Kiến thức
Phật giáo tại huyện đảo Trường Sa: Đồng hành và phát triển
Chủ nhật, 01/12/2021 12:27
Phật giáo Trường Sa cũng là một phương tiện để truyền bá lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Bởi lẽ, đạo Phật luôn đi cùng với lòng yêu nước, phụng sự dân tộc.
Bắt đầu từ hơn hai nghìn năm trước, khi được truyền vào Việt Nam, Phật giáo đã tiếp biến văn hóa bản địa và dung hòa với các tín ngưỡng địa phương. Phật giáo cùng thịnh, cùng suy, trải qua biết bao thăng trầm thời cuộc cùng dân tộc. Nơi đâu có người Việt cư ngụ, nơi ấy có bóng dáng của mái chùa. Nơi nào thuộc chủ quyền Tổ quốc, nơi đó có tấm áo nâu sòng của người tu sĩ. Phật giáo từ lâu đã luôn đồng hành cùng dân tộc.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông…”.
(Hòa thượng Mãn Giác)
Trường Sa cũng không ngoại lệ. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Khánh Hòa đã gần 40 năm tuổi thì Phật giáo huyện đảo Trường Sa cũng có hơn mười năm hình thành và phát triển. Theo tinh thần “Đạo pháp gắn liền với Dân tộc”, với vị thế một tỉnh ven biển sở hữu quần đảo Trường Sa mang ý nghĩa chiến lược, Phật giáo Khánh Hòa đang là ngọn cờ tiên phong trong công cuộc phát triển, truyền bá tư tưởng Đức Phật đến với đồng bào vùng hải đảo. Từ đó, làm phong phú thêm đời sống tâm linh, củng cố tinh thần yêu nước, giúp đồng bào thêm vững tâm bám trụ mảnh đất máu thịt quê nhà. Đây là việc làm hết sức thiêng liêng và cao cả, rất cần có những định hướng đúng đắn, thống nhất và lâu dài để được phát huy hết hiệu quả đối với đạo pháp và dân tộc.
Chuông chiều trên biển Trường Sa
Bắt đầu từ nhiệm kỳ VI, GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã rất quan tâm, chú trọng đến công tác hoằng pháp tại huyện đảo Trường Sa và đạt được những thành tựu đáng kể như xây dựng chín ngôi chùa tại các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Đá Tây, Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông. Thành công trong việc xây dựng những ngôi chùa không chỉ thể hiện tinh thần Phật giáo mà còn thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo, với cốt lõi là tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã cử chư vị Đại đức Tăng ra trụ trì tại các chùa nơi hải đảo. Cụ thể, ngày 05/3/2012, Phật giáo tỉnh Khánh Hòa chính thức công cử sáu vị Tăng sĩ đảm nhiệm chức vụ trụ trì các chùa trên huyện đảo Trường Sa. Từ đó đến nay, theo thống kê, đã có tổng cộng ba mươi vị Đại đức đến Trường Sa để tu niệm. Chư Tôn đức tỉnh Khánh Hòa cùng quân dân cả nước đã nhiều lần cử đoàn ra thăm, tặng quà các chiến sĩ và cư dân huyện đảo Trường Sa, làm lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền đất nước. Trên thực tế, chùa không chỉ là cơ sở tôn giáo cho các Phật tử về tu học mà còn trở thành nơi đi về của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa và cả những con dân nước Việt đến từ đất liền.
Những thành tựu ấy của Phật giáo đã góp phần kéo gần khoảng cách giữa đất liền và hải đảo. Chùa trên những hòn đảo nơi đây không chỉ là chốn tâm linh mà còn là chiếc cầu nối gửi gắm bao tình cảm, sự sẻ chia của những người con Phật nơi đất liền nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung đến với đồng bào hải đảo.
Xét từ góc nhìn Phật giáo, đồng bào hải đảo xa xôi là đối tượng nhân sinh cần được giúp đỡ hơn hết. Đời sống vật chất, tâm linh – tinh thần của họ còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chùa ở nơi hải đảo sẽ phần nào làm phong phú hơn đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào địa phương. Theo tinh thần Kinh Pháp Hoa, chánh pháp là một trận mưa đem lại nguồn sống cho muôn loài, không phân biệt, càng không có sự phân chia theo địa lý.
Nếu ở đất liền, nhịp sống của bà con nông dân từ xa xưa đã quyện chặt với nếp sống nhà chùa, thì nơi hải đảo xa xôi, những ngôi chùa không chỉ thể hiện tinh thần Phật giáo mà còn là cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi lẽ, với ngư dân đánh bắt xa bờ trên biển Đông, các điểm đảo ở huyện đảo Trường Sa chính là điểm tựa, là ngôi nhà thứ hai của họ.
Cuối năm đi chùa trên đảo Trường Sa
Trường Sa là của người Việt Nam. Điều này đã được chứng minh bằng lịch sử và các tài liệu khoa học. Người tu sĩ Phật giáo, trước hết là một công dân Việt Nam, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Những việc chúng ta có thể làm trước hết là chuyên tâm tu niệm, nguyện cầu cho hòa bình an lạc, sau là đem tất cả sức mình mang giáo pháp hoằng hóa khắp đảo xa. Đối với người Việt Nam, chùa không chỉ đơn giản là một cơ sở tôn giáo mà còn là nơi lưu giữ những giá trị thiêng liêng nhất về hình ảnh và linh hồn dân tộc. Vì thế, trong tình hình hiện nay, sự hiện diện của những ngôi chùa, những vị tu sĩ tại huyện đảo Trường Sa là một bằng chứng hùng hồn cho chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Những vị tu sĩ tại huyện đảo Trường Sa luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào địa phương, trở thành cầu nối giữa người dân và Giáo hội để có thể kịp thời giải quyết những vấn đề, đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu thiết yếu của người dân. Mặt khác, quý Thầy cũng là người đem chánh pháp truyền trao, lan tỏa khắp đảo xa để Phật giáo ngày càng đi sâu, lan rộng và gần gũi hơn với người dân địa phương. Từ đây, họ có thể tìm thấy Phật giáo ngay tại hải đảo mà không cần phải ngưỡng cầu, bái vọng nơi đất liền xa xôi.
