Hỏi - Đáp

Đức Phật là ai? (phần cuối)

Thứ hai, 13/09/2020 11:47

Chúng ta tri ân Thái Tử Tất Đạt Đa đã dũng mãnh xuất gia, thành Phật rồi để lại một kho tàng vô giá về triết học, tư tưởng, xây dựng một tôn giáo tốt lành cho nhân loại mà giáo lý ấy trải qua hơn 2500 vẫn phù hợp với thời đại và sẽ còn tồn tại tới muôn ngàn thế hệ mai sau.

Đức Phật là ai? (phần 1)

D. Nhập Diệt

1. Hỏi: Ở tuổi 80, Đức Phật đã nói gì, làm gì trước khi nhập diệt?

Đáp: Trước đó ba tháng, Đức Phật loan báo cho mọi người biết ngày ngài nhập Niết Bàn. Lúc đó sức khỏe của Phật suy yếu lại ăn phải bát cháo nấm độc do ông Thuần Đà (Cunda) dâng cúng. Thế nhưng ngài vẫn thuyết pháp, giảng dạy và giải thích cho tăng chúng những gì còn thắc mắc hay chưa hiểu rõ.

2. Hỏi: Đức Phật nhập diệt ở đâu?

Đáp: Tại Câu Thi Na (Kusinara), giữa rừng cây Ta La, trên một tấm ván làm thành chiếc giường, Đức

Phật nằm theo thế kiết tường, đầu gối lên bàn tay, nhập định và từ từ trút hơi thở cuối cùng. Lúc đó là nửa đêm ngày 15 Tháng Hai, Âm Lịch (554 năm trước Tây Lịch). Huyền thoại nói rằng lúc đó Trái Đất rung chuyển. Đại chúng có mặt đều than khóc. Cả Chư Thiên cũng than khóc vì từ đây không còn một vị đạo sư mà họ thường tới nghe thuyết pháp và vấn hỏi.

Hình ảnh Phật trước khi nhập Niết Bàn.

Hình ảnh Phật trước khi nhập Niết Bàn.

3. Hỏi: Lời di giáo cuối cùng của Phật là gì?

Đáp: Đó là: “Hãy tự là ngọn đuốc soi sáng cho mình. Hãy nương tựa nơi chính mình. Đừng tìm cầu ánh sáng hay chỗ nương tựa nào khác.”

4. Hỏi: Đức Phật nói là đã thoát vòng sinh tử, luân hồi tại sao cũng chết?

Đáp: Nếu nói rằng Đức Phật đã chết cũng đúng. Nhưng Đức Phật đã “chết” một cách khác thường, không giống như mọi người. Đức Phật vào thiền định để từ từ lìa bỏ xác thân này. Ngài đã vào cõi Hữu Dư Niết Bàn trước khi chết và sau khi bỏ xác thân ngài vào Vô Dư Niết Bàn, tức chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Chính vì thế mà chúng ta gọi Phật tịch diệt hay nhập Niết Bàn là như vậy.

5. Hỏi: Sau khi Đức Phật tịch diệt, xác của ngài được hỏa thiêu hay chôn cất?

Đáp: Xác của ngài được hỏa thiêu theo lễ Trà Tỳ. Những gì còn lại sau khi thiêu gọi là Xá Lợi, được chia đều cho các vương quốc để thờ phụng. Ngày nay, Vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật đản sinh), Bồ Đề Đạo Tràng (nơi Đức Phật thành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên) và Thành Câu Thi Na (nơi hỏa thiêu thân xác Đức Phật) là những thánh tích thu hút cả triệu người hành hương mỗi năm.

Đức Phật là ai? (phần 2)

Hình ảnh chia xá lợi Phật giữa các vương quốc

Hình ảnh chia xá lợi Phật giữa các vương quốc

E. Sự lan tỏa của Đạo Phật

42. Hỏi: Sau khi Đức Phật qua đời, tình hình tăng đoàn và Phật Giáo ra sao?

Đáp: Sau khi Đức Phật qua đời, các đệ tử của Phật nhóm họp lại để đúc kết kinh điển, học thuộc lòng và khoảng 200 năm sau mới có chữ viết Pali ở Nam Ấn Độ và Sanskrit ở bắc Ấn Độ để ghi chép thành kinh sách. Nhóm đi về phía bắc hình thành tông phái Đại Thừa (Mahayana) và nhóm đi về phía nam hình thành tông phái Tiểu Thừa (Theravada).

