Kinh Phật

Đặc tính của Pháp trong kinh tạng A Hàm (II)

Thứ năm, 03/04/2021 03:50

Mục đích ra đời của Đức Phật là tìm ra con đường diệt khổ và đem lại an vui cho mọi loài. Cho nên, giáo pháp của Ngài nói ra hoàn toàn bình đẳng, tuỳ theo căn cơ, trình độ của mỗi người lĩnh hội, mà đều được lợi lạc.

Khả năng hướng thượng đến mức rốt ráo cứu kính

Sau khi thành đạo, Đức Phật đã ngồi dưới cội cây Bồ Đề và quán sát căn cơ của chúng sinh và thấy rằng chúng sinh ở thế gian trần cấu nặng nề, căn cơ trình độ sai khác nhau, bởi có người thông minh, có kẻ đần độn, người thì dễ giáo hoá, kẻ thì khó giáo hoá, nhưng tựu trung lại thì đều có thể tu hành để giải thoát. Điều này cũng giống như: “… hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen vàng, hoa sen trắng, có cái mới ra khỏi bùn nhưng chưa đến mặt nước, có cái ra khỏi bùn và ngang mặt nước, hoặc có cái lên khỏi mặt nước nhưng chưa nở, song đều không dính nước và nở hoa dễ dàng”.

Như vậy, bản tính chúng sinh vốn đồng có trí tuệ như nhau và đều có thể đi đến giải thoát. Nhưng về mặt hiện tượng thì căn tính, trình độ của mỗi người có sai khác nhau. Hơn nữa, con người vốn luôn luôn có tính tự ti, mặc cảm với thân phận mình mà không có ý chí vươn lên. Do đó với lòng từ bi vô lượng, Đức Phật đã tuỳ duyên phương tiện để thuyết pháp, giáo hoá chúng sinh, giúp cho chúng sinh từ người ác trở thành người thiện, từ người ngu si thành người trí tuệ, để cho mỗi người dần dần tự thấy được bản tính của mình và đi đến mục đích cuối cùng là chứng ngộ Niết bàn, an lạc.

Ban đầu thì Đức Phật nói về Tám con đường Thánh đạo để cho các đệ tử thực hành tu tập, bởi đây là con đường phổ thông, phù hợp với mọi hạng người. Đến khi mọi người đã có lòng tin vững vàng, thì Ngài nói Tám con đường Thánh đạo ấy mới chỉ đưa đến quả vị của hàng hữu học, chưa phải là rốt ráo cứu kính . Nếu muốn đạt đến quả vị Lậu tận A La Hán thì phải thực hành mười con đường Thánh đạo. Đó là thực hành từ  Vô học Chính kiến cho đến Vô học Chính trí: “Thế nào là hữu học thành tựu tám chi, lậu tận A La Hán thành tựu mười chi ? Là học từ Chính kiến cho đến Chính định, đó là hàng hữu học thành tựu tám chi. Vô học Chính kiến cho đến vô học Chính trí, đó là lậu tận A La Hán thành tựu mười chi”. Đây mới chính là quả vị cao nhất của hàng Lậu tận A La Hán, thể hiện tính hướng thượng rốt ráo cứu kính của pháp. Đến đây Đức Phật mới tuyên bố: “ Nay ta thuyết pháp đã đạt đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo Phạm hạnh”.

Giáo pháp của Phật thì có  tính hướng thượng đến rốt ráo như vậy. Nhưng chúng ta có tâm hồn, ý chí hướng thượng và vận dụng giáo lý vào cuộc sống tu tập hay không. Nếu chúng ta không có tự tin vào khả năng của mình và không có ý chí cầu tiến, hướng thượng thì cũng không thể đạt đến chỗ cứu kính rốt ráo được. Chúng ta thường có câu nói rằng “ ai ăn thì người ấy no, ai tu thì người ấy chứng”. Cho nên, mỗi người xuất gia học đạo muốn đạt được cứu kính giải thoát thì cần phải có một nghị lực phi thường, một ý chí hướng thượng, tự tin vào khả năng của mình cũng có thể tu hành giải thoát.

