Lời Phật dạy
Lời khuyên của Đức Phật dành cho người chồng trong gia đình
Thứ bảy, 16/01/2020 07:16
Xuyên suốt giáo lý của Ngài, Đức Phật luôn dạy rằng sự khắc khe, hung tợn không giải quyết được gì và cũng không đem người ta đến gần nhau hơn. Điều này càng đúng hơn trong mối quan hệ hôn nhân. Những lời nói khó nghe sẽ khiến người vợ muốn kình chống lại và đáng giá thấp nhân cách của người chồng.
Biểu lộ sự tôn trọng vợ
Vào thời Đức Phật, người đàn ông thường chẳng quan tâm gì đến quyền lợi hay nhân phẩm của người phụ nữ. Ở thời điểm khi mà các bà vợ chỉ có bổn phận phải phục vụ các ông chồng và nuôi dạy con cái, thì Đức Phật đã đưa ra một quan niệm rất cách mạng: Người chồng phải biểu lộ sự tôn trọng vợ mình, để cho mối quan hệ của họ được hạnh phúc và êm đẹp. Từ Pali được dùng để chì sự “tôn trọng” là sammananaya, có nghĩa là “với sự tôn trọng và ngưỡng mộ”.
Quan trọng hơn nữa đây là một trong năm bổn phận mà Đức Phật đề ra cho người chồng. Ngài đưa điều này ra trước tiên vì sự quan trọng vô cùng của nó trong một mối quan hệ hôn nhân lành mạnh. Tất cả những bổn phận khác của người chồng đều là thứ yếu so với sự tôn trọng. Dầu người chồng có làm cho vợ điều gì cũng là hời hợt, thiếu giá trị nếu như anh ta không làm với lòng tôn trọng vợ chân thực.
Nhiều lời dạy của Đức Phật diễn tả cặn kẽ hơn về sự tôn trọng rất thiết yếu này trong một mối quan hệ lành mạnh. Quan trọng hơn nữa là sự tôn trọng này không chỉ được bày tỏ qua những lời nói hời hợt, giả tạo, mà nó phải xuất phát từ bên trong ý nghĩ, thể hiện qua lời nói và hành động.
Nói rộng hơn, lòng từ bi (loving-kindness) có thể tượng trưng cho sự tôn trọng này. Tình cảm thương yêu chân thực và bi mẫn phải đi trước việc biểu hiện tình thương qua lời nói và hành động. Theo quan điểm của Đức Phật, người vợ xứng đáng được chồng tôn trọng như thế. Người vợ không phải là sở hữu cá nhân của chồng, người cho mình có quyền điều khiển vợ theo ý riêng, mà người vợ là một thành viên bình đẳng và đáng được tôn trọng trong mối quan hệ này.
Kiềm chế lời nói làm tổn thương
Hành động này liên quan đến điều vừa nói trên, vì kiềm chế không nói những lời làm tổn thương cũng là một hình thức khác của việc biểu lộ sự tôn trọng. Dầu vậy, để bảo đảm sự nhất quán trong cách hành xử nghiêm chỉnh, có sự tôn trọng của người chồng đối với người vợ, Đức Phật đã khuyên người chồng phải tuân giữ chặt chẻ nguyên tắc này. Thay vì lúc cần thì tuôn ra bao lời lẽ ngọt ngào với người vợ, nhưng lúc khác thì mắng mỏ vợ, người chồng cần phải luôn gìn giữ lời nói của mình. Anh ta không chỉ phải dùng những lời lẽ dễ nghe, mà còn phải kiềm chế không lớn giọng gắt gao khi nói chuyện với vợ, hay nói với người khác về vợ mình. Đức Phật đã dùng cụm từ avamananaya để chỉ điều kiện này.
Xuyên suốt giáo lý của Ngài, Đức Phật luôn dạy rằng sự khắc khe, hung tợn không giải quyết được gì và cũng không đem người ta đến gần nhau hơn. Điều này càng đúng hơn trong mối quan hệ hôn nhân. Những lời nói khó nghe sẽ khiến người vợ muốn kình chống lại và đáng giá thấp nhân cách của người chồng. Đức Phật đã nói rõ về bản chất yếu mềm của người phụ nữ và nhắc nhở các đấng ông chồng không nên lạm dụng nó. Thay vì cố gắng dọa nạt vợ bằng thái độ cộc cằn, lỗ mãn, người chồng cần duy trì thái độ mềm dẻo, nhẹ nhàng trong giao tiếp. Điều này sẽ góp phần làm cho mối liên hệ giữa hai người được êm đẹp, thoải mái.
Giữ lòng thủy chung
Người chồng tự bản thân phải giữ lòng chung thủy đối với vợ trước khi đòi hỏi vợ phải thủy chung với mình. Thuật ngữ anaticariyaya được dùng để chỉ điều kiện này. Đức Phật luôn nhắc nhở những người đàn ông đã có gia đình không được quyến rủ phụ nữ khác. Và Đức Phật đã đề ra nhiều phương cách để giúp họ tránh xa những mối liên hệ ngoài hôn nhân như tự quán chiếu và sử dụng trí tuệ. Thí dụ:
Nếu ai quyến rủ vợ tôi, tôi sẽ không tha thứ cho người đó. Ngược lại, nếu tôi quyến rủ vợ người thì họ cũng không thể ưa thích tôi. Hiểu được như thế, tôi phải kiềm chế không quyến rủ phụ nữ.
