nộ làm cho ta nổi điên, nó diễn ra nhanh cấp kỳ chưa đến một giây và khó kiềm chế. Đây là một tật rất xấu mà ta không quá khó để từ bỏ. Nó xảy ra trong mọi tình huống, lúc thì ở trong gia đình với cha mẹ, anh chị em, lúc thì giao tiếp với láng giềng, hoặc khi đi làm tiếp xúc với cấp trên, với người đồng sự ... Đương nhiên, kiềm chế cơn nóng giận và biết cách giải tỏa nó, bạn sẽ hạn chế rất nhiều điều đáng tiếc xảy ra. Một sự từ tốn giúp bạn không mất lòng ai, giữ gìn được tình cảm những người chung quanh, được mọi người yêu mến, và dễ dàng tạo sự đồng thuận trong công việc, hợp tác thành công …
Phân tích hiện tượng của sự giận dữ, chúng ta thấy là máu trong người đang nổi sân tăng tốc bất thường, tim đập mạnh dồn dập, thở nhanh, gấp và ngắn. Vậy cái gì trên cơ thể liên quan đến tức giận: máu, hơi thở và nhịp tim. Do vậy, chúng ta cần một cái móc neo để đánh tan sự tập trung của tâm vào cơn giận và đó là lý do thiền hơi thở ra đời và được gọi dưới cái tên là “Anapanasati”. Dùng hơi thở làm đề mục, hơi thở liên quan đến cơ thể vận động và cơn giận cũng liên quan đến sự vận động của cơ thể. Cả hai hơi thở và cơn giận, chúng ta đều có thể điều khiển được bằng ý thức.
Đến đây, bạn có thể hỏi tại sao không dùng các đề mục khác trên cơ thể mà phải dùng hơi thở? Vì hơi thở là hiển nhiên nhất, các bạn có thể quan sát nó. Ví dụ, các bạn không thể dùng ý thức ra lệnh cho tim ngừng đập, các bạn cố tình muốn tim ngừng đập nhưng tim sẽ không nghe lời các bạn. Nếu các bạn muốn đếm nhịp tim để làm đề mục thì các bạn cần thêm máy đếm tim hoặc phải bắt mạch. Cũng như vậy, nếu dùng lượng máu chảy làm đề mục, các bạn không thể ra lệnh “máu ơi, hãy chảy chậm lại” hoặc đếm số lượng máu đã cung cấp cho não bộ nếu không dùng đến máy móc kỹ thuật. Như vậy cái nào tiện hơn?! Sự thật là hơi thở sẽ giúp ta đánh lạc sự tập trung vào cơn giận dữ.
Cách thực tập là, các bạn dùng mũi và bụng để lấy khí vào (bụng phình ra) và tống khí ra (bụng thót lại). Ta đưa sự tập trung của tâm vào hơi thở và quan sát nó như đang quan sát một con sâu bò trên cây. Nói đến đây không có nghĩa bạn đưa sự tập trung vào cái bụng hoặc cái lỗ mũi để tập hơn là thở mà đơn giản tập trung vào hơi thở! Khi thở vào, bạn biết đang thở vào và nói thầm trong đầu “tôi đang thở vào”. Khi thở ra, bạn biết là đang thở ra và nói thầm trong đầu “tôi đang thở ra”. Khoảng cách thở vào và thở ra khi ngắn khi dài, lúc ấy bạn biết khi ngắn, khi dài và bạn làm cho hơi thở dài ngắn bao nhiêu thì lại tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Khác với thở Yoga, bạn không cần dùng tâm tác ý để làm cho hơi thở vào hoặc hơi thở ra là phải đều nhau.
Bài thực tập này có thể làm bất cứ lúc nào trong ngày khi bạn có thời gian, bao nhiêu lâu tùy bạn, sáu mươi phút, ba mươi phút, hai mươi phút, mười phút, và thậm chí chỉ là một phút thôi cũng được, miễn là xóa được cơn nóng giận, kéo tâm mình trở về bến tĩnh lặng, bình yên!