Đức Phật

Quan niệm về Đức Phật

Thứ bảy, 08/03/2021 02:35

Đức Phật là con người như bao nhiêu người khác, Ngài xuất gia làm Sa-môn và thành đạo, Ngài đi thuyết pháp giáo hóa cho đến năm 80 tuổi, Ngài nhập Niết-bàn. Đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni theo lịch sử ghi nhận như vậy.

Tán thán Đức Phật như thế nào?

Nhưng chúng ta vượt trên lịch sử một bước để nhìn về Đức Phật gọi là quan niệm về Đức Phật, thì có nhiều khuynh hướng nghĩ về Đức Phật hoàn toàn khác nhau.

1. Hàng ngoại đạo nghĩ về Đức Phật như thế nào.

2. Phật giáo Nguyên thủy nghĩ về Đức Phật như thế nào.

3. Phật giáo Đại thừa nghĩ về Đức Phật như thế nào.

4. Phật giáo Kim Cang thừa nghĩ về Đức Phật như thế nào.

Trước hết, chúng ta tìm hiểu xem ngoại đạo nghĩ thế nào về Đức Phật và Đức Phật đối với ngoại đạo như thế nào, để chúng ta rút kinh nghiệm hoằng pháp.

Đương nhiên hàng ngoại đạo nhìn về Đức Phật là người đối lập của họ. Vì vậy, trên bước đường truyền giáo của Đức Phật, Ngài luôn gặp chống phá. Ngày nay, chúng ta làm công tác hoằng pháp cũng phải thấy rõ điều này.

Có thể nói Đức Phật đối lập với ngoại đạo, vì họ chủ yếu xây dựng thế giới thần linh là đa thần giáo và nhứt thần giáo. Đây là quan niệm của loài người, hay văn minh của nhân loại ở thời cổ đại. Đối trước những hiện tượng trong trời đất mà con người không giải thích được, nên họ đã thần thánh hóa các hiện tượng thiên nhiên.

Thật vậy, loài người ở thời đó cho rằng xung quanh họ được bao bọc bởi các vị thần và chư thần cai quản con người, nắm quyền sinh sát muôn loài. Rõ ràng sự hiện hữu của các vị thần do con người suy nghĩ, đặt ra, chẳng hạn họ tôn sùng Phạm Thiên là đấng tạo hóa sinh ra con người và muôn loài, vận mạng của con người ở trong tay vị này; ngoài ra còn có vô số thần như thần đất, thần núi, thần sông, thần sấm, thần mưa, thần gió… Con người hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của các thần linh vô hình, nên họ sùng bái, thờ phụng thần linh. Đó chính là nguyên nhân các tôn giáo ra đời, mà chúng ta thường nói rằng có 16, hay 94 ngoại đạo hiện hữu thời Đức Phật tại thế.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Và khi Đức Phật thuyết pháp, chúng ta cũng thấy có sự đối lập với ngoại đạo, vì Phật nhận thấy quan niệm sùng bái thần linh không đúng, mà ngày nay chúng ta gọi là mê tín, dị đoan. Vì vậy, Phật thuyết pháp vẫn phê phán sai trái của ngoại đạo và Ngài chỉnh sửa để đưa vào thực tế cuộc sống được đúng đắn và thích hợp. Vì lập trường của Phật là nhắm đến lợi ích của chư Thiên và loài người, mà con người là chính.

Những điều mê tín không giúp cho con người thăng hoa, nên Phật đã chỉnh sửa, tất nhiên Phật phải đạt trí tuệ cao nhất nghĩa là những gì loài người biết, Phật biết và những gì loài người chưa biết, Phật cũng biết. Việc hoằng pháp lợi sanh của Đức Phật thể hiện rõ nét đặc thù này, những gì ngoại đạo biết là kinh điển của họ, Phật cũng biết và hơn thế nữa, Phật cũng biết bế tắc của họ và Ngài khai tri kiến là chỉnh sửa những lỗi lầm của họ. Vì sao ba anhem Ca Diếp cùng 1.000 đồ chúng, cũng như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên theo Phật. Vì họ bị bế tắc trong suy nghĩ, trong pháp hành, nên tu không đạt kết quả.

Trí tuệ của Phật khai thông bế tắc cho họ thì họ nhìn sáng hơn, tu an lạc hơn. Đó là điểm quan trọng nhất của việc hoằng pháp lợi sanh. Ngày nay, học Phật điều này, muốn tháo gỡ bế tắc và giải tỏa khổ đau cho người, tất yếu chúng ta phải có tầm nhìn theo Phật.