Bảy đặc tính của chánh pháp

Giáo lý Phật giáo, hay nói cách khác là tư tưởng của Phật giáo siêu việt hơn tất cả những trào lưu tư tưởng đương thời khác và ngay cả trong hiện tại.

Giáo lý Phật giáo, hay nói cách khác là tư tưởng của Phật giáo siêu việt hơn tất cả những trào lưu tư tưởng đương thời khác và ngay cả trong hiện tại.

Thực hành có hiệu quả tức thời

Đây là nói về kết quả thực hành giáo pháp. Tính hiệu quả của pháp đề cập đến hai phương diện

a. Hiệu quả đối với cá nhân

Giáo pháp của Đức Phật hoàn toàn bình đẳng, không có bất cứ một sự phân biệt nào trên tất cả mọi góc độ, cả về vấn đề quả vị tu chứng, bất cứ một người nào có lòng tin với giáo pháp, muốn thoát khỏi đau để đi đến hạnh phúc an lạc đều có thể thụ trì, chứng đạt kể cả đệ tử tại gia hay xuất gia, đều có thể đạt đến quả vị cao nhất. Như Trưởng lão Xá Lợi Phất xác nhận rằng: “..những lời của Thế Tôn nói là vi diệu đệ nhất, dưới đến hàng nữ nhân cũng có thể thụ trì, đồng thời dứt được các hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát và tự thân chứng ngộ ngay trong hiện tại, sinh tử đã dứt, Phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thụ thân sau”.

Hơn nữa, giáo pháp của Đức Phật không chỉ bình đẳng mà còn phù hợp với căn cơ của mọi hạng người, trong mọi điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực hành giáo pháp còn tuỳ thuộc vào sự vận dụng của mỗi người vào cuộc sống tu tập như thế nào. Khi chúng ta đã có lòng tin với Phật pháp, thì phải biết vận dụng đúng đắn những phương pháp tu hành của Phật đã chỉ dạy, thích hợp với căn cơ và hoàn cảnh của mình, thì nhất định sẽ đạt được kết quả tốt đẹp: “ Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn khéo giảng dạy và được truyền bá đầy đủ là để tự chứng ngộ, là Giáo pháp có hiệu năng tức khắc, khuyến khích suy gẫm tìm tòi, dẫn đến nơi (Niết Bàn)..”

Trong kinh đề cập đến rất nhiều các vị đệ tử cả xuất gia lẫn tại gia, từ những người xuất thân từ dòng dõi quý tộc, đến những người xuất thân hèn kém, sau khi nghe Đức Phật giáo hoá đã đạt được kết quả tốt đẹp ngay trong hiện tại. Như trường hợp của ông Tu Bạt, vị đệ tử lớn tuổi nhất và cũng là đệ tử cuối cùng của Phật trước khi Ngài diệt độ: “ Ngay trong đêm đó, ông Tu Bạt được xuất gia thụ giới, thanh tịnh tu hành, tự mình chứng ngộ ngay trong hiện tại, sinh tử đã hết, Phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, được trí tuệ như thật, không còn tái sinh. Khi gần nửa đêm, ông chứng quả A La Hán và diệt độ trước Phật”

Trên đây chỉ kể ra một trường hợp điển hình làm minh chứng cho tính hiệu quả của việc thực hành giáo pháp. Trong giáo đoàn của Phật thì số đệ tử đắc quả không thể nào tính hết, đi theo bên cạnh Phật lúc nào cũng có 1250 vị đệ tử A La Hán. Trong số đó thì Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất và Tôn giả Mục Kiền Liên là hai cánh tay đắc lực của Đức Phật trong việc giáo hoá và quản lý đồ chúng. Đối với các đệ tử tại gia thì Đức Phật nói rằng họ cũng có thể tu tập đạt đến quả vị cao nhất là A La Hán, nhưng thông thường là đạt được từ quả vị Tu Đà Hoàn, cho đến quả vị A Na Hàm.

Đặc tính của Pháp trong kinh tạng A Hàm (I)

Giáo pháp của Đức Phật hoàn toàn bình đẳng, không có bất cứ một sự phân biệt nào trên tất cả mọi góc độ

Giáo pháp của Đức Phật hoàn toàn bình đẳng, không có bất cứ một sự phân biệt nào trên tất cả mọi góc độ

b. Hiệu quả đối với xã hội

Mỗi con người là một nhân tố để tạo thành xã hội, nếu không có con người thì không có xã hội. Đồng thời con người cũng không thể nào sống tách rời xã hội. Cho nên, mỗi cá nhân thực hành theo giáo pháp của Đức Phật, đạt được hiệu quả tốt sẽ góp phần đưa đến kết quả tốt đẹp cho xã hội. Đó chính là hiệu quả, công dụng của giáo pháp đầy đủ cả hai mặt tự lợi và lợi tha: “ Không những có thể tự điều phục mình, mà còn có thể điều phục kẻ khác, không những tự dứt phiền não cho mình, mà còn dứt phiền não cho kẻ khác, không những tự mình qua đến bờ giác mà còn độ người qua đến bờ giác, không những tự mình giải thoát mà còn giải thoát cho người khác”.

Hiệu quả của giáo pháp trên phương diện cộng đồng xã hội thì chúng ta có thể thấy thực tế, trong lịch sử tồn tại và phát triển của Phật giáo cũng có rất nhiều những quốc gia lấy tư tưởng Phật giáo làm chủ đạo trong đường lối trị nước an dân và đều đạt được những kết quả tốt đẹp. Cụ thể như xã hội nước ta dưới thời đại Lý – Trần. Dưới hai triều đại này, các bậc vua chúa đều là Phật tử thuần thành, tu tập theo giáo lý của Đức Phật, dùng chính pháp để trị nước an dân. Gây dựng được lòng tin của nhân dân đối với triều đình, toàn dân tộc đoàn kết tạo lên sức mạnh đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt dưới thới Lý, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông dưới thời Trần. Do đó mà đã tạo lên một cảnh thái bình thịnh trị chưa từng có trong lịch sử dân tộc.

Ngay trong xã hội hiện đại ngày nay, khi nền văn minh vật chất phát triển đến cùng tột, nhưng đạo đức xã hội thì đang trên đà suy thoái, tệ nạn xã hội ngày càng tăng như ma tuý, mại dâm ..vv. Loài người đang phải đối đầu với những hiểm nguy do chính mình gây ra, thì giáo pháp của Đức Phật càng tỏ rõ được tính hiệu quả khi được áp dụng vào xã hội, làm giảm thiểu những đau khổ cho con người. Trong cuốn Phật Giáo Trong Thời Đại Của Nạn Dịch AIDS, đã nhận định như sau: “ Có thể giáo lý của đạo Phật là phương thuốc quan trọng giúp con người thoát khỏi bể khổ, ngọn nguồn của cực lạc sẽ được tiếp thu, tôn vinh mãi mãi”. Đây chính là những minh chứng cho tính hiệu quả của Pháp đối với cộng đồng xã hội.

Pháp siêu việt thời gian và không gian

Đây là nói về phương diện Thời – Xứ – Cơ của giáo Pháp. Giáo lý của Đức Phật đặt trọng tâm ở con người, nên luôn luôn phù hợp với mọi căn cơ, trình độ của chúng sinh ở mọi thời gian và không gian khác nhau. Qua những phần trình bày ở trên đã nói lên tính khế cơ của giáo lý, trong phần này chỉ nói về mặt Thời và Xứ. Tức là nói về tính siêu việt của pháp trên hai phương diện thời gian và không gian.

a. Siêu việt về thời gian: 

Thế nào là siêu việt về thời gian ? Đức Phật dạy: “.. pháp của Như Lai vi diệu thanh tịnh, hiện tại có thể tu hành theo được, pháp ấy nói ra không hạn cuộc bởi thời gian, chỉ rõ chỗ ách yếu của Niết Bàn”.

Trong suốt cuộc đời giáo hoá độ sinh của mình, Đức Phật không hề đề cập đến những thứ lý luận hư vô, những lý thuyết suông có thể chấp nhận ở ngày hôm nay như là một chân lý mà qua ngày sau thì bị loại bỏ như một lầm lẫn. Bằng những lời lẽ rõ ràng, những ví dụ cụ thể, Ngài giải thích những gì ở bên trong và những gì ở bên ngoài ta, có liên quan đến sự giải thoát ra khỏi khổ đau của đời sống đó là con đường nhận thức, tu tập qua Tứ Thánh đế.

