Chùa Việt
Chùa Phước Kiển: Ngôi chùa có loài sen cõng được người
Chủ nhật, 22/09/2019 12:49
Chùa Phước Kiển tọa lạc tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Chùa còn được gọi là chùa Lá Sen là ngôi chùa nhỏ được thành lập trước thời vua Thiệu Trị năm 1845. Ngôi chùa nổi tiếng không chỉ vì Cụ Rùa hơn 100 năm tuổi mà còn bởi loài sen có lá khổng lồ cõng được người.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về chùa Việt
Theo chia sẻ của Hòa thượng Thích Huệ Từ (trụ trì chùa Phước Kiển) thì năm 1992, sư thầy phát hiện dưới ao xuất hiện loài sen lạ xen lẫn với đám bông súng. Thấy vậy, nhiều người hiếu kỳ đến xem. Họ không biết tên thật của loài sen này là gì nên nhìn vào hình dáng của lá mà gọi là sen vua, sen nia hay sen nong tằm... Lá sen hình tròn, trụ trì cho xây ao hình vuông nhằm biểu trưng cho trời và đất. Cái tên chùa Lá Sen cũng ra đời từ đó.
Thoạt nhìn lá sen vua tương tự lá súng được phóng to hết cỡ. Vào mùa nước nổi, sen được thỏa thích uống nước nên lá rất to, có khi đường kính lên đến bốn mét, mép lá uốn cong khoảng 5cm trông giống hệt một cái nia lớn. Mặt trên lá nhẵn bóng, màu lục nhạt, có hình vảy rồng chồng lên nhau giống hình vảy ngói âm dương.
Được biết, loài sen này xuất hiện trong ao của nhà chùa từ năm 1992 và tồn tại cho đến bây giờ. Không ai biết tên gọi chính xác của chúng nên người ta thường gọi bằng nhiều tên khác nhau. Có người gọi là sen vua, có khi gọi là súng nia, cây nong tầm… Và thực tế thì loại sen quý này có tên khoa học là Victoria amazonica, nó được phát hiện lần đầu vào năm 1837 tại vùng rừng amazon, là một loài thực vật có hoa, kích thước lớn nhất thuộc họ súng. Do đó lá sen mới có đặc điểm là to dày và nhiều gai. Nếu chỉ nhìn thấy qua ảnh hoặc video có lẽ bất kì ai cũng sẽ nghĩ đây là những lá sen làm bằng nhựa có giá thép chống đỡ bên dưới hồ nên cõng được người mà không bị chìm xuống hồ.
Trái ngược với mặt dưới có nhiều gai và gân lớn thì mặt trên của lá sen bóng nhẵn màu xanh, chia nhỏ thành nhiều ô hình tam giác có màu đỏ nhạt lúc còn non, khi lá sen già dần thì các ô này cũng chuyển màu thẩm dần. Tuy to dày nhưng cấu trúc lá sen vẫn là rất giòn, bạn muốn đứng, hoặc ngồi được trên lá sen thì đầu tiên phải đặt một chiếc mâm mỏng bằng thiếc hoặc nhựa lên mặt lá, rồi mới từ từ bước vào giữa tâm của chiếc mâm và lá sen. Thời điểm tháng 9, tháng 10 là lúc sen phát triển mạnh nhất, cho lá nhiều, to dày, có thể đạt đường kính 2 mét và bao phủ toàn mặt ao.
Ngoài chuyện sen lạ, chùa Phước Kiển còn được nhiều người biết đến bởi câu chuyện về Cụ Rùa hơn 100 năm tuổi ăn chay trường và nghe kinh Phật.
Hiện chùa nuôi 6 con rùa, trong đó có 1 con 106 tuổi (nặng 15 kg), 1 con 101 tuổi (nặng 13 kg), được gọi là “cụ rùa”. Ngoài ra còn có 1 con rùa rất đặc biêt, tuổi đời nhỏ nhất, chỉ ngủ mùng và không bao giờ chịu… xuống nước.
Thời chiến tranh loạn lạc, 2 “cụ” rùa trên hết lần này đến lần khác lưu lạc vì bị bắt trộm. Nhưng lạ kỳ ở chỗ, những người trộm rùa lại tự mang rùa đến chùa nhận tội với trụ trì vì từ ngày trộm rùa những thành viên trong nhà gặp đau ốm triền miên nên hoảng sợ đem trả.
Điều đặc biệt là những “cụ” rùa đều ăn chay, chủ yếu là rau muống. Mỗi đêm, 1 “cụ” có thể ăn hết 1 kg rau muống.Có nhiều khi khách tham quan thử cho ăn thịt, cá thì rùa không bao giờ ăn mà quay mặt bò nhanh đi nơi khác. Mỗi khi sư tụng kinh, những cụ rùa dù đang ở đâu cũng bò về nằm phục, như chăm chú lắng nghe tiếng kinh phật.
Vì tuổi đời trăm năm và biết “tu hành” nên những “cụ” rùa ở chùa này được khách thập phương khi đến thăm chùa đều rất yêu mến. Phật tử đến viếng chùa gọi những “cụ” rùa là “ông quy”. Những “ông quy” này suốt ngày chỉ bò quanh quẩn trong sân chùa, ai muốn sờ mó, ôm bồng đều được và dù có bế đi đâu thì “ông quy” vẫn bò về chỗ cũ.