Kiến thức
Giới – Định – Tuệ là con đường giải thoát của người xuất gia
Thứ năm, 09/07/2022 03:25
Con đường giải thoát duy nhất của người xuất gia không gì khác hơn là Giới-Định-Tuệ. Trong đó Giới luật là bước đi đầu tiên căn bản, là thềm thang hướng đến Niết bàn an lạc, là kim chỉ nam trong đời sống của người xuất gia. Chính vì thế Giới luật được xem là nơi nương tựa an ổn nhất cho người xuất gia.
Đặc biệt, trong mùa an cư cuối cùng, theo kinh Du hành (Trường A Hàm), Phật đã dạy hai điều cốt lõi:
Thứ nhất là, Pháp và Luật đã được trao truyền trọn vẹn cho chúng tăng, sau khi Như Lai nhập diệt, Pháp và Luật sẽ là thầy dẫn đường tối thượng cho các hội chúng Tỳ kheo.
Thứ hai là, các thầy Tỳ kheo hãy tự mình thắp sáng nơi Pháp, hãy tự mình nương tựa Pháp mà thực hành Tứ niệm xứ. Đây là lý do vì sao đạo Phật truyền vào quốc gia nào, pháp an cư cũng được lưu truyền và phát huy.
Giới luật là nền tảng của đạo Phật
Vì thế, việc xuất gia của một người không chỉ là vấn đề cá nhân mà là vấn đề liên đới cần phải đặc biệt chú trọng, bởi sự tiến bộ hay sa đọa của họ đều ảnh hưởng đến sự thịnh suy của Phật giáo.
Người xuất gia phải là một người có tín tâm, xuất gia vì mục đích cao cả là hướng đến giác ngộ, giải thoát. Cho nên người xuất gia phải được đặt hoàn toàn trên nền tảng giới luật và mục đích chung của Phật giáo nhằm đảm bảo uy tín và sự thanh tịnh của Tăng đoàn.
Trong Sa Di Học Xứ có nói “Bởi vì một thân oai nghi tức là tướng trạng của người xuất gia, trong làm khuôn phép cho Tăng đồ, ngoài làm lợi ích cho đàn-na. Đây là phương pháp tu trước thì tiến, sau là làm mẫu mực, chẳng phải chỉ có thọ giới thời mới tập học, cần yếu trọn đời phải hành trì mới gọi là bậc thiện.” Vì vậy người giữ giới thanh tịnh là khuôn khổ làm cho thân-khẩu-ý được trong sạch, ngăn chặn mọi tội lỗi phát sinh. Diệt trừ những thói quen làm việc xấu ác, duy trì hết thảy mọi thiện pháp.
Cổ đức thường dạy: “Hổ ly sơn hổ bại, tăng ni ly chúng tăng, ni tàn”. Cho nên, tăng, ni lập hạnh quyết định nguyện trụ tòng lâm, tự viện vì là nơi trang nghiêm thanh tịnh, chỗ tu học của người xuất gia đệ tử Phật. Đây là chỗ an thân lập mạng của mỗi người tu, nên phải quyết định thề nguyện “dù tán thân mất mạng cũng không rời khỏi chốn này.” Nếu rời khỏi Tòng lâm, Tự, Viện thì cô phụ hạnh nguyện, lập chí, quyết định thuở ban đầu của chính mình, thì bị nghiệp lực lôi cuốn trong lục đạo luân hồi. Bởi nơi đây đều có các bậc thiện tri thức thấu rõ phương pháp tu hành hướng dẫn, truyền trao cho tăng ni chúng ta thành tựu giới thân huệ mạng là nơi đào tạo tăng, ni có đủ tài đức, đạo hạnh trang nghiêm để gánh vác phật sự, lợi ích chúng sinh.
HT.Thích Thiện Pháp Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhấn mạnh: “Một khi thế hệ tăng, ni trẻ mới xuất gia học Phật được quản lý, giáo dục nghiêm khắc, đầy tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm của bậc trưởng thượng đi trước thì chắc chắn Giáo hội sẽ xương minh, đạo pháp sẽ trường tồn và tỏa sáng”.
Người tu học Phật không thể nào không am tường về giới luật được, vì giới luật là mạng mạch của tăng đoàn, là sự sống còn của Phật pháp. Vì tính chất thiết yếu đó cho nên đức Thế tôn đã dạy: “Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ. Tỳ ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt”. Thật vậy, giới luật còn thì Phật pháp còn tồn tại. Một khi giới luật mất đi thì Phật Pháp cũng liền bị tiêu diệt mất. Vì vậy trong quá trình tu tập giải thoát, thì người xuất gia phải trải qua ba môn Vô lậu học ‘Giới-Định-Tuệ’, vì đây là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc.
Trong Sa Di Học Xứ ghi: “Oai nghĩa là oai có thể sợ, nhiếp phục chúng sinh, đây là do nghiêm trì giới hạnh, các đức oai nghiêm nên khiến người có thể sợ”; “Nghi nghĩa là có nghi, có thể kính, nhiếp thọ chúng sinh. Đây là do động tịnh hợp nhất, tấn thoái an lành nên khiến người có thể kính. Nghĩa là thành tựu cái hạnh thanh tịnh là nhờ ở đạo nghi, thanh tịnh tròn đủ là nhờ ở giới phẩm.” Sở dĩ, người ta nhìn mình mà họ kính, sợ, nhiếp phục chúng sinh được là do nghiêm trì giới luật. Vì thế người nào sống đúng với chính pháp, sống đúng theo tinh thần của giới luật là những người luôn luôn đem lại lợi ích an sinh cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh.