Kinh Phật
Phát hiện cuốn kinh Di Đà thời Tự Đức dưới chân tượng Phật
Thứ năm, 18/06/2020 08:03
Trong khi hạ giải để kiến thiết ngôi chùa cổ bậc nhất làng Trà Lũ xưa - Cảnh Linh cổ tự thuộc tỉnh Nam Định, người dân đã vô tình phát hiện cuốn kinh Di Đà thời Tự Đức vô cùng quý giá.
Bản kinh cổ 2000 năm của Đức Phật được Hoa Kỳ công bố
Ngay lập tức, ban hộ tự chùa Cảnh Linh xã Xuân Bắc (Xuân Trường – Nam Định) đã liên hệ với một số nhà nghiên cứu và được biết, đó chính là cuốn kinh Di Đà soạn vào đời vua Tự Đức thứ 27 (1874) bởi vị sư có pháp danh Từ Lãng.
Ngôi chùa đầu tiên làng Trà Lũ
Cảnh Linh cổ tự thuộc xóm 7 xã Xuân Bắc. Đó là ngôi chùa có từ lâu đời nhưng ít tư liệu ghi chép lại nên cũng rất hiếm người biết đến ngôi cổ tự đó.
Theo một số cao niên, từ khi khai sinh làng Trà Lũ thì ngôi chùa này đã là nơi thờ Phật chung của 3 xã Xuân Bắc, Xuân Phương, Xuân Trung. Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử nên ngôi chùa không còn giữ được nhiều hiện vật để có thể làm tài liệu di tích lịch sử chính thống.
Chùa cổ ở Bình Thuận lưu giữ bộ kinh khắc gỗ độc nhất Việt Nam
Qua một số bản dịch và tư liệu ít ỏi còn lại trên bia đá và chuông đồng, các nhà nghiên cứu cho biết tên gọi của ngôi chùa này có tên "Cảnh Linh cổ tự". Theo dịch giả Đỗ Trác, Cảnh Linh cổ tự là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên ở Trà Lũ xưa bao gồm các xã Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương, Xuân Vinh của huyện Xuân Trường ngày nay. "Gần đây, sau khi tiếp cận với tấm bia đá và quả chuông cổ ở chùa, tôi đã phiên đọc, chú giải rất kỹ lưỡng và khẳng định chùa cổ có tên là Cảnh Linh cổ tự, ngôi chùa đầu tiên của làng Trà Lũ xưa", ông Trác cho biết.
Tấm bia đá "Cảnh Linh bi ký" ở mặt 1 ghi chép: "Triều vua Kiến Phúc, năm Giáp Thân (1884), tháng 6, ngày lành. Hội Khuyến Thiện xã Trà Lũ lập bia ghi rõ sự việc trước sau.
Chùa cổ có từ lâu nên cũng đã hư hoại, xuống cấp. Năm Tự Đức thứ 34 (1881) có cơn bão lớn, chùa đổ nát chỉ còn trơ lại nền. Liền đó, làng xã đã họp bàn, thành lập hội mang tên Hội Khuyến Thiện, hợp sức cùng với thôn Trà Lũ Bắc huy động nhân dân đóng góp và quyên cúng của thiện tín thập phương, xây dựng lại ngôi chùa.
Qua tư liệu, dịch giả Đỗ Trác cho rằng, Cảnh Linh cổ tự được xây dựng lần đầu vào khoảng giữa thế kỷ 18, đầu thời vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1780). Khi làng Trà Lũ đã tương đối trù phú, các cụ xây dựng đền Thần, thứ đến chùa cổ, mãi sau này mới xây dựng đình làng và xây mới chùa Bắc ở ngoài trung tâm xã (trước đó là bãi cửa sông Hà Khẩu ngập nước). Chùa Trung Xuân Bắc được xây dựng lớn vào thời kỳ cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19 mới xong.