Hình ảnh kết tập kinh điển.

Hình ảnh kết tập kinh điển.

43. Hỏi: Có sự khác biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa không?

Đáp: Có. Nhưng không nhiều. Nếu có khác biệt chỉ là phương thức hành đạo, nghi thức tụng niệm. Tất cả đều tu theo kinh giáo của Phật. Tất cả đều thành Phật. Do đó ngày nay người ta có khuynh hướng bỏ hai chữ Đại Thừa và Tiểu Thừa và thay bằng Nam Tông và Bắc Tông hoặc Nam Truyền và Bắc Truyền.

44.  Hỏi: Sau 2564 năm (tính đến năm 2020) Đạo Phật đã truyền tới những quốc gia nào?

Đáp: Các vị sư đi về phía bắc đã đưa Phật Giáo tới Nepal, Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ở Trung Á có Pakistan, Afghanistan. Thế nhưng khi Đại Thừa vào Tây Tạng lại hình thành hệ phái Kim Cương Thừa và Kim Cương Thừa đã tạo ảnh hưởng rất lớn tại vùng Nam Á nằm ở phía nam nước Nga. Còn các vị sư đi về phía Nam đã đưa đạo Phật tới Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, thậm chí tới Nam Dương (suy tàn khi Hồi Giáo tới đây vào Thế Kỷ XIII).

Một tu viện cổ của Phật giáo tại Pakistan (Hồi Quốc).

Một tu viện cổ của Phật giáo tại Pakistan (Hồi Quốc).

45.  Hỏi: Tại sao Đạo Phật suy tàn ở Ấn Độ?

Đáp: Có ba nguyên do. Đạo Phật làm trở ngại cho chủ trương phân chia giai cấp của Bà La Môn mà hầu hết vua quan cai trị toàn cõi Ấn Độ bấy giờ đều là tín đồ Bà La Môn. Đạo Phật chưa phát triển thành Giáo Hội nhập thế mà chỉ thành lập các tu viện hoặc vào hang động để ẩn tu, do đó không có sức mạnh chính trị. Sự xâm lăng của Hồi Giáo vào Thế Kỷ thứ VII đã quét sạch Phật giáo và thậm chí làm lung lay cả Ấn Độ Giáo. Thế nhưng ngày nay Phật giáo đang lần lần hồi sinh xuyên qua hàng trí thức và giai cấp Thủ Đà La (Dalit/ tiện dân) quy y hàng loạt theo Phật giáo.

Phế tích của Đại Học Nalanda, Ấn Độ.

Phế tích của Đại Học Nalanda, Ấn Độ.

46.  Hỏi: Còn Đạo Phật trên thế giới bây giờ ra sao?

Đáp: Theo Wikipedia thì hiện nay trên thế giới có 520 triệu tín đồ Phật giáo. Thực ra con số này có thể lên tới cả tỷ người nếu Trung Quốc chấp nhận con số thống kê không vì mục tiêu chính trị. Tuy nhiên tư tưởng và tín ngưỡng Phật Giáo đang thấm dần vào xã hội Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu và Âu Châu và con số tín đồ theo Phật tăng nhanh mỗi năm, đặc biệt trong giới thổ dân Da Đỏ Mỹ Châu. Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị sư có ảnh hưởng mạnh nhất tại Hoa Kỳ. Mới đây tại Thành Phố Richmond, bắc California một phần của một con đường đã được đặt tên là Dalai Lama.

Di mẫu của Đức Phật - Bậc Ni trưởng mẫu mực đầu tiên

Chùa Tam Chúc, Hà Nam khánh thành năm 2019 được coi là lớn nhất thế giới.

Chùa Tam Chúc, Hà Nam khánh thành năm 2019 được coi là lớn nhất thế giới.

G. Di sản của Đức Phật

47. Hỏi: Nét đặc thù nổi bật nhất của Đạo Phật là gì?

Đáp: Đạo Phật có bảy nét đặc thù như sau:

- Là đạo nhân bản, lấy con người làm gốc.

- Là đạo của Trí Tuệ. Từ trí tuệ mà đi lên giáo pháp chứ không dựa vào Thần Linh để thành lập tôn giáo.

- Là đạo của Hòa Bình. Đạo Phật chủ trương bất bạo động. Người theo Phật phải loại bỏ mọi ý nghĩ bất thiện ngay trong đầu óc mình.

- Là đạo thực tiễn. Người tu theo Phật có thể hưởng hạnh phúc ngay bây giờ và nơi đây (here now) chứ không phải đợi chết đi mới có.

- Là đạo của Từ Bi. Người tu hành theo Phật phải xót thương đồng loại và cả loài thú vật.

- Là đạo bình đẳng xã hội, không kỳ thị và phân chia giai cấp.

- Là đạo bảo vệ môi trường, sống hòa hợp với thiên nhiên.

48. Hỏi: Về phương diện xã hội, chủ trương của Đức Phật như thế nào?

Đáp: Đạo Phật:

- Không kỳ thị chủng tộc, mọi chủng tộc đều bình đẳng.

- Không kỳ thị phái tính. Nam nữ đều bình đẳng.

- Phá bỏ giai cấp trong xã hội.

- Không bạo động, không chiến tranh cho nên Đạo Phật là đạo của Hòa Bình.

- Mọi tổ chức, mọi đoàn thể, mọi quốc gia nên giải quyết mọi mâu thuẫn qua đối thoại trong tinh thần Lục Hòa.

- Khuyến khích ăn chay để bảo vệ trái đất.

- Bảo vệ các loài muông thú trong tinh thần Từ Bi vì thú vật cũng có cuộc sống và tình cảm như chúng ta.

49. Hỏi: Ngoài cương vị giáo chủ của một tôn giáo, Đức Phật còn có những đặc thù gì nữa không?

Đáp: Có. Đức Phật còn là một triết gia, một nhà tâm lý, một nhà giáo dục vĩ đại, một người cha lành và là sứ giả của hòa bình. Ngoài ra, Đức Phật còn là người làm thơ, kể chuyện (story teller) rất tài tình.

50. Hỏi: Một số người ngoại đạo hoặc không hiểu về đạo Phật nói rằng đạo Phật yếm thế. Điều đó có đúng không?

Đáp: Không. Đạo Phật chủ trương giúp con người vơi bớt khổ để tiến tới an vui. Đạo Phật còn cổ vũ hòa bình cho nhân loại, như thế làm sao có thể nói đạo Phật yếm thế?

51. Hỏi: Nhân - quả trong đạo Phật là gì?

Đáp: Là mình sẽ gánh chịu tất cả những gì mình làm. Làm thiện đưa tới kết quả tốt. Làm xấu đưa tới kết quả xấu.

52. Hỏi: Đức Phật có thể cứu rỗi linh hồn tôi không?

Đáp: Đức Phật dạy rằng không một ai có thể cứu rỗi linh hồn cho người khác. Đức Phật chỉ nói ra   

những phương pháp để chúng ta tự làm cho tâm hồn/đầu óc chúng ta trở nên thánh thiện. Linh hồn chỉ được cứu rỗi/thanh thản khi chúng ta sám hối và làm điều lành. Thần Linh muốn thánh thiện cũng phải làm điều lành.

53.  Hỏi: Sau khi chết, con người đi về đâu?

Đáp: Nếu là Phật, Bồ Tát và A La Hán thì sẽ không còn tái sinh. Còn ngoài ra, sau khi chết, chúng ta sẽ đi vào một thế giới đúng với những gì mà chúng ta làm trong kiếp này.

54. Hỏi: Trong một số bộ kinh, Đức Phật có nói tới Trời, Quỷ Thần, A Tu La. Vậy thì Quỷ Thần có ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta không?

