Kiến thức
Phân biệt chánh tà phải dùng trí tuệ
Chủ nhật, 09/11/2023 08:35
Đức Phật từng tuyên bố “ta không có quyền ban phước giáng họa cho ai”. Vậy chúng ta xin Phật cho hết tai họa thì có ngược lại lời Ngài nói không? Phật dạy một đàng, chúng ta làm một ngả, không phải tà là gì?
Có những trường hợp mới nghe như phải, như chánh, nhưng mà rốt cuộc lại tà. Như có người trong đạo Phật, rất cung kính Phật. Bởi quá cung kính nên tin đức Phật có đầy đủ vạn năng xin cái gì cũng được.
Vì vậy mỗi khi có tai nạn hoặc gặp vui buồn cứ đến xin Phật cầu Phật.
Quan niệm như vậy là đã thành tà.
Cung kính Phật tại sao lại tà, đó là vấn đề mà đôi khi Phật tử chúng ta không nhận ra.
Đức Phật từng tuyên bố “ta không có quyền ban phước giáng họa cho ai”.
Vậy chúng ta xin Phật cho hết tai họa thì có ngược lại lời Ngài nói không?
Phật dạy một đàng, chúng ta làm một ngả, không phải tà là gì?
Trong đạo, người mắc kẹt bệnh này rất nhiều. Tu thì không chịu tu mà cứ xin. Phật dạy dùng pháp để trị tâm bệnh mà chúng ta cứ xin là sao?
Có nhiều Phật tử nói tôi theo đạo Phật mười năm rồi, mà động tới thì phiền não đủ thứ.
Tu mà không hết khổ thì đạo Phật vô hiệu, không giá trị.
Như vậy kẻ ấy làm tăng giá trị đạo Phật hay làm giảm giá trị đạo Phật?
Việc này thật tế nhị.
Quý Phật tử phải hiểu tin Phật là nên tin điều gì và không nên tin điều gì.
Người ta cứ ỷ lại vào Phật, cầu mong Phật cho cái này cái nọ.
Được như ý thì nói Phật linh, rủ nhau đi chùa.
Nếu không được như ý thì Phật không linh.
Phật dạy chúng ta phương pháp tu, nếu có nóng giận nên tu pháp gì, đâu có cầu ai.
Ứng dụng pháp Phật để tu thì phiền não giảm, đau khổ bớt.
Như vậy Phật cứu khổ cho mình rồi.
Cũng như thầy thuốc khám bệnh, cho thuốc, nhưng bệnh nhân không chịu uống, vậy làm sao hết bệnh?
Kẻ ấy thầy thuốc cũng chịu không có cách nào khác.
Phật là thầy thuốc trị tâm bệnh cho chúng sanh.
Nhưng chúng sanh không chịu dùng thuốc thì làm sao hết bệnh, nên theo đạo Phật mà vẫn tà như thường.
Hiện nay có rất đông người theo đạo Phật như vậy.
Nhiều huynh đệ than phiền nói tôi tu mà cứ chỉ trích người này chỉ trích người kia.
Vì tôi thấy việc tà mà không xây dựng, không chỉ dạy thì đối với Phật pháp tôi đã có tội rồi.
Do đó muốn phân biệt tà chánh rất là khó.
Đó là chưa kể nhiều người tuyên bố mình là Bồ-tát tái thế để độ chúng sanh, hay họ tuyên bố có câu chú lá bùa trị lành tất cả bệnh.
Quý Phật tử nghĩ sao, điều đó chánh hay tà?
Trong nhà Phật dạy không có vị Bồ-tát nào hiện thân ra đời mà vỗ ngực xưng tên ta là Bồ-tát cả.
Bồ-tát đi lẫn trong quần chúng hành mật hạnh Bồ-tát.
Nếu nói ta là Bồ-tát để được người cung kính lễ lạy thì làm sao hành hạnh Bồ-tát?
Chỉ như có người bệnh cần phải cõng đi bệnh viện thì Bồ-tát làm.
Người gặp cảnh nghèo đói cần giúp thì Bồ-tát giúp thầm lặng, không hiện tướng khác người.
Đôi khi vì thử người, Bồ-tát hiện thân thấp kém để thử người mến đạo.
Nếu xưng Bồ-tát, mọi người đều quí kính hết thì làm được gì.
Tự xưng Bồ-tát còn không phải hạnh Bồ-tát, huống nữa tự xưng Phật thì chúng ta bái không nên lại gần, vì đó là tà rồi.
Điểm kế nữa, người dạy tu mà bảo phải thề độc, nếu bỏ đạo sẽ bị đọa địa ngục v.v…
Như vậy tà hay chánh?
- Chắc chắn là tà rồi.
Bởi tà nên họ sợ người ta bỏ.
Vì vậy bắt thề độc, lỡ vô rồi phải trung thành.
Đó là tà giáo, nhiều Phật tử bị lầm đáng thương lắm.
Đức Phật dạy chúng ta qui y Phật thề tránh điều dữ nguyện làm việc lành, chớ không thề thốt gì hết.
Lúc nào không muốn tu nữa thì thôi, không có chuyện hăm dọa bỏ đạo bị đọa địa ngục.
Phân biệt tà chánh phải dùng trí tuệ. Muốn trị bệnh si mê thì vận dụng trí tuệ quán chiếu mới trị được.
Bởi vì từ si mê người ta tạo đủ thứ nghiệp, chịu đủ thứ khổ.
Nay muốn có trí tuệ chúng ta phải: một học chánh pháp (Hữu sư trí), hai tu Thiền định (Vô sư trí).
Lấy trí tuệ dẹp si mê.