Kiến thức

Tâm từ vi diệu

Thứ bảy, 17/10/2022 01:21

Hẳn ai cũng biết, sân hận nóng nảy là một trong những nguyên nhân căn bản gây nên biết bao tàn hại, đau thương cho chính mình và hết thảy mọi người, mọi loài.

Tâm sân ban đầu chỉ như một đốm lửa nhỏ đã châm ngòi cho một trận đại hỏa tai thiêu rụi tất cả. Nhiều người trải qua các biến cố bi thương đã hối hận thật nhiều về những giờ phút nông nổi thiếu kiềm chế sân si của mình. Nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, làm thế nào để bớt nóng nảy sân si trở thành ưu tư của nhiều người. Đạo Phật dạy lấy nước từ bi để giập tắt lửa hận thù, dùng tâm yêu thương rộng lớn để chế ngự và hóa giải sân hận.

Ai cũng có sẵn hạt giống từ bi nhưng nếu không nuôi dưỡng và tưới tẩm thì tâm từ không sinh trưởng. Cho nên, tu tập nuôi lớn tâm từ là một trong những pháp môn căn bản của những người con Phật. Mỗi ngày chúng ta nên thiền quán rải tâm từ rộng ra khắp mười phương, nguyện yêu thương không phân biệt và không làm tổn hại bất cứ sinh vật nào. Nhờ thực tập tinh chuyên nên tâm từ ngày mỗi lớn dần lên và đủ sức mạnh để phát huy diệu dụng khi tâm bị sân hận chi phối.

Từ bi và trí tuệ vốn có mặt trong nhau nên có từ bi là có sự sáng suốt, thấu hiểu.

Từ bi và trí tuệ vốn có mặt trong nhau nên có từ bi là có sự sáng suốt, thấu hiểu.

Thường thì người ta hay nghĩ rằng phải dùng sân hận mới có thể khắc chế sân hận, họ bốn chín thì ta cần phải năm mươi, và hậu quả là cả hai bên đều tổn hại. Người học Phật thì không hành xử như vậy, dùng từ bi để chuyển hóa sân hận, để hóa giải hận thù. Bởi lẽ từ bi có công năng vô cùng mầu nhiệm. Đức Thế Tôn đã dạy về sự vi diệu của tâm từ như sau:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nên thực hành tâm từ, lưu truyền rộng lớn tâm từ. Do thực hành tâm từ, tâm sân nhuế sẽ tự tiêu diệt. Vì sao? Tỳ-kheo nên biết! Xưa có một ác quỷ rất xấu xí hung bạo đến chỗ của Thích-đề-hoàn-nhân, leo lên tòa ngồi. Khi ấy chư Thiên cõi trời Ba mươi ba rất là sân giận: “Tại sao ác quỷ này ngồi trên tòa của Thiên chủ ta?”. Khi ấy, chư Thiên vừa khởi tâm sân, ác quỷ kia liền đổi sắc mặt đoan chánh thù thắng hơn thường.

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân đang ngồi tại giảng đường Phổ tập, cùng vui chơi với ngọc nữ. Có vị trời đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân, thưa Đế Thích rằng:

- “Cù-dực nên biết! Hiện nay có một ác quỷ ngồi trên tôn tòa, chư Thiên cõi trời Ba mươi ba rất giận dữ. Chư Thiên vừa khởi sân nộ, quỷ kia bèn biến đổi dung mạo đoan chánh đẹp hơn bình thường”.

Thích-đề-hoàn-nhân bèn khởi nghĩ rằng: “Quỷ này ắt là quỷ thần diệu”. Thích-đề-hoàn-nhân bèn đi đến chỗ quỷ ấy, cách nhau không xa, tự xưng tánh danh:

- “Tôi là Thích-đề-hoàn-nhân, chủ của chư Thiên”.

Lúc Thích-đề-hoàn-nhân tự xưng danh tánh, thì ác quỷ kia bèn biến thành hình thù xấu xí, sắc mặt khả ố. Ác quỷ ấy lập tức tiêu diệt.

Này các Tỳ-kheo! Do phương tiện này nên biết, thực hành lòng từ không lìa bỏ, đức kia cũng như thế.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Mã vương,VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.255)Rõ ràng, như tung một quả đấm vào hư không, chẳng thấy ai hề hấn gì mà chỉ thấy đấu sĩ hụt hẫng, chới với. Ác quỷ thích gây chiến, nóng nảy hung hăng đến gây sự với Đế Thích, nếu Đế Thích kháng cự lại với quỷ cũng bằng tâm nóng nảy hung hăng là đúng ý của quỷ nên sự phấn khích chiến đấu và tàn hại càng tăng thêm. Ở đây, Đế Thích không dùng sức mạnh nhằm đối kháng với ác quỷ mà vận dụng từ tâm để hóa giải, kết quả là bất chiến tự nhiên thành, ác quỷ tự tiêu diệt.

Trong đời sống hàng ngày, khi có người nóng nảy sân si với ta thì chính ta cũng như mọi người xung quanh đều khuyên nên nhẫn nhịn, vì “một điều nhịn chín điều lành”. Nhẫn nhịn không phải vì ta sợ họ mà vì thấy họ quá nóng nảy nên si mê, nhẫn để vụ việc tạm lắng yên, chờ sân si dịu xuống rồi dùng tâm từ mà nói rõ trái phải với nhau thì sẽ tránh được tai họa đáng tiếc. Như vậy, người biết nhẫn nhịn và dùng tâm từ để chuyển hóa sân hận là người có sức mạnh và bản lĩnh hơn.

Từ bi và trí tuệ vốn có mặt trong nhau nên có từ bi là có sự sáng suốt, thấu hiểu. Yêu thương cùng hiểu biết là hai nhân tố quan trọng nâng đỡ và thiết lập nên hạnh phúc cá nhân cũng như cộng đồng. Vì thế hàng Phật tử chúng ta vâng lời Phật dạy “thực hành lòng từ không lìa bỏ” để mang niềm vui, an lạc đến cho mình và người.

loading...