Chùa Việt
Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo
Chủ nhật, 18/11/2020 04:25
Ngày 23-11 tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam sẽ khai mạc trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo”. Quý Phật tử sẽ có cơ hội trải nghiệm VR3D và có thêm những giả thuyết về kiến trúc đặc biệt của chùa thời Lý.
Nhân kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL liên quan đến việc việc Bảo tồn Di tích và Di sản văn hóa dân tộc (23/11/1945 - 23/11/2020), 15 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và SEN Heritage tổ chức trưng bày Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh các trải nghiệm trên nền tảng công nghệ, trưng bày sẽ mang đến cho người xem những bức ảnh được chụp từ thời Pháp thuộc, kiến trúc Một Cột thời Nguyễn, ảnh chùa bị đánh sập năm 1954, ảnh phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, ảnh hiện vật của các bảo vật quốc gia như tượng Phật chùa Phật Tích (1057), phiên bản cột đá chùa Dạm (1094), Bia Sùng Thiện Diên Linh (1121), và các hiện vật thời Lý khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long.
Nam Thiên Nhất Trụ - ngôi chùa Một Cột nổi tiếng trời Nam
Ngoài ra, sự kiện sẽ trưng bày một số mô hình hiện vật và kiến trúc thời Lý như đầu rồng (xi vẫn trên nóc mái cung điện), lá đề song long hiến châu… Không gian chính sẽ trưng bày tranh 3D, phim 3D, sản phẩm VR3D, mô hình phỏng dựng kiến trúc một cột và chùa Diên Hựu thời Lý.
Sản phẩm này đã công bố lần đầu vào ngày 10/10/2020 tại Hà Nội bởi tạp chí Tia Sáng - cơ quan ngôn luận của Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau hơn một tháng sửa chữa trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các học giả và xã hội, SEN Heritage sẽ đưa ra phiên bản số 2, cập nhật các thành tựu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ VR3D cho việc số hóa di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý.
Sản phẩm công nghệ thực tế ảo VR3D chùa Diên Hựu và kiến trúc Một Cột thời Lý của nhóm SEN Heritage là kết quả đúc kết từ 10 năm nghiên cứu và tổng hợp các giả thuyết khoa học. Hàng trăm mảnh vụn và phế tích khảo cổ, bản tái lập chùa Diên Hựu đã phỏng dựng tổng thể mặt bằng mandala chùa tháp thời Lý, với phong cách Lý và kỹ thuật xây dựng đương thời.
Chùa Một Cột hiện nay là một sản phẩm phục dựng có niên đại 1955, được thực hiện bởi Nguyễn Bá Lăng sau khi chùa bị đặt bom đánh sụp vào ngày 9/11/1954. Để xuyên không về văn hóa thời Lý, TS. Trần Trọng Dương (nhóm SEN Heritage - chủ trì khoa học của dự án), dựa trên sử liệu của văn bia Sùng Thiện Diên Linh (1121), đã tái lập bình đồ mandala của chùa tháp Diên Hựu đồng tâm đa chiều, với tháp một cột ở trung tâm, được bao bọc bởi hai vòng ao, hai vòng sân, hai vòng hành lang giải vũ và hệ thống các tháp lưu ly, các cầu bắc qua các ao. Toàn bộ bình đồ này đã mô phỏng đồ án mandala theo đúng kinh điển Phật giáo được ghi chép trong các bộ Hoa Nghiêm, Pháp hoa, Pháp giới an lập đồ, Hoa tạng truyện, Phật tổ thống kỷ.