Đáp: Không. Quỷ Thần vẫn còn xoay vòng trong sinh tử, luân hồi và không có ảnh hưởng gì tới cuộc sống của chúng ta. Thờ cúng, van vái Quỷ Thần là mê tín và hy vọng hão huyền. Con người đã vái lậy Thần Linh cả mấy ngàn năm nay nhưng khổ đau, bệnh tật, chiến tranh vẫn còn nguyên đó.

55. Hỏi: Trong đời sống hằng ngày, muốn có hạnh phúc và an lành, người Phật tử phải làm gì?

Đáp: - Dùng Trí Tuệ để quán xét mọi sự việc xảy ra chung quanh mình.

- Dùng Từ Bi, bao dung để đối xử với mọi người.

56. Hỏi: Làm thế nào để trở thành một Phật tử đúng nghĩa?

Đáp: Người Phật tử mọi lứa tuổi, phải tuân thủ năm giới cấm sau đây:

- Không sát sinh

- Không tà dâm

- Không nói dối

- Không trộm cắp

- Không uống rượu, sử dụng xì-ke ma túy

- Và thường xuyên hành Thiền hoặc niệm Phật, đi lễ chùa để tâm hồn thanh thản, bớt lo âu, kiềm hãm bớt những tư tưởng bạo động trong đầu óc mình.

57. Hỏi: Thanh thiếu niên muốn tu theo Phật cần tìm đến nơi nào?

Đáp: Nên tìm đến các Gia đình Phật tử có tại các chùa để vừa vui chơi, vừa học hỏi thêm về Phật pháp. Nếu không có Gia đình Phật tử thì tìm tới các Câu Lạc Bộ Thanh Thiếu Niên Phật Tử là môi trường vô cùng hữu ích cho tuổi trẻ. Theo đạo Phật chúng ta không mất gì mà lại được nhiều lợi lạc như:

- Chúng ta yêu đời.

- Trí tuệ chúng ta mở mang

- Đầu óc chúng ta thanh thản để có thể ứng phó với cuộc sống đang mỗi lúc mỗi căng thẳng và khó khăn.

- Ta thân thiện với mọi người.

- Mọi người có thể là bạn ta.

- Ta vui vẻ đóng góp thiện nguyện với xã hội.

- Gia đình chúng ta an vui.

- Ta là người biết bảo vệ môi trường và cuộc sống tốt đẹp cho thế hệ con cháu mai sau.

Đức Phật - Bậc thức tỉnh cho nhân thế

Sinh hoạt Gia đình Phật tử Việt Nam.

Sinh hoạt Gia đình Phật tử Việt Nam.

58. Hỏi: Để đạt được những mục đích nói trên, người Phật tử trẻ nên sống như thế nào?

Đáp: Phật tử trẻ nên:

- Tránh xa cần sa, ma túy, rượu, thuốc lá và những chất say.

- Tránh xa súng đạn.

- Tránh xa băng đảng, bạn xấu và gần gũi những bạn tốt. Bạn tốt là bạn giúp ta trong việc học, nghề nghiệp và nói cho ta biết những gì đúng-sai.

- Tụ tập ăn nhậu, tác dóc, đi lang thang, lái xe đua lượn trên đường phố… không đem lại lợi ích gì mà chỉ là những nguy cơ.

- Vào phòng trà, ca vũ… không phải là thú giải trí lành mạnh.

- Đừng nghĩ rằng cha mẹ là cản trở cho bước đường tiến thân của mình. Trong cuộc đời này tất cả mọi người - kể cả vợ hay chồng- đều có thể lừa dối và phản bội nhau. Riêng cha mẹ thì không bao giờ phản bội con cái. Cho nên chữ Hiếu phải là công hạnh hàng đầu của người Phật tử.

- Không nên vào Facebook hay Twitter để tranh luận hoặc xem cho biết vì Facebook và Twitter không phải là nơi trau giồi kiến thức mà chỉ là những sự kiện và tin tức làm chúng ta nhức đầu thêm. Cả ngày vào Facebook để theo dõi, bình luận là sống với một thế giới giả tạo (ảo) không dính líu gì tới cuộc sống thực của mình.

