Chùa Việt
Linh thông cổ tự: Nơi lưu giữ nhiều pho tượng cổ
Chủ nhật, 10/05/2019 04:16
Chùa Nôm hay còn gọi là Linh thông cổ tự, nằm ở làng Nôm xã Đại Đồng huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Ngôi chùa được xây dựng lại vào thời hậu Lê với những nét kiến trúc cổ kính, là nơi lưu giữ nhiều pho tượng cổ vào loại bậc nhất vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Linh Thông cổ tự, người dân quen gọi là chùa Nôm có một tấm bia được dựng ngày mùng 2/12 niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700) với tiêu đề "Linh Thông tự bi kí" (Bài kí bia chùa Linh Thông).
Khi khảo sát về diên cách địa lí qua các đời thì chùa Nôm, chùa Ông dưới thời Lê đều nằm trên địa phận phủ Thuận An thuộc xứ Kinh Bắc, đời nhà Mạc lấy Thuận An vào trấn Hải Dương, đến thời nhà Lê Trung Hưng lại chuyển về như cũ. Năm Minh Mạng thứ 13 (1834) lại thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tới cuối đời Nguyễn mới gọi là huyện Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng Yên. Thuận An và Thuận Thành (tức Luy Lâu) thuộc xứ Kinh Bắc, là hai địa danh nằm sát nhau qua các đời, hai địa phương có sự giao lưu văn hóa, kinh tế, chính trị được thể hiện trên nhiều lĩnh vực trong đó có sự giao lưu về Phật giáo.
Đến làng Nôm, ta đến với một quần thể di tích: Chùa Nôm, đình Nôm, các nhà thờ họ của họ Phùng, Tạ, Lê, Nguyễn… Một quần thể di tích có mối quan hệ khăng khít, tương tác nhau, tạo nên một trục văn hóa mang giá trị kết nối từng nấc từ thời trung đại đến nay trong lịch sử văn hóa dân tộc.
Thuở ấy, nước Việt bị nhà Tây Hán chiếm đóng có tên Thái thú Tô Định bạo tàn, khiến dân khắp nơi nổi dậy dưới ngọn cờ của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Khi Trưng nữ tướng quân thu nhận Tam Giang, thấy ông là người có tài văn võ liền phong làm Điện tiền chỉ huy sứ tướng quân. Ông chọn nơi đóng quân ở trại Đồng Cầu. Nhiều người dân đến làm lễ xin đi theo giết giặc. Tam Giang chọn 15 người làm lễ gia thần, lập trại, đồn phòng ngự giặc, chỉ huy chiến đấu, giúp Hai Bà Trưng đánh tan quân Tô Định. Hai Bà phong cho Tam Giang là Điện tiền chỉ huy sứ quốc chính tướng quân. Sau đó Tam Giang gặp người con gái có tên Mỵ Nương là cháu của Triệu Đà vốn dòng dõi tôn quý, lấy làm vợ. Nhân đó phụ lão, Nhân dân trại Đồng Cầu đến lạy mừng, tâu rằng: “Xin nhận nơi này, ngày nay làm đồn sở, ngày sau làm nơi thờ tự, tướng Tam Giang bằng lòng cho”.
Ba năm sau, Mã Viện cho quân xâm lược nước ta, ban đêm giặc tiến công vây thành hai vòng, quân Trưng Nữ vương vì yếu thế nên bị thua, tướng Tam Giang đục thuyền cho chìm xuống sông Nguyệt Đức, chốc lát nước sông nổi sóng cuồn cuộn, thủy quái, thuồng luồng, rắn rùa nhảy ra, quân Hán kinh hãi, bỏ chạy.
Thời Bắc thuộc, đức thánh Tam Giang được thờ ở am nhỏ trên đồi cao trong rừng, đến thời Lý được xây dựng lại thành một ngôi chùa tên chữ là “Linh Thông cổ tự” dân gian vẫn gọi là chùa Nôm. Khi đó ngôi chùa được khởi dựng giữa rừng, phía Đông Bắc thôn Đại Đồng, gần với trung tâm Phật giáo vùng Kinh Bắc là” Luy Lâu” thời đó.
“Linh Thông cổ tự”, đọc theo âm Nôm, “Thông” có nghĩa là cây tùng, cây thông, vì thế có truyền thuyết cho rằng chùa Nôm được dựng giữa rừng thông. Chắc vào thời đó, nơi đây cũng là vùng sông nước, ao hồ, rừng rậm bạt ngàn… Chữ “Thông” ở đây theo âm Hán Việt còn được đọc là “Xuân” và “Thung” , “Xuân” có nghĩa là cây Xuân. Theo Trang Tử vào thời xưa có cây xuân lớn, lấy tám nghìn năm làm một mùa Xuân, tám nghìn năm làm một mùa Thu. Vì thế người ta hay dùng chữ xuân để chúc thọ. Nay ta gọi là “xuân đình” cũng theo ý ấy, ở đây nếu đọc theo âm Hán Việt “Linh Xuân cổ tự” thì có hàm ý là ngôi cổ tự như cây xuân, thọ tới vạn năm…
Chùa Nôm còn lưu lại trên 10 tấm bia đá và chuông cổ. Bia có tấm hai mặt, có tấm bốn mặt, gồm bia hậu, bia trùng tu, bia tháp mộ, bia cây hương. Từ trong văn bia các nhà nghiên cứu tìm thấy niên đại những năm trùng tu, xây dựng nhà tiền đường, thiêu hương, hậu đường, hành lang, tam quan… của ngôi chùa.
Ngoài những pho tượng cổ quý giá, trong khuôn viên chùa Nôm còn có một khu mộ tháp cổ được xây dựng bằng những phiến đá ong cổ. Đó là những tháp cổ đẹp và nguyên vẹn. Những thanh đá ong được mài nhẵn, vuông vắn, có kích thước giống nhau, xếp chồng lên nhau tạo thành ngôi bảo tháp ba tầng. Đến nay, những tòa tháp cổ vẫn đứng vững tọa lạc yên bình như thách thức với thời gian.
Cùng với các ngôi chùa khác ở huyện Văn Lâm, “Linh Thông cổ tự” được khởi dựng khá sớm, có thể vào những thế kỉ đầu công nguyên, do sự lan tỏa phát triển của Phật giáo, từ vùng đất cổ Luy Lâu, một trung tâm của Phật giáo mà dòng Thiền được truyền thừa sang đất Văn Lâm. Dựa vào truyền thuyết, thư tịch cổ, văn bia cho chúng ta đoán định lúc đầu “Linh Thông cổ tự” có thể là một thảo am nhỏ, sau này được hưng công bởi các nhà sư trụ trì như Sa di Tính Thực, Thiền sư Pháp Nghĩa cùng sự đóng góp của Nhân dân bản thôn và khách thập phương mà ngôi chùa có quy mô như ngày nay.
Cùng với sự phát triển và hội nhập của nền văn hóa đương đại, chùa Nôm cũng như rất nhiều các ngôi chùa khác ở làng quê Việt Nam đã và đang được bảo tồn, góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần của người dân, đồng thời tạo đà cho nền văn hóa Việt Nam phát triển.