Thiền viện có chùa Một Cột thu nhỏ ở miền Tây
Giả thuyết khoa học này đã được KTS. Đinh Anh Tuấn, NTK. Trần Thanh Tùng cùng Nguyễn Duy, Lê Minh Quân, Lê Quang Huy, Nguyễn Huy Hoàng và nhiều cộng sự khác đã thực hiện số hóa. Kết quả của dự án bao gồm các sản phẩm sau: bản thiết kế kỹ thuật 3D các đơn nguyên kiến trúc trong chùa Diên Hựu, phim 3D, bản VR3D của mandala Diên Hựu, mô hình hình thái kiến trúc và cấu kiện kiến trúc của tháp một cột, các sản phẩm hiện thực hóa từ bản phỏng dựng để phục vụ du lịch, trưng bày bảo tàng,…
Các sản phẩm này vừa là số hóa các mảnh vụn di sản rời rạc vào một giả thuyết khoa học, nhằm phục vụ việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn văn hóa, tái lập phế tích, quảng bá di sản văn hóa thời Lý đến với xã hội đương đại. Các sản phẩm này có thể ứng dụng cho nhiều hoạt động khác nhau, từ nghiên cứu, mô phỏng giả thuyết khoa học, trưng bày bảo tàng, thuyết minh bảo tàng, đến ứng dụng cho du lịch, giáo dục và đào tạo di sản, quảng bá văn hóa truyền thống trong hệ thống giáo dục các cấp.
Chùa Một Cột: Tinh hoa sáng mãi nghìn năm
Sản phẩm VR3D có thể sử dụng như là phim trường ảo, sản xuất phim 3D, sản xuất các phần mềm game lịch sử và có thể hướng đến phục dựng trên một không gian ngoài thực tế. VR3D chùa Diên Hựu giúp người xem có thể ngược dòng thời gian 800 năm, để bước đi trong không gian chùa tháp hoàng gia thời Lý. Sản phẩm chính của dự án giúp các thế hệ người Việt của thế kỷ 21 có thể trải nghiệm những nét đẹp vàng son xưa cũ trong một không gian thực tế ảo với công nghệ VR và AR. Nếu như công nghệ VR có thể giúp người xem có thể dạo bước trong không gian cổ, thì công nghệ AR có thể đặt các kiến trúc cổ ra ngoài không gian thực tại.
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học chia sẻ: "Việc nhóm SEN Heritage nghiên cứu, chỉ với một ví dụ với chùa Diên Hựu cho thấy cần rất nhiều công sức mới tái lập được nội dung phong phú dùng cho các thiết bị, công nghệ đó. Các bảo tàng, các di tích có thể học từ kinh nghiệm này để mở ra cách phát triển công nghệ thực tế ảo vào trưng bày…
Dự án này đã đưa được di sản của quá khứ mà nay chỉ còn là phế tích vào trong xã hội đương đại, làm cho quá khứ đến với xã hội đương đại. Đó là mục tiêu mà chúng ta phải cùng suy nghĩ để thực hiện: làm thế nào để di sản quá khứ, tưởng như đã chết đến được với người trẻ, với học sinh, giúp họ tưởng tượng được di sản của chúng ta trong quá khứ hùng tráng như thế nào".
Trong khuôn khổ trưng bày, một cuộc thảo luận với chủ đề “Hình thái một cột và mandala kiến trúc thời Lý” cũng sẽ được tổ chức vào sáng 26-11, tại đây nhóm dự án thử đưa ra một phương án tái lập kiến trúc hoa sen một cột sáu cạnh đời Lý (độc trụ lục giác liên hoa lâu - Việt sử lược) tại chùa Diên Hựu – Chùa Một Cột. Chùa Diên Hựu mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo với tháp Một Cột - núi Tu Di hoa sen nằm ở trung tâm của mandala đồng tâm đa chiều. Tại đây, những vấn đề còn đang được thắc mắc sẽ tiếp tục được các nhà nghiên cứu bàn thảo, và trả lời các câu hỏi: "Hình thái kiến trúc một cột là vuông hay lục giác? Có tàu mái hay không có tàu mái, có đấu củng hay không trong kiến trúc Lý? Mandala chùa Diên Hựu thuộc loại hình mandala nào, Kim Cương Giới hay Thai Tạng Giới? Tây Mật hay Đông Mật?...