Phật giáo Trường Sa cũng là một phương tiện để truyền bá lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Bởi lẽ, đạo Phật luôn đi cùng với lòng yêu nước, phụng sự dân tộc. Truyền bá đạo Phật tại hải đảo chính là góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, củng cố và làm chỗ dựa cho quyết tâm bám đảo, bám biển của đồng bào. Phật giáo cho con người ta cái nhìn của chánh giác, chánh kiến, thấu rõ chân lý, bản chất của mọi việc, không bị ngoại cảnh làm cho u mê, kích động.
Nếu được phép ví von, xin cho chúng tôi được ví hình ảnh những vị tu sĩ tại huyện đảo Trường Sa như những cây phong ba đặc trưng của đảo. Nếu màu xanh của cây phong ba xoa dịu nỗi nhớ đất liền thì màu nâu sòng của tấm áo người tu sĩ Phật giáo gắn kết người người lại với nhau, xua tan sự đơn độc. Màu nâu ấy dung hòa tất cả, hướng con người ta quay về bản thể tự tánh đẹp tươi. Ở nơi biển cả bao la này, nếu mỗi ngày không có màu xanh của cây phong ba, có lẽ đôi mắt con người ta sẽ nhanh mờ vì nắng gió. Cũng như ở nơi vọng gác tiền tiêu căng thẳng, nếu mỗi ngày cứ nặng mang bên mình tham, sân, hận, có lẽ tâm hồn chúng ta sẽ sớm lụi tàn. Cây phong ba chưa bao giờ đầu hàng trước bão táp. Mỗi lần bão qua cuốn đi hàng cây cũ thì ngay nơi ấy, những chồi non lập tức sinh sôi. Cũng tựa như lớp lớp người tu sĩ Phật giáo chưa bao giờ vì khó khăn, nguy hiểm mà từ bỏ nơi này. Lớp trước quay về thì lớp sau tiếp nối. Bóng áo nâu sòng cứ thế, an nhiên, vững chãi đứng giữa biển trời, làm tròn nhiệm vụ hoằng dương chánh pháp, làm tốt nghĩa vụ tưới tẩm vườn tâm.
Hào sảng chuông chùa nơi đảo Trường Sa
Trường Sa – nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc cả về thiên nhiên và chính trị. Thiên nhiên đã khắc nghiệt thì chính trị nơi đây cũng chẳng được bình yên. Ấy vậy mà những ngôi chùa vẫn ở đó, sừng sững, trang nghiêm mặc mưa giông, bão tố, mặc cho thế sự đổi thay. Nếu cây phong ba chắn gió, chắn cát, che mát cho người dân biển thì những ngôi chùa nơi đây che chắn những nỗi bất an, xóa tan tà kiến, rợp bóng râm cho tâm hồn con người về nương náu. Từng ngôi chùa được dựng lên, từng vị tu sĩ an nhiên tu tập. Tất cả đều trở thành những hình ảnh đẹp, những ánh lửa sưởi ấm và soi đường cho đồng bào tại huyện đảo Trường Sa trong những lúc đất trời mưa giông bão tố và cả những lúc thế cuộc điên đảo xoay vần. Sự tĩnh lặng, an nhiên của chốn già lam, làm con người tạm quên đi những khó khăn, căng thẳng ngoài kia, lắng lòng hít thở thật sâu, nghe tâm mình bình yên và vững chãi. Vượt lên trên hết, tâm an lòng tĩnh chính là những gì người con Phật nơi đất liền muốn gửi trao. Tâm an, lòng tĩnh thì tất cả náo động ngoại cảnh chỉ là hư ảo. Chút bình yên này, xin gói gọn, gửi trao.
Trường Sa – cái tên mới nghe qua tưởng chừng như xa xăm vời vợi. Trường Sa – cái tên mới thấy thôi đã sóng gió ngập trời. Nhưng Trường Sa chẳng đâu xa. Trường Sa ở ngay tại tâm ta nghĩ nhớ. Việc truyền bá giáo lý nhà Phật đến với đồng bào vùng hải đảo chính là việc làm cần thiết, đậm chất nhân văn, thể hiện tinh thần từ bi – trí tuệ và sự báo ân chư Phật. Dẫu biết đây là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tâm huyết hoằng pháp lợi sanh của GHPGVN nói chung và GHPGVN tỉnh Khánh Hòa nói riêng, cùng với sự đồng thuận, giúp đỡ của các cấp chính quyền và sự góp sức sẻ chia của toàn thể người dân Việt thì không gì là không thể. Xin hãy để Phật giáo làm tròn nhiệm vụ phụng sự chúng sinh, cúng dường chư Phật, làm chiếc cầu nối vững chắc nối liền đôi bờ hải đảo – đất liền, nối liền đôi bờ Đạo pháp – Dân tộc. Để từ đây, đất liền hòa cùng một thể với đảo xa, người người nghĩ về nhau trong tình thương trìu mến. Để đảo xa không còn đơn độc, cánh tay mẹ hiền vẫn mãi mãi chở che.