Sống an vui
Làm thế nào để được nhiều vui hơn khổ?
Thứ ba, 07/08/2021 03:40
Trong cuộc sống hàng ngày lúc nào chúng ta cũng có ba thứ: lạc thọ, khổ thọ và cảm giác trung tính. Trung tính có nghĩa là không khổ không vui.
Ít muốn sẽ thấy an vui, biết đủ ta sống cả đời bình yên
Nếu chúng ta muốn có vui nhiều hơn khổ thì chúng ta chỉ đơn giản biến những cái trung tính thành ra an lạc và trung tính hóa những khổ thọ, thế là ta chỉ có vui và trung tính. Để rồi bước kế tiếp biến những cái trung tính còn lại thành vui, thế là chúng ta được rốt ráo giải thoát. Mà muốn được như vậy chỉ có "tu" mới có thể chuyển những cái không khổ không lạc thành lạc. Thí dụ như lúc ta chưa tu thì ta xem chuyện "không đau răng" là trung tính, không vui không buồn. Nhưng khi đã tu rồi thì chuyện "không đau răng là một điều an lạc." Đừng đi đâu xa để tìm một thí dụ điển hình, hãy xem một người bịnh liệt giường lâu ngày thì sẽ thấy là họ thèm được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cái mà họ không coi ra gì lúc chưa bịnh. Thấy đó, chúng ta hãy trân trọng những gì mà chúng ta đang có, thế là vui, thế là an lạc.
Phật dạy: "Chúng sanh cứ mãi mê đi tìm những lạc thọ mà quên rằng những cái trung tính có thể được chuyển hóa thành an lạc để trước mắt cuộc đời ta nhiều vui hơn khổ." Chúng ta có khi không biến cái trung tính thành vui mà ngược lại biến cả cuộc đời chúng ta thành phiền hà khổ não. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta thường chỉ nhìn bằng cái nhìn của ta chứ không chịu nhìn bằng cái nhìn của kẻ khác. Thí dụ như ta cho rằng ăn ớt là ngon, nhưng người khác có đồng ý là ớt ngon hay không? Chúng ta cho là đạo Phật cao quí tốt đẹp, nhưng người khác có nghỉ giống như vậy không? Như vậy muốn cho người khác vui, chúng ta phải làm sao? Hãy nhìn bằng cái nhìn của người ấy và hãy tập theo hạnh "lắng nghe" của Ngài Quán Thế Âm. Hãy nghe để thấy cái muốn cái thích của người khác hầu đem đến cho họ đúng cái mà họ muốn. Đem đến cho họ đúng cái mà họ muốn tức là ban vui dẹp khổ, tức là không phiền não, là giải thoát là rốt ráo vậy.
Buông bỏ chấp thủ tự ngã để an vui lâu dài
Hãy tự nguyện mang lại những niềm vui dù nhỏ cho thiên hạ để trả những nghiệp chướng mà mình đã tạo ra. Khi ta mang niềm vui đến cho người, ta cũng đồng thời chuyển hóa tâm hồn ta từ một người tham lam, bỏn xẻn, tàn ác thành một người rộng lượng, vị tha và hiền từ. Chính tâm niệm mang vui cho người sẽ chuyển hóa những tham, sân, si thành từ, bi, hỉ xã. Hãy mang nụ cười và niềm vui đến cho kẻ khác thì tự nhiên cái vui nó sẽ đến với ta.