Sự quán chiếu, lý luận hợp lý, có đạo đức, và trí tuệ của người chồng sẽ giúp người đó duy trì được lòng chung thủy với vợ mình. Dầu Đức Phật thừa nhận rằng bản năng đòi hỏi tình dục là ham muốn mãnh liệt và nổi bật nhất của con người, Ngài vẫn khuyên người đàn ông phải thực hiện việc giữ lòng chung thủy một cách có trách nhiệm vì lợi ích của đời sống gia đình.
Từ bỏ tính gia trưởng
Đức Phật còn khuyên người đàn ông nên từ bỏ tính gia trưởng nếu họ muốn duy trì mối quan hệ êm đẹp với người phối ngẫu của mình. Câu issariya vossagga trong tiếng Pali đã nói hết lên điều này. Issariya có nghĩa là “quyền hạn” hay “quyền lực”; vossagga có nghĩa là “thư giãn” hay “làm giảm thiểu”. Kết hợp lại, hai từ này chỉ sự “từ bỏ hành động làm chủ” trong mối quan hệ hôn nhân.
Trong ý nghĩ này, Đức Phật đã đề nghị một phương cách hữu hiệu hơn nhiều để người đàn ông có thể củng cố thêm mối quan hệ trong hôn nhân. Khi người chồng vẫn khẳng định rằng họ có quyền hơn trong hôn nhân, rằng họ là “người quyết định và vợ phải nghe theo”, thì Đức Phật cho rằng họ phải từ bỏ tư duy đó vì lợi ích của một mối liên hệ tốt đẹp.
Ngược lại, sự từ bỏ tính gia trưởng của người chồng, không có nghĩa là người vợ sẽ quyết định tất cả. Đức Phật khuyến khích cả hai thành viên cùng quyết định và phải cùng thực hiện những quyết định của mình một cách hòa hợp, thay vì để người này lấn lướt người kia.
Đức Phật dạy rằng người vợ chẳng bao giờ nên là con rối của chồng hay ngược lại. Cũng có lúc, Đức Phật giải thích rằng một người vợ hoàn hảo có thể giống như người mẹ, người chị hay người bạn của chồng. Nhận định này minh chứng cho quan điểm của Đức Phật rằng cả hai thành viên trong một mối liên hệ hôn nhân cần phải chia sẻ quyền hạn để có thể cùng hiện hữu hòa bình bên nhau.
Tôn trọng sự ưa thích cái đẹp của phụ nữ
Đức Phật xác định phụ nữ là người ngưỡng mộ cái đẹp, và Ngài khuyên người chồng cần phải tôn trọng sự ưa thích cái đẹp của vợ. Câu alankara anuppadana chỉ sự tôn trọng của người chồng đối với tính ham thích những đồ vật đẹp của vợ. Alankara chỉ cho bất cứ thứ gì hấp dẫn, như là quần áo, đồ trang sức đẹp; anuppadana có nghĩa là “tặng món quà”. Đức Phật nhắc nhở người đàn ông cần phải mang đến cho người yêu của mình những món quà đẹp.
Bổn phận này thể hiện phương cách tốt đẹp nhất mà người đàn ông trong xã hội thời đó cần làm để bày tỏ sự tôn trọng đối với lòng yêu thích cái đẹp của người phụ nữ. Trong thời Đức Phật còn tại thế, phụ nữ không thể đi mua sắm và chọn lựa những thứ họ ưa chuộng. Thường là người chồng đi đến những khu mua sắm để mua những thứ cần thiết cho cả nhà. Trong hoàn cảnh xã hội đó, người phụ nữ thường yêu cầu người đàn ông mang về nhà những thứ họ cần. Việc “mang tặng những đồ vật đẹp” của người đàn ông biểu hiện lòng tôn trọng của người đó đối với sở thích của người phối ngẫu. Vì người chồng dùng ngân sách gia đình để mua những thứ cần thiết trong gia đình, anh ta cũng nên mua sắm những gì mà người vợ muốn được có.
Đối với các mối quan hệ ngày nay, điều quan trọng là tư duy đằng sau việc người đàn ông tặng những món quà đẹp đẽ cho người yêu của mình. Người đó cần hiểu rằng phụ nữ là người ngưỡng mộ cái đẹp. Nếu như anh ta không quan tâm khi lái chiếc xe bạc màu, củ kỹ hơn chục năm rồi, thì người vợ thích lái một chiếc xe mới, đẹp hơn. Anh ta có thể bằng lòng với thảm cỏ trước sân, nhưng người vợ thích trồng hoa, cây kiểng trong vườn hơn. Sự tôn trọng của người chồng đối với tính thích ngưỡng mộ cái đẹp của người vợ là lý do đằng sau việc mang tặng vợ những món đồ đẹp đẽ.
“Đây là năm cách mà người chồng cần đối xử với vợ”, Đức Phật đã kết luận sau khi giải thích các bổn phận này. Nếu người đàn ông muốn thiết lập một mối liên hệ tốt đẹp thì phải lưu tâm đến năm bổn phận này đối với đối tượng của mình. Đức Phật còn giải thích thêm rằng, được đối xử như thế, người vợ sẽ “cảm thấy đầy tình thương yêu”[9] đối với chồng. Tình cảm này sẽ là mối dây kết nối hai người với nhau và giữ cho tình yêu của người vợ không bao giờ phai nhạt.
Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula
Chuyển Ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh