Sống an vui
Hãy nói tiếng yêu thương với những người thân của mình
Chủ nhật, 04/11/2020 02:04
Hãy nói lời cảm ơn và tiếng yêu thương mỗi ngày, chúng ta sẽ ngạc nhiên về tác dụng của những lời nói yêu thương đó.
Nhiều khi chúng ta đặc biệt chiếu cố, lịch sự, tốt bụng với người bên ngoài mà lại lơ là, dễ cáu gắt với những người thân trong gia đình, chùa chiền, tập thể, hay công sở của mình. Có câu nói rằng “Sai lầm của một số người là quá khách khí hào phóng với người lạ, trong khi lại hà khắc với người thân;” trong nhà Phật có câu “Bụt nhà không thiêng” nghĩa là chúng ta mải mê chạy theo bên ngoài mà quên đi người yêu thương bên cạnh mình, trân quý người ở bên kia sông hay núi nọ, còn người nhà vì thường thấy nên không quan tâm.
Chúng ta có từng trầm tư quán chiếu rằng trong những bộn bề của công việc, chúng ta đã bỏ quên gia đình, Thầy tổ, thờ ơ với cha mẹ, người thân? Chúng ta có tận lòng nấu cháo, bưng cơm, bày tỏ mối quan tâm của mình đối với người thân hay quá bận rộn đến nỗi không có thời gian hỏi han thăm viếng mà chúng ta chỉ lao xao chạy theo những mối quan hệ bên ngoài cuộc sống và công việc. Ca dao có câu “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”, “Anh em như thể tay chân”, Đức Phật từng ngấn mạnh: “Cha mẹ tại nhà chính là Phật tại thế” để nhắc nhở chúng ta hãy trân quý tình thân gia đình và ban tặng quan tâm những gì có thể cho những người gần mình nhất, bởi lẽ họ chính là cội nguồn mình, là đấng thiêng liêng tại nhà để cho chúng ta thờ phượng và trân trọng.
Ăn chay là biểu hiện của yêu thương
Có những người làm vợ, làm chồng trong một gia đình, nhiều khi chúng ta sống mười mấy năm với nhau, nhưng dường như chúng ta không bao giờ biết nói tiếng yêu thương. Trong thời đại này, cái gì cũng đủ, nhưng có các lời yêu thương là thiếu và lời chân thành lại còn hiếm hơn. Bởi quá thiếu vắng sự biểu lộ những câu nói yêu thương ngọt ngào, thiếu những cử chỉ quan tâm săn sóc, nên một bé gái 10 tuổi mới nhắc rằng trong nhà ít nghe bố mẹ nóiyêu thương nhau, phải đợi mỗi năm đến ngày 14 tháng 2 vào dịp Valentime, mới thấy bố mua một hoa hồng và một tấm card gởi mẹ có ghi dòng chữ: “Anh yêu em”.
Hãy trân trọng những người yêu thương bên cạnh mình và ban tặng tình thương mỗi ngày, đừng đợi dịp lễ Valentime hay Vu Lan Báo hiếu. Mỗi ngày người chồng hãy mỉm cười với vợ, bày tỏ chăm sóc thương yêu và cảm ơn vợ. Vợ hãy mỉm cười với chồng, bày tỏ chăm sóc thương yêu và cảm ơn chồng. Cha mẹ hãy mỉm cười với con cái, bày tỏ chăm sóc thương yêu và cảm ơn con cái. Con cái hãy biết ơn và thương yêu cha mẹ, dành vật ngon món lạ cho cha mẹ. Anh chị em phải biết yêu thương, đùm bọc và chăm sóc lẫn nhau, ban tặng cho nhau, chứ đừng đòi hỏi. Việc ban tặng tình thương, chăm sóc này hình như chúng ta làm dễ với các em bé, chó cún, mèo con, dễ thương, vì chúng đáng yêu và không có đụng chạm về tự ngã của mình, còn đối với các người lớn hình như khó, nhất là những người đã từng tổn thương mình.
Yêu thương nghĩa là hiểu và thương
Cuộc sống tranh giành bên ngoài dễ khiến chúng ta chao đảo. Đôi khi sức hút của đồng tiền, của những cám dỗ, khiến chúng ta mê mải mà quên đi những giá trị những người ngay bên cạnh mình. Hãy trầm tư đi, có phải những khi thất bại, khổ đau, mệt mỏi, suy sụp là chúng ta vội trở về nhà, về chùa để được chở che vỗ về trong tình thương của Thầy tổ, Cha mẹ, huynh đệ, chị em. Những ruột thịt thương ta thực sự, luôn lắng nghe, bao dung, sẵn sàng tha thứ khi ta mắc lỗi lầm, sẵn sàng dang rộng cánh tay đón ta về khi ta vấp ngã. Biểu lộ tình thân như ánh thái dương làm ấm tình cảm gia đình, giúp vượt qua những khó khăn của cuộc sống hàng ngày, xua tan mùa Đông băng tuyết trên khuôn mặt của mọi người và như liều thuốc tốt nhất để chữa những nỗi đau của đời sống hàng ngày. Cho nên, hãy nắm giữ và trân trọng những gì trong bàn tay của mình.