Tứ Thánh Đế là phương pháp nhận thức và tu tập mà Đức Phật chỉ dạy ngay ở bài thuyết pháp đầu tiên và trong suốt cuộc đời. Đồng thời giáo lý Tứ Thánh đế cũng là nền tảng của hết thảy các bộ phái Phật giáo, đây là điều mà không ai phủ nhận được. Trải qua thời gian hơn hai ngàn năm trăm năm với bao thăng trầm, biến đổi mà ngày nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Về những nỗi khổ đau của con người thì xưa đã thế và nay vẫn thế, thực trạng xã hội hiện nay có thể chứng minh.

Tìm hiểu chữ Tâm trong kinh tạng A Hàm

Giáo pháp của Đức Phật không chỉ bình đẳng mà còn phù hợp với căn cơ của mọi hạng người, trong mọi điều kiện hoàn cảnh khác nhau.

Giáo pháp của Đức Phật không chỉ bình đẳng mà còn phù hợp với căn cơ của mọi hạng người, trong mọi điều kiện hoàn cảnh khác nhau.

Nhiều người thường tự hỏi rằng: tại sao giáo lý Phật giáo lại là giáo lý “ không thời gian”, một giáo lý đã hiện hữu từ trong nhiều thế kỷ qua. Điều đó là bởi giáo lý của Đức Phật phù hợp với thực tế, phù hợp với căn cơ của con người ở mọi thời đại. Đặc tính siêu việt thời gian này xuất phát từ sự kiện mọi vật được hiểu là có tính liên tục, nhưng liên tục trong biến đổi, trong một tiến trình thay đổi và biến hoá liên tục. Vì vậy, giáo lý của Phật giáo phù hợp với khoa học, có khả năng thích ứng với mọi thời đại và các nền văn minh khác nhau. Như Hoà thượng-Tiến sĩ K. Sri Dhammananda đã nhận định: “ Một lý do tại sao giáo lý này lại được dễ dàng chấp nhận bởi tinh thần khoa học, là do Đức Phật không bao giờ khuyến khích niềm tin giáo điều cứng nhắc. Ngài không cho rằng căn bản giáo lý của Ngài là do tín ngưỡng, niềm  tin, hay khải huyền nhưng cho phép uyển chuyển rộng rãi và tự do tư tưởng. Lý do thứ hai là vì tinh thần khoa học có thể tìm thấy trong cách giải quyết của Đức Phật về chân lý vũ trụ. Phương pháp khám phá và thử nghiệm chân lý rất tương tự với phương pháp của khoa học”.

Qua nhận định trên đã nói lên tính siêu việt thời gian của giáo lý Phật giáo. Do đó, chúng ta có thể tiếp cận với bất cứ lĩnh vực nào của Phật giáo như một điều phù hợp và có thể áp dụng cho tất cả chúng ta trong đời sống hiện đại này.

b.Siêu việt về không gian: 

Khởi nguồn từ Ấn độ, Phật giáo đã vượt khỏi biên giới du nhập vào các nước mà không hề bị hạn cuộc ở một quốc gia nào. Ngày nay, Phật giáo đã hiện diện ở hầu hết các châu lục trên thế giới, ngay cả những dân tộc, những người khó tính nhất như người Tây phương chỉ có đầu óc duy lý, chuyên về khoa học thực dụng cũng phải gật đầu tin nhận và thực hành. Hiện tại thì phong trào nghiên cứu, tu tập theo giáo lý ở những nước phương Tây như Anh, Ca Na Đa, Pháp, Mỹ đang phát triển mạnh mẽ, nhiều trung tâm tu học được ra đời. Điều gì đã khiến cho giáo lý của Đạo Phật được phổ cập rộng rãi trong đời sống xã hội hiện đại như vậy? Chúng ta hãy xem Tiến sĩ Malalasekara viết về Đạo Phật như sau: “ Trong suốt 2500 năm lịch sử, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song Đạo Phật đã thành công. Tính kiên cường và lòng khoan dung là đặc điểm quan trọng nhất. Nó không tự ti theo thể chế và không giáo điều cứng nhắc. Đó là tính ôn hoà ảnh hưởng sâu sắc của nhân loại và đã được tôi luyện bởi các nền văn hoá và nền văn minh, nó đã phát triển và trải rộng ở nhiều đất nước”.

