Kiến thức
Năm triền cái và cách đối trị
Thứ bảy, 28/08/2020 06:31
Có năm thứ làm trở ngại cho hành giả trong quá trình tu tập, đó là năm triền cái. Vậy năm triền cái là gì và cách đối trị nó như thế nào, một hành giả cần lưu tâm tìm hiểu?
Là một hành giả tu tập hướng đến lộ trình giác ngộ giải thoát, sẽ trải qua rất nhiều khó khăn trở ngại, đặc biệt là khi đi sâu vào phương pháp hành trì. Có rất nhiều chướng ngại làm cho hành giả phiền não, bất an và lui sụt trên đường đạo. Mặc dù đường đã có, lối đã sẵn nhưng đích thân hành giả phải đi qua. Nếu không, chẳng có lợi ích nhiều cho sự thăng tiến trên lộ trình tìm về bờ giác.
Thấy rõ, nhận rõ những gì chướng ngại cho sự tu tập, từ đó mới có phương pháp loại trừ và đạt được an lạc thật sự. Có năm thứ làm trở ngại cho hành giả trong quá trình tu tập, đó là năm triền cái. Vậy năm triền cái là gì và cách đối trị nó như thế nào, một hành giả cần lưu tâm tìm hiểu?
Năm triền cái là năm món, năm thứ làm trói buộc, ngăn cho trì trệ tâm hành giả đến với an lạc, giác ngộ, giải thoát. Đầu tiên, chúng ta cần thấy rõ thật kỹ và nhận ra chỗ ẩn nấp của chúng, để ta có phương pháp loại trừ. Hành giả muốn đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại và chạm đến giác ngộ giải thoát, cần thấy rõ sự nguy hại của năm món này, từ đó tìm cách tháo gỡ, dập tắt, nhấn chìm, chấm dứt chúng, để giúp tâm được an ổn và đi sâu vào thiền định.
Về "Độc cư, thiền định, kham nhẫn, tri túc" trong mùa Cô-Vi 19
Trong kinh Tăng Chi và Tương Ưng, đức Phật có dạy về sự nguy hại của năm triền cái. Năm triền cái chứa nhóm các pháp bất thiện từ đó mà phát sinh. Ví dụ khi tham dục sinh khởi thì sẽ tham đắm, ưa thích chạy theo các đối tượng để rồi sa đọa, lưu chuyển trong luân hồi sinh tử. Hay khi sân khởi lên sẽ làm hư mất đạo nghiệp, cháy tan rừng công đức. Do đó, năm triền cái là chứa nhóm bất thiện. Năm triền cái được đức Phật dạy là cấu uế của tâm, là tác thành si ám, không mắt, là che mờ trí tuệ, làm ngăn che đến Thánh quả, Thánh đạo, làm tâm không đạt đến sơ thiền. Và trong bài kinh Ví Dụ Năm Bát Nước thì năm triền cái tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối, nghi hoặc được ví như năm bát nước. Bát nước bị nhuộm các phẩm màu xanh, đỏ, vàng, bát nước bị lửa đun sôi, bát nước bị phủ rong rêu, bát nước bị sóng đánh nổi sóng, bát nước bị khuấy động, làm đục, đặt vào trong bóng tối. Do vậy, khi nhìn vào năm bát nước, hành giả bị ngăn che, không thấy được lợi ích của mình. Cũng vậy, như tâm hành giả bị ngăn che, không thấy được lợi ích của mình, lợi ích của người và lợi ích của cả hai. Từ đó, không có được an lạc trong quá trình tu tập.
Qua lời Phật dạy từ các kinh Tăng Chi, Tương Ưng như vậy, chúng ta đã thấy rõ về sự nguy hại của năm triền cái, nên cần phải loại bỏ chúng ra khỏi tâm để có lợi ích thật sự trong quá trình tu tập.
Bài học từ nghịch cảnh, chướng duyên
Năm triền cái đó là tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối, nghi. Vậy muốn tiêu diệt, đối trị chúng, hành giả phải làm như thế nào, dùng phương pháp gì?
Đức Phật dạy: “Không có một pháp nào làm cho tham dục chưa sinh khởi không sinh khởi, tham dục đã sinh khởi được đoạn trừ bằng pháp bất tịnh tướng. Này các Tỳ-kheo, như lý tác ý về bất tịnh tướng, sẽ làm cho tham dục chưa sinh khởi không sinh khởi, tham dục đã sinh khởi sẽ được đoạn trừ”.
Thật vậy, nhờ pháp quán bất tịnh tướng, hành giả sẽ khởi lên được tâm ly tham dục do thấy được tướng bất tịnh. Ví dụ như quan sát về ba mươi hai thể trược của thân, các tướng hư hoại tan rã của tử thi, từ đó, tâm tham dục được ngăn chặn và đoạn trừ.
Đối với sân hận cũng vậy, Phật dạy: “Không có một pháp nào làm cho sân hận chưa sinh khởi không sinh khởi, sân hận đã sinh khởi được đoạn trừ như từ tâm giải thoát…”. Nghĩa là hành giả cần tu tập tâm từ để đoạn trừ sân hận, giống như người mẹ thương đứa con nhỏ của mình. “Lấy tình của mẹ thương con, mà thương kẻ khác oán hờn sẽ tan”. Dùng tâm từ để dập tắt sân hận, như giọt nước cam lồ dập tắt ngọn lửa sân.
Và để đối trừ với hôn trầm, đức Phật dạy: “Không có một pháp nào làm cho hôn trầm chưa sinh khởi không sinh khởi, hôn trầm đã sinh khởi được đoạn trừ như là pháp tinh cần giới, tinh tấn giới, dõng mãnh giới…”.
La Hán Trầm Tư dù nghịch cảnh không khởi niệm bất bình
Khi hành thiền mà hành giả rơi vào hôn trầm thụy miên, cần phải khởi tâm tinh cần, tinh tấn, dõng mãnh để chiến thắng cơn hôn trầm; tìm mọi cách để vượt qua và dập tắt nó bằng sức dõng mãnh của hành giả. Với tâm tinh tấn, tinh cần thì thụy miên, hôn trầm không còn là trở ngại nữa.
Để đối trị lại triền cái, trạo hối, Phật dạy “tâm tịnh chỉ”, là pháp giúp cho trạo hối chưa sinh khởi không sinh khởi, và trạo hối đã sinh khởi sẽ được đoạn trừ. Tâm được tịnh chỉ sẽ ở yên một chỗ, không phóng ra bên ngoài; thân không lăng xăng, tâm không buông lung mà luôn an định.
Cuối cùng, để đối trị với nghi hoặc, Phật dạy pháp như lý tác ý. Nhờ như lý tác ý, nghi chưa sinh sẽ không sinh, nghi đã sinh sẽ được đoạn trừ. Do như lý tác ý sẽ nhìn nhận đúng về các pháp, giúp hành giả có cái nhìn đúng, không còn nghi ngờ. Từ đó, tu tập thăng tiến và an lạc hơn.
Tóm lại, vừa rồi đã trình bày sơ lược về năm triền cái. Hành giả thấy rõ sự nguy hại của chúng, và cách đối trị, loại bỏ chúng ra khỏi tâm. Từ đó, hành giả có được an lạc trong quá trình tu tập, giác ngộ giải thoát. Có phương pháp đối trị và với tâm dõng mãnh, nhất định sẽ đạt được kết quả viên mãn.
Mời quý Phật tử xem thêm video "Đức Phật hữu tình hay vô tình":