Chùa Việt
Chùa Tân Thanh - Cột mốc tâm linh nơi biên cương Tổ quốc
Chủ nhật, 02/11/2019 08:00
Chùa Tân Thanh nằm ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa ngõ biên giới Việt – Trung thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 28 km về phía Tây Bắc. Công trình chùa Tân Thanh là một ngôi chùa có kiến trúc thuần Việt mang đậm đà bản sắc văn hóa Bắc Bộ.
Chùa được xây dựng mới từ năm 2015, với diện tích 21ha, riêng ngôi Tam Bảo đã rộng 1300 m2, tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng từ nguồn phát tâm của Phật tử trong và ngoài nước.
Chùa Tân Thanh nằm ở vị trí trên cao nên trông thật sừng sững, uy nghi bởi lối kiến trúc đặc sắc. Nhìn từ bên ngoài cổng chùa gồm 3 gian chồng diêm lợp ngói mũi hài, gỗ lim, nền đá, mái đao đầu rồng cong vút.
Chính giữa là bảng tên của chùa được viết theo lối thư pháp tiếng Việt đơn giản nhưng không kém phần trang nhã và uy nghiêm. Phía dưới 3 lối cổng vào được hình thành với 4 câu đối: "Vào cửa chùa lòng sạch trần duyên tiêu tự lụy/ Lui tới trang nghiêm thế sự lợi danh ngoài cảnh Phật/ Ra vào tự tại pháp môn giải thoát tại lòng ta/ Vào cửa Phật miệng câu Tam Bảo niệm tâm kinh”.
Đi qua cổng chùa, ngay bên phía tay phải là đền thờ Quan Trấn Ải để tưởng nhớ công lao biết bao anh hùng đã hy sinh xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Phía bên trong hai câu thơ trên bức hoành phi “Trấn Ải Tân Thanh trung nghĩa lưu sử sách – Non sông Đại Việt trường tồn mãi nghìn thu” như thay lời cảm tạ của con cháu nước Việt mỗi khi viếng thăm chùa.
Để lên được trung tâm chùa phải đi qua một sảnh lớn rộng 2000 m2,với trục hoàng đạo thẳng tắp, hai bên là hàng tùng La hán. Cổng Tam quan nơi treo quả chuông đồng nặng 536kg sớm, chiều ngân nga giữa điệp trùng non nước. Hai hàng tượng mười vị đại đệ tử của Đức Phật Thích ca; mỗi vị là tiêu biểu cho các đức tính và đạo hành từ bi của Phật, bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn được chạm khắc sống động.
Kiến trúc ngôi chùa, chính là điểm nhấn tuyệt vời trên thế đất long chầu hổ phục, phía trước có tam sơn ngũ nhạc làm án, bên trái có núi hình rồng chầu vào, bên phải có núi hình voi phục; phía sau có thế núi như ngai rồng… Hai bên cửa chùa, có hai hồ nước tựa như mắt rồng và suối chảy ngay bên chùa thật là thế đất phong thủy chưa nơi nào có.Ngay sảnh chùa được bài trí chiếu rồng đục chạm tinh xảo hình chín rồng triều Lý trên phiến đá nặng trên 90 tấn và các bậc thang dẫn lên chùa đều có rồng chầu, nghê phục thuần chất cổ truyền của kiến trúc chùa cổ Việt Nam.
Đi qua 3 gian sảnh là sân chùa, ở chính giữa là Đức Phật Di Lặc với nụ cười hoan hỉ, phía bên trái là tượng của Bồ tát Văn thù,bên phải là tượng của Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng, tất cả đều được làm bằng chất liệu đá trắng chạm khắc công phu. Bên trái và bên phải chùa là hai tòa Điện thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Với nét kiến trúc đặc sắc, thuần Việt, hài hòa với cảnh quan tổng thể càng làm cho chùa Tân Thanh thêm bề thế.
Kiến trúc thuần Việt với trên 300 khối gỗ lim Lào, đục chạm tinh xảo, tượng Phật sơn son thếp vàng; câu đối hoành phi bằng chữ Việt, nghĩa Việt… du khách sẽ thấy tòa Tam Bảo của chùa Tân Thanh là một mẫu kiến trúc điển hình ít nơi nào trên đất nước Việt Nam có được.
Đặc sắc nữa là mỗi viên gạch xây chùa đều có hàng chữ in hoa: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Phật lịch 2559 khởi tạo chùa Tân Thanh” sẽ là cột mốc văn hóa lưu lại nghìn năm nơi biên cương của Tổ quốc.
Đứng trên hiên chùa nhìn sang nước bạn và phóng tầm mắt thu hết cả giang sơn, bạn sẽ thấy thư thái lạ thường bởi niềm tự hào dân tộc, hồn thiêng sông núi và linh khí tổ tiên tỏa sáng trong ánh hào quang từ bi của Phật Tổ.Chùa Tân Thanh là điểm nhấn, tô thêm nét đẹp trong văn hóa nghìn đời nơi xứ Lạng, để mỗi khi chiều xuống, chuông chùa vang vọng tiếng hòa bình nơi địa đầu Tổ quốc.
Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Phó trưởng Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chùa Tân Thanh được xây dựng nơi biên cương của Tổ quốc không chỉ là nơi thờ Phật mà còn có ý nghĩa như một cột mốc văn hóa, tâm linh của người Việt Nam. Sự hiện diện của ngôi chùa là thông điệp về sự chân thành, lòng từ bi theo tinh thần phật giáo, tình hữu nghị, cam kết cùng phát triển của nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế.”
Theo: Báo Pháp Luật