Kinh Phật
Đặc tính của Pháp trong kinh tạng A Hàm (I)
Thứ năm, 02/04/2021 10:00
Mục đích ra đời của Đức Phật là tìm ra con đường diệt khổ và đem lại an vui cho mọi loài. Cho nên, giáo pháp của Ngài nói ra hoàn toàn bình đẳng, tuỳ theo căn cơ, trình độ của mỗi người lĩnh hội, mà đều được lợi lạc.
Trí tuệ thế gian: Thông thường ở thế gian thì những người có kiến thức uyên bác về một lĩnh vực, thậm chí có thể hiểu biết về nhiều lĩnh vực nào đó. Có thể phân tích, trình bày những vấn đề đó một cách khúc triết rõ ràng, cũng được gọi là trí thức. Nhưng theo quan điểm của Phật giáo, thì đó chưa phải là người có trí, mà chỉ gọi là thức, bởi cái biết của họ chỉ là biết dựa trên sự học hỏi lý thuyết, chứ không có thực hành tu tập, và họ đối với những vấn đề đó vẫn có thể bị chi phối, không được tự tại. Cho nên đó gọi là Trí tuệ thế gian.
Trí tuệ xuất thế gian: Người có trí được đề cập đến trong Đạo Phật là sự hiểu biết chính xác, như thật về thực tướng của các pháp. Đây là trí tuệ đặt trên nền tảng của giới và định, đạt được do công phu thực hành tu tập, do công phu tu tập mà thức chuyển thành trí, đưa đến giải thoát. Cho nên gọi là Trí tuệ xuất thế gian.
Người có trí tuệ được đề cập đến rất nhiều qua những lời dạy của Đức Phật, tuỳ vào mỗi hoàn cảnh và trường hợp cụ thể mà Ngài nói về trí tuệ một cách khác nhau, như khi Bà là môn Chủng Đức hỏi Ngài về thế nào là người có trí tuệ, thì Ngài trả lời: “ Nếu vị Tỷ khiêu dùng sự thanh tịnh, không cấu uế nhu nhuyến, dễ điều phục của định tâm mà trụ vào định Bất động, cho đến khi được Tam minh, trừ bỏ vô minh … Này Bà la môn, đó là trí tuệ đầy đủ”.
Như vậy, chúng ta đã phân biệt thế nào là trí tuệ thế gian, thế nào trí tuệ xuất thế gian và hiểu được trí tuệ được đề cập đến ở đây là trí tuệ xuất thế gian. Mục đích ra đời của Đức Phật là tìm ra con đường diệt khổ và đem lại an vui cho mọi loài. Cho nên, giáo pháp của Ngài nói ra hoàn toàn bình đẳng, tuỳ theo căn cơ, trình độ của mỗi người lĩnh hội, mà đều được lợi lạc. Nhưng để có thể thực hành tu tập đạt đến chỗ hạnh phúc rốt ráo, chân thực thì chỉ có trí tuệ là phương tiện duy nhất. Chính Đức Phật đã xác chứng rằng:“ Ta nay đã chứng được pháp vô thượng thậm thâm vi diệu, khó hiểu, khó thấy, vắng bặt sự huyên náo, chỉ có người trí mới thấu biết chứ kẻ phàm phu không thể nào thấu biết được”.
Qua lời xác nhận trên của Đức Phật, chúng ta thấy vai trò của người có trí và vai trò của trí tuệ giữ vai trò then chốt trong mọi lời dạy của Ngài. Cho nên, đối với giáo pháp của Đức Phật, nếu chúng ta muốn đạt được mục đích giải thoát an lạc thì không có gì ngoài việc nỗ lực tu tập để trau dồi trí tuệ, thấy biết như thật về thực tướng của các pháp, chứng ngộ Tuệ giác tối thượng. Vì thế, Đạo Phật được gọi là đạo của trí tuệ, của giải thoát vậy.
Đến để thấy chứ không phải đến để tin
Đây là nói đến phưong diện thực hành giáo pháp. Đối với giáo pháp của Đức Phật, thì phải “đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin”. Nói như vậy không có nghĩa là bác bỏ lòng tin, bởi đối với bất cứ một tôn giáo nào thì cũng không thể vắng đức tin được, nhưng nếu chỉ có lòng tin không thôi thì chưa đủ. Phật giáo cũng không yêu cầu, đòi hỏi ở mọi người một đức tin mù quáng, bạ đâu tin đó không suy xét. Lòng tin phải được căn cứ trên sự hiểu biết, được trắc nghiệm thông qua sự tu tập của chính bản thân mình. Hơn nữa, lòng tin mới là yếu tố ban đầu để dẫn người ta đến với đạo, muốn vượt qua được biển khổ sinh tử thì không có gì ngoài trí tuệ. Cái thấynó đến ở đây là cái thấy biết như thật về thực tướng của các pháp, Đức Phật dạy: “Ai thấy duyên khởi tức thấy pháp, nếu thấy Pháp tức thấy duyên khởi”.
Đặc tính hoằng pháp của Đức Phật
Hàng ngày, mọi người lễ Phật, lạy Phật không phải là để cầu xin ơn huệ, mà là để biểu thị lòng tôn kính của mình với bậc Đạo Sư. Đồng thời để quán sát, suy ngẫm về hồng đức của Ngài và tính cách vô thường của vạn vật, thấy biết như thật về thực tướng của các pháp, tự mình nỗ lực tu tập tiến đến giải thoát chứng ngộ chân lý. Đó mới gọi là “ thấy”, hay nói một cách khác là Kiến đạo. Quá trình tu tập của Phât giáo được chia làm ba giai đoạn là Kiến đạo, Tu đạo và Vô học đạo. Kiến đạo là địa vị ban đầu, dùng trí tuệ ung dung tự tại, không vướng phiền não mà nhận thức chân lý. Khi đã nhận thức rõ ràng về giáo lý, về những phương pháp tu tập rồi mới có thể lựa chọn được pháp môn thích hợp với căn cơ, hoàn cảnh của mình để vận dụng vào thực hành để đi đến giải thoát.
Cho nên đối với giáo pháp của Đức Phật thì trước hết chúng ta phải chúng ta phải có nhận thức đúng đắn, rõ ràng và phải được thực hành, áp dụng vào thực tế của cuộc sống tu hành, chứ không phải là học hỏi, nghiên suông cho thoả mãn trí thức.
Pháp thiết thực cho hiện tại
Đây là nói về mặt ứng dụng của Pháp vào trong đời sống thực tế. Nhiều người cho rằng Phật giáo là bi quan, yếm thế, cho những người xuất gia là “ trốn việc quan đi ở chùa”. Thực ra Phật giáo chẳng bi quan, cũng chẳng lạc quan, mà là thực tiễn.
Tinh thần thực tiễn của Phật giáo thể hiện rõ qua thái độ im lặng của Đức Phật khi Man Đồng Tử hỏi Ngài những câu hỏi về những vấn đề siêu hình như: Thế giới thường hay vô thường? Thế giới hữu biên hay vô biên? Như Lai tuyệt diệt hay không tuyệt diệt?..vv. Đức Phật không bao giờ đề cập đến những vấn đề siêu hình, điều đó không có nghĩa là Ngài không biết về những vấn đề đó, mà bởi vì dù có hay không có những vấn đề siêu hình thì thực tế cuộc sống vẫn có sinh, già, bệnh, chết, vẫn có đau khổ luân hồi. Đối với Đức Phật thì việc cần thiết nhất của mỗi người là làm thế nào để chấm dứt đau khổ trước mắt, chứ không phải là đi tìm hiểu những điều viển vông mơ hồ không có ích cho thực tại. Cũng ví như người bị trúng mũi tên độc, việc cần làm là nhổ mũi tên độc ra và điều trị vết thương, chứ không phải là đi tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của mũi tên, của người bắn tên. Đó mới là thiết thực nhất.
Ba đặc tính của hiện hữu và sự liên hệ đến Khổ diệt
Tính thiết thực cho hiện tại của Pháp được đề cập đến trên hai phương diện: phương diện cá nhân và phương diện cộng đồng xã hội.
a.Thiết thực đối với cá nhân:
Đức Phật ra đời vì mục đích giải thoát đau khổ, đem lại cho cuộc sống an vui, hạnh phúc cho chúng sinh, mà cái chính là an vui, hạnh phúc ngay trong hiện tại. Nếu mỗi người không biết tôn trọng hiện tại mà chỉ suốt ngày tiếc nuối về quá khứ đã qua, hay mơ tưởng về tương lai chưa tới thì sẽ dễ dàng để mình rơi vào chỗ không tưởng, vướng mắc vào những rối loạn, khủng hoảng tâm lý dẫn tới đau khổ và đánh mất đi những gì đang có trong hiện tại. Cho nên Đức Phật thường xuyên nhắc nhở các đệ tử tu tập:
“ Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ
Tương lai cũng chớ mong cầu
Quá khứ đã qua, đã mất
Tương lai chưa đến còn xa.
Hiện tại, những gì đang có
Thì nên quán sát suy tư..”.
Trong hàng ngũ đệ tử của Đức Phật thì có cả đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia, nên Ngài không chỉ chú trọng về mặt tu hành xuất thế, mà còn chú trọng đến mặt nhập thế. Riêng đối với các đệ tử tại gia thì việc thiết thực trước mắt của họ là làm sao để có cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc. Cuộc sống gia đình có ổn định thì mới có thể nghĩ đến việc tu hành giải thoát được. Ngay trong xã hội hiện tại cũng vậy, nếu người ta đang đói mà nói pháp thì chắc rằng không ai nghe cả, dân gian vẫn thường có câu “ có thực mới vực được đạo” vậy. Vì thế, ngoài việc thuyết giảng về những phương pháp tu tập để phát triển trí tuệ giải thoát ra, thì Đức Phật cũng nói rất nhiều về những phương pháp để xây dựng kinh tế, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Cụ thể là:“1. Phương tiện đầy đủ:2. Thủ hộ đầy đủ:3. Thiện tri thức đầy đủ:4. Chính mệnh đầy đủ”.
