Kiến thức
Lễ cúng ông Táo của người dân ba miền Bắc – Trung – Nam có gì đặc biệt?
Chủ nhật, 08/01/2022 08:31
Cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp hằng năm là phong tục có từ lâu đời của cha ông ta. Tuy vậy, mỗi miền Bắc, Trung, Nam đều có những nét riêng biệt trong tục lệ thờ cúng ông Táo, Người miền Bắc cúng ông Táo bằng cá chép, Miền Trung cúng ông Táo Bằng ngựa giấy, Miền Nam cúng Táo quân vào buổi tối.
Người miền Bắc cúng ông Táo bằng cá chép
Người dân thường làm lễ cúng ông Táo tương đối sớm, người dân sẽ bắt đầu cúng lễ từ 20 và muộn nhất là trưa ngày 23 tháng Chạp. Bởi họ quan niệm rằng sau buổi trưa ngày 23 các Táo quân đã lên đường về thiên đình không còn ở trần gian nữa. Người dân miền Bắc xem ngày Tết ông Táo là một trong những ngày lễ quan trọng của năm nên mọi khâu chuẩn bị từ lễ vật cho tới nấu mâm cỗ đều được thực hiện rất trang trọng. Trước lúc cúng bái, gia chủ sẽ quét dọn bàn thờ ông Táo và khu vực bếp nấu gia đình tươm tất, thay chân hương bằng tro mới. Sau khi thắp nhang, khấn bái hoàn tất, gia chủ sẽ phóng sinh cá chép sống ra ao, hồ, sông gần nhà. Thời gian cúng phổ biến là từ 11 – 13 giờ. Các gia đình dù bận công việc gì đều sắp xếp và hoàn thành việc cúng lễ trước 13h trưa ngày 23 tháng Chạp để kịp tiễn các Táo về Trời.
Người Miền Trung cúng ông Táo Bằng ngựa giấy
Người Miền Trung có tục lệ cúng ông Táo tương đối cầu kì. Thay vì cúng cá chép như miền Bắc, người dân ở đây thường cúng Táo quân bằng một con ngựa bằng giấy có đủ bộ yên, cương. Một số vùng như Huế và Hội An có tục cúng tượng đất táo quân và dựng cây nêu sau ngày 23 tháng Chạp.
Hiểu đúng ý nghĩa ngày cúng ông Công, ông Táo
Miền Nam cúng Táo quân vào buổi tối
Người Miền Nam thường cúng ông Táo vào buổi tối. Tại miền Nam, người ta sẽ tiễn ông Táo vào buổi tối, từ 8h đến 11h đêm. Người Miền Nam cho rằng vào cuối ngày, sau khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng đến bếp nữa thì mới được tiễn ông Táo lên đường gặp Ngọc Hoàng. Mâm cúng ông Táo ngày 23 tháng chạp của người Nam bộ thường có hoa tươi, đĩa kẹo làm từ mè đen và đậu phộng, nhang, đèn cầy, 3 ly nước lọc và bộ vàng mã “cò bay, ngựa chạy” để hóa sau khi cúng để làm phương tiện cho Táo cưỡi về Trời. Người miền Nam có tục cúng ông Táo vào 2 dịp trong năm đó là cúng tiễn ông Táo về chầu trời ngày 23 tháng Chạp âm lịch và cúng ông Táo ngày 7 tháng Giêng.
Tiễn ông Táo về trời ngày 23 tháng 12 âm lịch hằng năm. Họ quan niệm rằng đây là ngày đánh dấu thời điểm bắt đầu vào mùa Tết Nguyên Đán. Ngày xưa ông bà gọi là lễ tiễn Táo quân chầu trời. Thời nay, người dân thường gọi là Tết ông Táo. Đón ông Táo về nhà ngày 7 tháng Giêng. Theo tín ngưỡng dân gian, ông Táo lên trời bẩm báo chuyện trần gian với Ngọc Hoàng từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp mỗi năm. Vì vậy, cứ đến mùng 7 tháng Giêng, người ta lại chuẩn bị lễ đón Táo quân về nhà.