Chùa Việt
Ghé thăm ngôi Chùa có tấm bia cổ gần 900 năm tuổi trên núi Đọi
Chủ nhật, 13/10/2019 07:24
Chùa Long Đọi Sơn còn gọi là chùa Đọi có tên chữ Diên Linh Tự, tọa lạc trên đỉnh ngọn núi Đọi (thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Chùa do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì cho xây dựng vào năm 1054 - 1058.
Trải qua gần một nghìn năm, với bao thăng trầm của lịch sử, chùa Long Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) vẫn được biết tới là một danh thắng nổi tiếng, là trung tâm Phật giáo của trấn Sơn Nam xưa. Qua nhiều thời đại và nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa nhiều lần được trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính…
Quần thể di tích Long Đọi Sơn với khuôn viên xây dựng rộng tới 10.000m2, giữa diện tích rừng rộng khoảng 2ha. Từ dưới chân núi, qua 373 bậc thang bằng đá xẻ, đá phiến, có bóng cây che mát, du khách sẽ lên chùa Long Đọi Sơn. Ngôi chùa được xây dựng trên đỉnh núi. Ngay cổng chính trước tòa tam bảo là nhà bia để tấm bia Sùng Thiện Diên Linh - ấn tích Phật giáo huy hoàng thời Lý, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Sử cũ ghi lại, bia "Sùng Thiện Diên Linh" được dựng vào ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (năm 1121), do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tác và ngự đề. Mặt trước của bia khắc tổng số 4.257 chữ Hán. Trán bia được khắc với tên "Đại Việt quốc đương gia Đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh bảo tháp bi" do chính nhà vua Lý Nhân Tông ngự đề theo lối chữ phi bạch, chia thành 7 hàng dọc, mỗi hàng 2 chữ.
Bia do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác và sai Thượng thư Bộ hình Nguyễn Công Bật soạn văn bia, viết chữ để khắc là Thượng thư Bộ công Lý Bảo Cung. Bia được khắc chữ cả hai mặt. Mặt trước khắc chữ Hán, nội dung ca ngợi công lao tài trí của vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước, phản ánh triết lý duyên khởi của Phật giáo, tình hình Phật giáo thời Lý… Mặt sau bia ghi việc tu sửa chùa vào thời vua thứ 5 nhà Mạc, việc Thái hậu Ỷ Lan cúng vào chùa 72 mẫu ruộng làm ruộng đèn nhang và khắc bài thơ Đường luật của vua Lê Thánh Tông làm vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) nhân dịp nhà vua đi bái yết sơn lăng lên thăm chùa. Sau nhà bia là tòa Tam bảo, rồi đến chùa chính gồm 6 gian. Chùa hiện còn bảo lưu nhiều di vật quý mang đậm giá trị văn hóa truyền thống như: tượng Di Lặc bằng đồng, 6 pho tượng kim cương, tượng đầu người mình chim Kinari, nhiều mảng chạm trang trí bằng đất nung, gạch hoa văn thời Lý, đặc biệt là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh…
Với những giá trị lịch sử văn hóa và vẻ đẹp vừa uy nghi, cổ kính, vừa thanh thoát, nhẹ nhàng, chùa Long Đọi Sơn hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi tới Hà Nam.
Theo: petrotimes.vn