Kiến thức
Ngôi chùa đẹp nhất
Chủ nhật, 02/12/2022 03:08
Theo B’su Danglu: Muốn bảo vệ đạo Phật một cách hữu hiệu, mỗi người Phật tử phải xây một ngôi chùa cho chính bản thân mình… Chùa đây đích thực là ngôi đại hùng bửu điện trong đó người Phật tử trở về tìm thấy nội tâm mình…
Đó là ngôi chùa vững chắc có thể che chở cho ta không bị những ngọn cuồng phong của thế cuộc xô đẩy và lôi cuốn… Vào thế kỷ 11, có một vị thiền sư Việt Nam tên là Ngộ Ấn, thiền sư này đã thực hành và truyền dạy pháp môn Tam bản: “Dĩ thân vi Phật, dĩ khẩu vi Pháp, dĩ tâm vi thiền”. Giáo lý tam bản dạy người chấm dứt sự truy cầu rong ruổi bên ngoài và trở lại với ngôi chùa thân, khẩu, ý,… Ông lo sợ “Con người thời đại cảm thấy lạc lõng và bị biến thành máy móc. Đạo Phật là gì nếu không phải là những pháp môn giúp ta thực hiện sự trở về kia? Nhưng làm sao chúng ta có thể tìm thấy được bản chất của đạo Phật nếu ta chưa có cảm giác là chúng ta cần đến đạo Phật? Chỉ sợ chúng ta không đủ sức sử dụng đạo Phật để cứu bản thân mình” (B’Su Danglu - Đạo Phật ngày mai, Lá Bối, 1970).
Trong kinh có đoạn viết kể rằng một hôm có nhà lãnh đạo một giáo phái tới thăm và hỏi Phật: “Tu theo đạo ngài thì ngày ngày làm gì?”. Phật nói: “Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống…”. Người kia hỏi: “Vậy thì có gì đặc biệt? Người thế gian cũng làm hệt như vậy?”. Phật nói: “Đặc biệt chứ. Người đời tuy có đi đứng nằm ngồi ăn uống nhưng họ không biết họ đi đứng nằm ngồi ăn uống. Còn chúng tôi đi, chúng tôi biết là chúng tôi đi, khi chúng tôi đứng, chúng tôi biết là chúng tôi đứng, vân vân…”.
“Ý thức được mọi hành động và chuyển biến tâm ý mình là bắt đầu thực hiện định lực. Nó là chỗ nương náu cho ta, cho hiện sinh ta. Phật dạy: “Khi tâm định thì tuệ sinh”. Khi con người đã đứng vững thì tổ chức của con người không trở lại đè nén và câu thúc con người. Xã hội tính không còn chống đối và tiêu diệt nhân tính. Ta thấy được trong ý thức cá nhân và trong ý thức xã hội cộng đồng, những vấn đề chính của con người và xã hội. Cái nhìn của ta cũng như của xã hội sáng hơn, và như thế nghĩa là đạo Phật được bảo vệ một cách đích thực” (B’su Danglu, sđd).
Ngài cũng cho rằng một nền Phật giáo hưng thịnh không phải chỉ có đông đảo tăng lữ, tu viện nguy nga mọc lên cùng khắp, hay tăng lữ có thế lực trong phạm vi thế quyền. Ở đây, chúng ta ghi nhận đã có nhiều người băn khoăn về việc những nơi thờ tự trùng tu mọc lên khắp nơi, nhất là những khu du lịch tâm linh mênh mông, thu hút một lượng tín đồ khá đông nhưng rồi sau khi dúi vào tay những pho tượng những đồng tiền lẻ, cầu xin bằng các thứ nghi lễ rườm rà, họ vẫn bỗ bã, ăn nhậu sau khi ra khỏi chùa, tạt vào những quán thịt rừng gần đấy. Cũng như sẵn sàng nhảy bổ vào nhau khi va quẹt xe trên phố, nghĩa là Phật pháp vẫn như nước trên lá khoai... Nhìn sang Thái Lan hay Lào, dù đường kẹt xe thế nào đi nữa, họ vẫn kiên nhẫn chờ và chúng ta không nghe dù chỉ là một tiếng kèn xe vang lên hằn học ở bất kỳ đâu. Chúng ta tự hỏi họ thấm nhuần chữ Nhẫn của nhà Phật hay đó là nếp sống văn minh của họ.
GS Cao Huy Thuần, trong lời tựa tập sách “Hạnh đức của Bồ- tát Phổ Hiền” của HT. Thích Trung Hậu, đã giải thích ý nghĩa của việc lạy và khi ta cúi đầu nghĩa là “… vất cái ngã mạn ấy đi. Vất luôn câu hỏi “Tại sao phải lạy? Càng cúi sát, càng rạp mình, ngã mạn càng mất... Khi tôi lạy mà lòng an vui, Ngài (Phổ Hiền) biết. Khi tôi lạy mà lòng bất an, Ngài cũng biết, mà còn biết rõ hơn nữa. Thân tôi chạm đất như vậy là ở năm điểm. Ở điểm thứ nhất, tôi biết: Tôi không sát sinh… thứ hai: Tôi không trộm cướp… thứ ba: Tôi không nói dối… thứ tư: Tôi không tà dâm và thứ năm: Tôi không say rượu... Sám hối thì cúi rạp mình xuống, vất hết ngã mạn đi, bởi vì còn ngã mạn thì không biết hổ thẹn”.
Và ánh mắt đẹp nhất là luôn nhìn mọi người chan chứa lòng từ bi, trái tim khỏe nhất là luôn bao dung tất cả, thế ngồi đẹp nhất là luôn vững chãi, bình thản trước những hơn thua, được mất và nội tâm ta trong sáng là ngôi chùa đẹp nhất.
(Trích từ: Tạp Chí Phật Học Từ Quang số 42)