Chùa Việt
Ngôi chùa có kiến trúc cổ độc đáo lừng danh Kinh Bắc
Chủ nhật, 22/01/2019 10:35
Chùa Bút Tháp, Bắc Ninh (Ninh Phúc tự) nằm ở bên đê sông Đuống (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là một trong những ngôi chùa cổ và có kiến trúc độc đáo của tỉnh Bắc Ninh. Chùa hiện lên vẻ đẹp mộc mạc, trang nghiêm.
> Những ngôi chùa Việt đặc biệt
Nằm ven dòng sông Đuống trù phú quanh co uốn lượn, với những bãi ngô, bãi đậu xanh mướt trải rộng, chùa Bút Tháp có tên chữ là Ninh Phúc tự, thuộc địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây được xem là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn giữ được khá nguyên vẹn và hoàn chỉnh lối kiến trúc sơ khai ban đầu, là địa chỉ hành hương của phật tử bốn phương.
Mang kiến trúc cổ độc đáo
Chùa được xây dựng vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê, theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Là một ngôi chùa được tu tạo vào thời nở rộ của những kiến trúc "trăm gian", chùa Bút Tháp có quy mô bề thế so với những ngôi chùa cùng thời.
Toàn bộ kiến trúc chính của chùa quay theo hướng Nam mà theo đạo Phật, đây là hướng của trí tuệ, của bát nhã, nằm trên một trục dài hơn 100m, kiến trúc của chùa được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm, nhưng lại rất tự nhiên ở khu vực xung quanh.
Khu trung tâm bao gồm 8 nếp nhà đều nằm ngang, chạy song hành được bố trí trên một trục dọc kiểu mô hình đường thần đạo. Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đó là gác chuông hai tầng tám mái, kế đó là tòa Tiền Đường, Thiêu Hương, nhà Thượng Điện, Cầu Đá, toà Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, nhà Hậu Đường và kết thúc là hàng tháp đá sau nhà Hậu Đường, trong đó có tháp đá Tôn Đức 5 tầng, cao 11m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Bên trái chùa có nhà thờ tổ Chiết Tuyết và ngôi tháp đá Báo Nghiêm tám mặt, 5 tầng cao 13m là nơi táng xá lị của thiền sư Chiết Tuyết. Hai bên dọc theo toà Tiền đường là hai nhà bia và hai dãy hành lang chạy suốt chiều dài của chùa.
Mỗi một công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các hoạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch. Nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên.
Nối giữa Thượng Điện và Tích Thiện Am là chiếc cầu đá cong bắc ngang hồ sen. Cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng. Mặt cầu lát đá xanh, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá công phu, tinh xảo.
Từ Thượng Điện, đi qua cầu đá là đến Tích Thiện Am. Tòa Tích Thiện Am, như tên gọi có nghĩa là chứa điều lành, xây dựng từ năm Tân Dậu (1681) đến năm Tân Mùi (1691). Trong Tích Thiện Am, có tòa cửu phẩm liên hoa - tháp bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt, 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo.
Không chỉ thế, với 26 bức tranh được chạm khắc đá xanh bạc theo nhiều chủ đề khác nhau từ trời mây, hoa lá đến chim muông, muôn thú. Đây được xem như là biểu tượng của Tứ linh, Tứ quý, đồng thời hàm chứa ý nghĩa Phật đạo sâu sắc.
Đặc biệt chùa Bút Tháp còn có một báu vật cổ, được xem là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đó chính là tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Đây được coi là một kiệt tác về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012. Tượng được đặt trên tòa sen rồng đội, với dáng hành đạo, thư thái.
Điều đặc biệt, độc đáo của ngôi chùa mà không đâu trên đất nước ta có được, đó chính là ngọn bảo tháp bằng đá cao lớn, uy nghiêm, vươn lên trời xanh, có tên là tháp Báo Nghiêm, nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn.
Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ, vươn thẳng tới trời cao thanh vắng. Tháp cao 13,05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đá. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29m. Tầng dưới cùng của tháp này có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa. Lùi về phía sau có tháp Tôn Đức cao 11m, nơi đặt xá lợi thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Tháp được xây dựng từ giữa thế kỷ 17, 4 mặt tháp đều bít kín bằng đá, mới đây trong lòng tháp người ta vừa tìm thấy được 2 cuốn sách đồng cổ viết kinh Phật.
Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ và trên đá ở đây đạt đến trình độ tinh xảo. Nơi đây lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ với kỹ thuật chạm thủng rất hiếm có như bàn thờ hương án, các tấm gỗ chạm trổ hình rồng phượng trên xà nhà thiêu hương... Xung quanh tòa Thượng Điện có hàng lan can đá gồm 26 bức phù điêu chạm trổ tinh vi những cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước với hình ảnh cò bay trên đầm sen, cá lội, trẻ chăn trâu…
Ngày nay, chùa Bút Tháp vẫn giữ trong mình những nét đẹp cổ kính từ bao đời. Hàng năm, mỗi dịp xuân về, hội chùa Bút Tháp lại diễn ra trong niềm vui náo nức và lòng sùng kính của khách hành hương. Trải qua bao năm dài lịch sử, chùa Bút Tháp luôn được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một di tích Phật giáo độc đáo nhất của Việt Nam.
Nơi Trạng nguyên trụ trì, Hoàng thái hậu tu hành
TS. Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh ngay từ khi bước vào đường sử học đã rất chú ý đến Ninh Phúc tự. Ông cho biết, đây là một trong những ngôi chùa cổ lâu đời và có quy mô lớn. Đến nay, di tích chùa vẫn còn khá nguyên vẹn theo lối kiến trúc xưa với vẻ đẹp mộc mạc, trang nghiêm.
Ông Nga cho biết, mặc dù là một ngôi chùa cổ và rất nổi tiếng của xứ Kinh Bắc nhưng để xác định chính xác chùa có từ bao giờ thì chưa có nhà nghiên cứu nào đưa ra được tài liệu và căn cứ thỏa đáng.
Một trong những tư liệu sớm viết về Ninh Phúc tự chính là sách “Địa chí Hà Bắc” khẳng định chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278). Thiền sư Huyền Quang, người đỗ Trạng nguyên năm 1272 đã trụ trì tại đây.
Thiền sư Huyền Quang vốn tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254 người huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Theo truyền thuyết “Tam tổ thực lục”, mẹ của thiền sư Huyền Quang là Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con.
Đầu năm Giáp Dần 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy “các tòa trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A - nan - đà, bảo: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa”.
Năm ấy Lê Thị sinh con, đặt tên là Lý Đạo Tái. Lớn lên Đạo Tái có dung mạo dị thường, học giỏi đỗ cả thi hương, hội rồi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (Trạng nguyên) khoa thi năm 1272 và làm quan đến chức Hàn Lâm. Một hôm, Đạo Tái cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh. Đạo Tái liền nhớ lại “duyên xưa” và xin xuất gia thụ giáo. Ông được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang.
Sau, ông theo lời phó chúc của Trúc Lâm trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Vì đa văn bác học, tinh thông đạo lý nên tăng chúng đua nhau đến học rất đông. Niên hiệu Đại Khánh thứ tư năm 1317, ông được Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm và tâm kệ.
Sau khi Pháp Loa tịch, Huyền Quang kế thừa làm Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, nhưng vì tuổi đã cao nên ông giao phó trách nhiệm cho Quốc sư An Tâm. Huyền Quang viên tịch năm Giáp Tuất 1334, thọ 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông sắc thụy là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại và đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.
Lần giở sử tích chùa Bút Tháp và đối chiếu với những sử liệu cũ, ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh khẳng định, từ thế kỷ 17, chùa đã trở nên rất nổi tiếng với sự trụ trì của Hòa thượng Chuyết Chuyết, người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Việt Nam năm 1633. Năm 1644, Hòa thượng Chuyết Chuyết viên tịch và được vua Lê phong là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”. Người kế nghiệp trụ trì chùa Bút Tháp là Thiền sư Minh Hạnh, học trò xuất sắc của Chuyết Chuyết.
Vào thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đã rời bỏ cung thất, về đây tu hành. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên bỏ tiền của, ruộng lộc ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa, kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”.
Đến năm 1647, chùa mới được làm xong. Về cơ bản, quy mô và cấu trúc của chùa Bút Tháp hiện nay chính là ngôi chùa được xây dựng trong thời kỳ này. Đến đời vua Tự Đức, năm 1876, khi vua qua đây thấy có một ngọn tháp hình dáng khổng lồ liền gọi tên là Bút Tháp, nhưng trên đỉnh vẫn ghi là tháp Bảo Nghiêm