Hãy nói lời cảm ơn và tiếng yêu thương mỗi ngày. Chúng ta có thói quen cảm ơn những người lạ, những người bạn cài giùm cái máy vi tính, sửa xe, mua hàng, nhưng với mẹ, với cha, với anh chị em, người thường giúp đỡ ta hàng ngày, chăm sóc ta từng ly từng tí. Ta có thể ôm mẹ và nói: “Con yêu mẹ nhiều lắm” hay “Anh chị thật tuyệt vời”, “bạn rất tốt với mình”. Khi nói những lời đó có giá trị hơn “cảm ơn” nhiều.
Không chỉ khiến ta vui mà những người thân cũng thấy hạnh phúc vui sướng. Hãy nói lời cảm ơn và tiếng yêu thương mỗi ngày, chúng ta sẽ ngạc nhiên về tác dụng của những lời nói yêu thương đó.
Phật dạy tâm bi tình yêu thương chân thật
Có câu: “Nếu chúng ta yêu thương được người ngồi bên cạnh ta thì chúng ta sẽ yêu thương tất cả mọi người và tất cả mọi loài trên trái đất.” Thế nên, hãy quan tâm tới người thân, hãy yêu thương họ nhiều hơn những gì bạn có, bởi lẽ hãy biết đặt sự ưu tiên của mình ở đâu, hãy biết ai mới thực sự là người quan trọng với chúng ta, là người ở bên chúng ta lúc khó khăn gian khổ, là người cùng chúng ta đồng cam cộng khổ trải qua những tháng ngày nhọc nhằn. Hãy biết và trân trọng những tình cảm của chính mình. Đừng để sự sai lầm của bản thân giết chết mối quan hệ của chính mình, đừng để sự lạnh lùng thờ ơ của chúng ta làm nó chết trong câm lặng, đừng để ai tổn thương, nhất là với những người thân của mình.
Trên internet có kể một câu chuyện rằng: Tôi có một cô bạn, cả tuổi thơ bạn lớn lên với đòn roi của người cha độc đoán, gia trưởng. Những trận đòn hằn lên cả ký ức. Lên đại học, bạn yêu một anh chàng cùng trường. Với một người con gái thiếu thốn tình cảm từ bé, tình yêu giống như chiếc phao cứu sinh cho cuộc đời bạn. Rồi bạn mang thai khi mới đang học năm thứ ba. Cậu bạn trai, những tưởng là người yêu thương bạn hơn ai hết, khi biết tin đó thì lặn mất tăm, không một tung tích.
Bạn tôi không dám kể chuyện này cho gia đình. Chỉ đến khi bụng to, không giấu được nữa, bạn mới về cầu cứu bố mẹ. Người cha vì thể diện với dòng họ, làng xóm, tất nhiên không thể chấp nhận, ông đuổi con gái ra khỏi nhà. Mẹ bạn, dù thương con nhưng với người chồng gia trưởng, cũng đành ngậm đắng nuốt cay, không thể để bạn sinh con ở quê.
Cho hơn nhận là biểu hiện của tình yêu thương
Cô độc, tuyệt vọng, bạn tôi đã trải qua những ngày tháng thật sự khó khăn khi làm một người mẹ đơn thân. Rồi bạn nhận được tin cha mình ốm nặng, nghĩ đến những gìông đã từng đối xử với mình, bạn không thể nào trở về ngôi nhà đó. Nhưng rồi cuối cùng bạn vẫn dắt con về thăm ông. Bạn kể, hồi bé tuy cha hay đánh đòn nhưng chính cha cũng là người cõng bạn đi bộ hàng chục cây số, đưa bạn đến bệnh viện khi bạn lên cơn sốt giữa đêm. Những khi bạn đau ốm cũng chính tay ông đút cho bạn từng ngụm cháo. Ngày bạn sinh con, ông không đến thăm trực tiếp mà lặng lẽ đứng nhìn trộm từ phía xa, nấp sau hàng rào của bệnh viện. Buổi chiều hôm đó, tôi thấy cha con họ ôm nhau khóc.
Thế giới này rộng lớn như thế, tôi tin rồi ai cũng tìm được cho mình một người bạn đời phù hợp, mà không phải để lại những vết thương hằn sâu cho những người thân của mình. Hãy ngẫm câu chân ngôn: “Gia đình/người thân không phải là thứ quan trọng, mà là tất cả.”