Tìm hiểu chữ Tâm trong kinh tạng A Hàm
b. Thiết thực đối với cộng đồng xã hội:
Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội, nên cải tạo con người là cải tạo xã hội, ngược lại cải tạo xã hội cũng là để giúp cho con người có môi trường, hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn. Quan điểm của Đức Phật cho rằng sở dĩ xã hội loạn lạc, có các tệ nạn như trộm cắp, giết người ..vv. là do nghèo đói gây lên, cũng như nhân dân ta thường nói “ Đói ăn vụng, túng làm càn” . Cho nên, theo Đức Phật để xoá bỏ các tệ nạn, xây dựng xã hội tốt đẹp thì các bậc vua chúa, những nhà lãnh đạo đất nước phải biết dùng đức để trị dân chứ không phải là dùng hình phạt để trị dân và cần phải có những chính sách phù hợp để xây dựng kinh tế, cải tạo xã hội, mà cụ thể là: Đối với những người làm công chức thì phải chu cấp lương bổng đầy đủ, đối với người buôn bán thì cung cấp vốn cho họ kinh doanh, đối với nông dân thì cung cấp trâu bò, hạt giống để họ làm ăn. Đó chính là những phương pháp hữu hiệu nhất để xây dựng và cải tạo xã hội, bởi khi nhân dân đã được no ấm thì sẽ không còn tệ nạn xã hội nữa.Trên phương diện xã hội, Đức Phật không chỉ quan tâm về mặt kinh tế, mà còn quan tâm về mặt chính trị. Dưới thời Đức Phật thì xã hội Ấn Độ là một xã hội đầy rẫy bất công bởi chế độ phân biệt đẳng cấp nặng nề, lại thêm những cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các nước, càng làm cho nhân dân đói khổ. Vì thế, Đức Phật đã chỉ dạy cho các bậc vua chúa, những người lãnh đạo quốc gia mười điều gọi là “ Thập pháp vương tử” để thực hành, nhằm hoàn thiện nhân cách đạo đức của họ trong việc trị nước an dân, hay chỉ dạy bảy điều để xây dựng một quốc gia cường thịnh.
Trong cuộc sống của con người và xã hội thì đạo đức giữ một vai trò then chốt. Nó định hướng cho mọi lời nói, cử chỉ và hành động của mỗi con người trong cuộc sống gia đình, cũng như trong các mối quan hệ xã hội. Một con người có đạo đức thì sẽ đưa đến gia đình đạo đức, một gia đình đạo đức thì đưa đến một xã hội yên bình, thịnh trị. Để nhằm xây dựng một nền đạo đức xã hội lành mạnh, tốt đẹp thì phải chú trọng từ góc độ đạo đức cá nhân và gia đình. Bởi vậy, Đức Phật đã xây dựng lên một mô hình đạo đức gồm những mối tương giao tốt của gia đình và xã hội. Đó là những mối quan hệ có sự tương tác qua lại với nhau, chứ không phải là những mối quan hệ một chiều. Ví như trong quan hệ hệ gia đình thì phận làm con phải lấy năm điều để kính thuận cha mẹ: “1. Cung phụng hiếu dưỡng cha mẹ không để thiếu không để thiếu thốn; 2. Phàm làm điều gì trước phải thưa cho cha mẹ biết; 3. Cha mẹ làm điều gì mình phải kính thuận, không được chống báng; 4. Không trái với việc làm của cha mẹ; 5. Không ngăn cản việc lành của cha mẹ”. Ngược lại thì trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ cũng phải lấy năm điều để chăm sóc con cái là: “ 1. Ngăn con, không cho nghe và làm điều ác; 2. Chỉ dạy con điều lành; 3. Thương yêu thắm thiết tận xương tuỷ; 4. Tuỳ thời mà cung cấp cho con những đồ cần dùng”.
Tóm lại, giáo lý Phật giáo là vô cùng thiết thực cho hiện tại. Con người khổ đau là do không nhận thức được tầm quan trọng này. Cuộc sống trong xã hội hiện đại ngày nay, con người đang bị thiêu đốt bởi lửa tham, lửa sân và lửa si mà không tự hay biết, không nhận thức được sự nguy hại của chúng, nên gây ra không biết bao nhiêu điều đau khổ cho chính mình và mọi người. Khổ đau sẽ còn triền miên khi tinh thần thiết thực hiện tại ngay trong cuộc đời vẫn không được khám phá triệt để. Tinh thần thiết thực hiện tại này cần phải được triển khai để giáo dục con người, nhất là con người trong thời đại chúng ta.
(Còn tiếp)