- Tránh hoặc bớt chơi games vì trò giải trí này làm chúng ta mất thời giờ và không tăng trưởng kiến thức.

- Không nên coi các phim ảnh bạo lực hay mang tính sầu thảm, chán đời.

- Học chăm nhưng không quá độ để bảo vệ sức khỏe.

- Nếu có dịp nên du lịch những nơi như đền đài, khu di tích lịch sử, biển, hồ, rừng, đại học danh tiếng… để mở mang kiến thức và cho tâm hồn thanh thản.

- Nên tập thể dục, thể thao, chạy bộ, bơi lội, lướt sóng…

- Âm nhạc và hội họa, viết văn, làm thơ cũng giúp chúng ta giữ được thăng bằng đầu óc.

- Nếu có chuyện gì khó giải quyết nên tìm một nơi yên tĩnh hay đến chùa…ngồi kiết già hay bán già hít vào thật sâu rồi thở ra (quán sổ tức) một lúc…sẽ thấy tâm địa bình ổn và sẽ có giải đáp hợp lý.

- Nếu chưa tìm ra giải pháp hợp lý thì nên thưa hỏi thầy hoặc sư cô giúp cho ý kiến.

- Nhớ đừng quyết định một cái gì quá vội vã.

- Nên nhớ đời này ai cũng gặp lúc khó khăn, không phải riêng mình.

- Phải nhớ đời này vốn Vô Thường. Hạnh phúc cũng sẽ qua đi. Khồ đau cũng sẽ qua đi. Cho nên không quá vui với hạnh phúc và không tuyệt vọng khi gặp khổ đau.

- Không bao giờ để thời gian qua đi một cách uổng phí.

- Đừng bao giờ đánh mất nghị lực. Cơn mưa làm đám cỏ, luống rau gục xuống. Nhưng khi mưa tạnh, nắng lên, cỏ và rau lại đứng dậy và vươn thẳng.

- Do đó phải luôn luôn hy vọng và yêu đời.

Nét yêu đời của đoàn sinh Gia đình Phật tử.

Nét yêu đời của đoàn sinh Gia đình Phật tử.

59. Hỏi: Người Phật tử trẻ có nên ăn chay không?

Đáp: Đạo Phật không buộc tín đồ phải ăn chay, ngoại trừ tăng/ni. Thế nhưng người Phật tử nên ăn chay mỗi tháng hai lần vào ngày Rằm và Mùng Một và nhất là ngày Phật Đản.

60. Hỏi: Phật tử trẻ có nên thường xuyên đến chùa?

Đáp: Đạo Phật không buộc Phật tử phải thường xuyên đến chùa. Nếu bận việc học hoặc công ăn việc làm mà không đến chùa thường xuyên - thì ít ra cũng phải đến chùa trong các ngày Phật Đản hay Lễ Vu Lan. Còn là đoàn viên GĐPT thì dĩ nhiên sẽ tới chùa mỗi tuần.

Câu Lạc Bộ Thanh Thiếu Niên Phật Tử Chùa Phật Quang, Tỉnh Hòa Bình.

Câu Lạc Bộ Thanh Thiếu Niên Phật Tử Chùa Phật Quang, Tỉnh Hòa Bình.

Sau cùng:

Chúng ta tri ân Thái Tử Tất Đạt Đa đã dũng mãnh xuất gia, thành Phật rồi để lại một kho tàng vô giá về triết học, tư tưởng, xây dựng một tôn giáo vô cùng tốt lành cho nhân loại mà giáo lý ấy trải qua hơn 2500 vẫn phù hợp với thời đại và sẽ còn tồn tại tới muôn ngàn thế hệ mai sau.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

(Bài viết do Thiện quả Đào Văn Bình, một dịch giả nổi tiếng người Việt tại California, Hoa Kỳ, gửi tới Ban biên tập).

> Quý vị có thể tìm hiểu những khái niệm cơ bản trong giáo lý đạo Phật tại Bộ Từ điển Phật học online của trang nhà.

loading...