Chùa cổ Thiên Tứ - nơi lưu đậm dấu ấn của Bồ Tát Thích Quảng Đức
"Chùa cổ ở xã Xuân Bắc cũng như các ngôi chùa khác đều là chùa làng, chùa công, không có chuyện chùa tư nhân hóa. Hơn nữa, từ xa xưa dân ta đã có câu "đất của vua, chùa của làng", có bao giờ chùa là tài sản thuộc sở hữu riêng của một cá nhân, gia đình nào", ông Trác cho biết.
Chùa cổ lúc bão đổ, xây dựng lại những năm 1880 do cụ Đỗ Viết Trường, tự tăng kiêm sư chùa (biện dịch - thủ nhang - thầy cúng) trụ trì, coi sóc, hương khói. Người mà sau này nhân dân địa phương gọi là cụ Tràng, hay Tàng – theo lối nói của người Nam Định xưa.
Sau khi làng Trà Lũ Bắc xây thêm ngôi chùa vẫn lấy tên cũ là Cảnh Linh ở vị trí trung tâm xã Xuân Bắc hiện nay, chùa cổ ít người đến lễ bái, tiến cúng. Sư chùa vẫn liên đăng tục diệm, cha truyền con nối, đến mãi sau này qua 5 đời sư tăng – đạo sĩ – thầy cúng kiêm quản. Đến đầu thế kỷ 21, con cháu của các cụ sư trụ trì nhang khói ở chùa cổ tiếp tục trông coi, bảo vệ giúp người dân có nơi chốn lễ bái.
Báu vật có một không hai
Tại chùa cổ Cảnh Linh, chiếc chuông đồng được cúng vào năm 1885, trải qua 135 năm nhưng còn khá nguyên vẹn. Các nét chữ Hán vẫn còn rất rõ, trên thân chuông ghi giá trị 280 quan tiền bởi một người phụ nữ hưng công. Trên chiếc chuông cũng khắc chữ Cảnh Linh cổ tự.
Là một ngôi chùa nhỏ, cũ kỹ, nằm nép trong thôn xóm nên ngôi chùa cũng ít khách thập phương qua lại. Khi ngôi chùa cổ được hạ giải để kiến thiết, người dân vô tình phát hiện cuốn kinh dưới chân tượng Phật. Tuy nhiên, vì không ai biết chữ nho nên cũng không quan tâm lắm liền để cuốn kinh ngoài đống gạch.
Chùa cổ nghìn năm và câu chuyện tượng đất hóa vàng
Cho đến khi bạn hộ tự kiểm kê tài sản, đồ thờ mới phát hiện cuốn kinh và mời một số nhà nghiên cứu tìm hiểu. Sau khi các chuyên gia xác định đó là cuốn kinh Di Đà cổ quý giá có một không hai, ban trị sự cắt cử nhau trông cuốn kinh này.
Theo một số nhà nghiên cứu, cuốn kinh Di Đà được sao in từ bản gốc của chùa Kim Liên (Tây Hồ - Hà Nội). Trước đó, ngôi chùa cổ cũng chịu chung số phận bị đốt phá sau thời kỳ khởi nghĩa thất bại của Phan Bá Vành chống triều đình nhà Nguyễn. Cuốn kinh có thể do vị sư hoặc tín đồ nào đó tiến cúng.
Theo quan sát, chữ trong sách cổ được viết trên giấy dó, bìa bồi cậy nên rất cứng, các nét chữ vẫn rõ ràng. Đây được xem là cuốn kinh cổ được bảo quản, giữ gìn lành lặn nhất.
"Về bia ký thì văn bia ở Cảnh Linh cổ tự chưa phải là cổ hay hiếm, nhưng về mặt kinh sách thì tôi chưa thấy cuốn nào cổ hơn cuốn Di Đà ở chùa cổ làng Trà Lũ. Bởi thế, ban trị sự cũng như cơ quan chức năng cần có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ cuốn kinh quý giá này". - Dịch giả Đỗ Trác.