Lời Phật dạy

Phật nói: “Oán gia không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành”

Thứ bảy, 21/02/2023 03:40

Từ oán gia trong pháp thoại là người có tâm oán thù và cũng chính là kẻ thù của mình. “Oán gia thì không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành” có nghĩa người có tâm oán thù thì không muốn kẻ thù được an vui ngủ nghỉ.

Audio

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bảy pháp oán gia để gây thành oán gia; tức là khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế. Những gì là bảy?

Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành. Vì sao oán gia không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy tuy nằm trên giường vua, trải bằng thảm lông chim, phủ bằng gấm vóc lụa là, có nệm mềm, hai đầu kê gối, được phủ bằng thảm quý, bằng da sơn dương, nhưng giấc ngủ vẫn âu lo, đau khổ. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ hai để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Oán gia, số 129 [trích])

Phật dạy luyện tâm như luyện kim

3

Từ oán gia trong pháp thoại là người có tâm oán thù và cũng chính là kẻ thù của mình. “Oán gia thì không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành” có nghĩa người có tâm oán thù thì không muốn kẻ thù được an vui ngủ nghỉ.

Kinh tạng Pali tương đương pháp thoại này được dịch như sau: “Lại nữa, này các Tỳ-kheo, người thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: ‘Mong rằng kẻ này ngủ một cách khổ sở!’. Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, người thù địch không hoan hỷ kẻ thù địch của mình ngủ một cách an lành. Này các Tỳ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, dầu có nằm trên ghế dài, nệm trải bằng len, chăn len trắng, chăn len thêu, nệm bằng da con sơn dương, tấm khảm với lọng che phía trên, ghế dài có đầu gối chân màu đỏ. Tuy vậy, họ vẫn ngủ một cách khổ sở, vì bị phẫn nộ chinh phục. Này các Tỳ-kheo, đây là pháp thứ hai, được người thù địch ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến người phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn ông”.

Người có tâm oán thù, bị sân hận chi phối, bị phẫn nộ chinh phục nên thường khởi tâm ác, hại người, mong kẻ thù ngủ nghỉ trong dằn vặt, khổ sở; không vui khi biết kẻ thù ngủ nghỉ an lành. Chưa biết sự mong muốn ác của mình có tác động tới người được hay không nhưng trước mắt chính mình đang bị tổn hại. Vì tâm bị nóng giận thiêu đốt nên người có lòng oán thù luôn nóng nảy, bồn chồn, bức bối. Cho dù được ngủ trong điều kiện lý tưởng, chăn ấm nệm êm thì vẫn không thể nào yên giấc được, tự mình đang làm hại chính mình.

Vì thế hãy niệm tâm từ, bỏ buông thù hận cho tâm hồn thơ thới, nhẹ nhàng. Hãy mong cho mọi người luôn được an lành, bất kể ngày hay đêm, khi thức cùng khi ngủ thì mình mới thực sự an lành. Dĩ nhiên tâm từ không phải được chế tác dễ dàng mà phải kiên trì thực tập, chân thành ban rải đến vô lượng. Tâm từ sẽ dập tắt hận thù, tưới mát nóng giận, lan tỏa yêu thương. Sau khi có được vài phần thành tựu tâm từ, bấy giờ mới hướng đến kẻ thù, những người gây khổ cho mình, những người mình không thích, tất cả đều mong cho họ được an vui. Làm được như vậy là cách tự cứu mình, đưa mình thoát ra vòng kiềm tỏa của lòng sân hận do chính mình tạo ra.

loading...