Hơn nữa, trên đường du nhập, truyền bá vào các quốc gia của Phật giáo không phải là theo dưới gót giày xâm lược, hay bằng những cuộc Thánh chiến mà là bằng con đường hoà bình. Mỗi khi Đạo Phật du nhập vào một quốc gia nào thì các nhà truyền giáo cũng đều tuỳ theo phong tục, tín ngưỡng văn hoá của quốc gia đó để có những phương pháp truyền đạo hài hoà, uyển chuyển và được mọi người vui vẻ đón nhận. Giáo sư Rhys Davids nói: “ Dầu là Phật tử hay không phải Phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế gian, và trong tất cả tôi không tìm thấy trong tôn giáo nào có cái gì đẹp và toàn vẹn hơn Bát chính đạo của Đức Phật. Tôi chỉ còn có một việc làm là thu xếp nếp sống tôi cho phù hợp với con đường ấy”.

Phương pháp giáo dục con người trong kinh A Hàm

Tứ Thánh Đế là phương pháp nhận thức và tu tập mà Đức Phật chỉ dạy ngay ở bài thuyết pháp đầu tiên và trong suốt cuộc đời.

Tứ Thánh Đế là phương pháp nhận thức và tu tập mà Đức Phật chỉ dạy ngay ở bài thuyết pháp đầu tiên và trong suốt cuộc đời.

Trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm tồn tại và phát triển, dần dần ánh sáng từ bi, trí tuệ của Đạo Phật đã thấm sâu vào lòng người, nhiều quốc gia đã lấy Phật giáo làm quốc giáo. Nhìn lại lịch sử truyền giáo của Đạo Phật, ta không thấy có một giọt máu nào của người dân vô tội bị đổ vì danh nghĩa Đức Phật, cũng không có bất cứ một hình thức cưỡng bách truyền giáo nào khác.  Như chính một học giả phương Tây là Aldous Huxley nói: “ Một mình trong các tôn giáo lớn trên thế giới, Phật giáo đã vạch ra con đường của mình mà không có sự ngược đãi, áp bức, kiểm duyệt hay điều tra”.

Qua nhận xét về Phật giáo của các học giả Tây phương trong xã hội hiện đại lại càng chứng minh một cách rõ nét, cụ thể và sống động nhất về mặt siêu việt không gian  của Pháp.

Kết luận

Tóm lại, qua năm đặc tính của Pháp, chúng ta có thể nói một cách hoàn toàn khách quan rằng: giáo lý Phật giáo, hay nói cách khác là tư tưởng của Phật giáo siêu việt hơn tất cả những trào lưu tư tưởng đương thời khác và ngay cả trong hiện tại. Vì giáo lý ấy không xa rời thực tế khổ đau của con người, luôn phù hợp với chân lý, căn cơ trình độ của hết thảy chúng sinh ở mọi thời gian, không gian khác nhau, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân sinh ngay trong kiếp sống hiện tại.

Đồng thời giáo lý này không phải là một đề tài để học hỏi, nghiên cứu suông cho thoả mãn trí thức, mà phải được hỏi hỏi để thực hành tu tập và trên hết, phải được tự mình chứng ngộ để giải thoát ra khỏi khổ đau ngay tại thế gian này.  Để đạt được mục đích cao thượng đó thì đòi hỏi mỗi chúng ta phải phải tinh tiến vượt qua mọi trở ngại, khắc phục khó khăn để trau dồi trí tuệ của mình. Có như vậy thì cánh cửa giải thoát mới mở ra trước mắt chúng ta, cũng như để đem tinh thần của Phật giáo phổ cập vào nhân gian, hoàn thành sứ mạng là sứ giả của Như Lai.  Như bậc Cổ đức nói:

Trên đường đạo không gì bằng tinh tiến

Không gì bằng trí tuệ  của đời ta

 Sống điêu linh trong kiếp sống Sa bà

 Chỉ  tinh tiến là vượt qua tất cả.

loading...