Phật thấy ngoại đạo ra sao. Đối với người lợi dụng tôn giáo, lợi dụng người mê tín, chúng ta xếp qua một bên. Nhưng đối với người tu thiệt, muốn tìm chân lý, nhưng họ càng học, càng tu thì càng bị ràng buộc. Kinh Dược Sư nói ý này rằng người bị tà giáo ràng buộc, Phật Dược Sư khai thị cho họ khỏi đường mê, chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Họ muốn tu nhưng bị tà giáo bày đủ kiểu khiến họ tốn công sức, tiền bạc, nhưng không được gì. Đến khi thực tập pháp Phật có kết quả, họ mới bỏ ngoại đạo, theo Phật. Phật cứu những người sa vào tà giáo thì ngoại đạo bất mãn, thù oán, vì họ bị mất quyền lợi, nên họ chống phá, sát hại Phật. Nhưng Phật có trí tuệ biết ai là người thù oán, muốn sát hại, muốn gây khó khăn và Phật cũng biết cách tháo gỡ, vô hiệu hóa sự chống phá của họ.

Sự vĩ đại của vị thầy có một không hai ở đời

Các anh em hoằng pháp sau này, nếu chưa tìm được cách vô hiệu hóa sự chống phá thì nên tránh, gọi là thệ nguyện an lạc theo kinh Pháp hoa. Riêng cuộc đời giáo hóa của tôi cũng đã gặp trường hợp tương tợ. Có người bị rớt vô tà giáo, đến thưa với tôi rằng con lỡ tin người bạn. Vì ngoại đạo muốn lợi dụng người giàu có, mới cho người đến dụ dỗ. Người bị dụ không phải họ tin theo, nhưng đi theo người bạn đến chỗ nào đó có thờ tượng Di Lặc. Vì là Phật tử thấy tượng Phật thì tin và lạy Phật. Ông thầy đọc bài kinh nhưng bà này nói không biết là gì. Khi kết thúc buổi lễ, người bạn nói ông thầy quy y cho bà và đã làm sớ tâu lên thiên đình rồi, bà đã trở thành tín đồ theo họ, nếu không theo sẽ bị ngũ lôi đánh năm lần làm cho tan xác tan hồn. Tôi bảo bà đưa phái điệp để tôi hóa giải. Tôi đốt tất cả trước tượng Quan Âm rồi bảo bà về lo tu, ngũ lôi không đánh đâu. Mình cứu người, giải quyết việc này thì bị họ thù. Anh em nên cẩn thận, chưa đủ đạo lực thì nên tránh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trở lại việc trước tiên Phật khai ngộ cho năm anh em Kiều Trần Như, vì năm ông này tu bị bế tắc, tu khổ hạnh không có lối ra và tuổi càng ngày càng lớn mà pháp tu không có kết quả thì phải khổ chứ. Phật khai ngộ cho các ông, đầu tiên Phật dạy pháp Tứ Thánh đế, hay thực tập pháp Tứ niệm xứ được giải thoát liền. Các ông nghe lời Phật dạy, chỉ cần quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã là cảm nhận được cuộc sống nhẹ nhàng, an lạc. Về sau, Phật mở rộng thêm 37 Trợ đạo phẩm, nhưng căn bản giải thoát của năm anh em Kiều Trần Như là thành tựu quán pháp vô ngã. Cốt lõi của Phật giáo Nguyên thủy cũng tu quán pháp vô ngã.

Tôi có người bạn Nam tông xuất gia đã 40 năm vẫn trụ trong pháp vô ngã của Tứ niệm xứ. Vị này nói mình sanh không gặp Phật. Trước khi Phật Niết-bàn, A Nan thưa Phật rằng chúng con phải nương pháp nào để tu. Phật dạy phải tu Tứ niệm xứ, chứng Niết-bàn. Cho nên ngày nay, vị này vẫn phải nương pháp này tu.

Theo tôi, Phật dùng pháp quán này để khai thông cho năm anh em Kiều Trần Như, nhưng mình lại cố chấp, dùng pháp này để "bế” nghĩa là bị dính cứng vô pháp này tu mấy chục năm mà không đạt kết quả gì, trong khi pháp Phật là phương tiện để khai mở bế tắc, nhưng mình lại chấp vô đó. Các ông Kiều Trần Như vì chấp pháp tu khổ hạnh, nên Phật khai để họ buông hết, không chấp vô thân tứ đại này nhờ quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ nên không vướng mắc sự thọ nhận, quán tâm vô thường nên không còn chấp vào những gì người khác hứa hẹn… Phật khai đúng pháp, đúng người, nên tâm năm anh em Kiều Trần Như được an lạc, không bị vướng mắc những thứ xung quanh, gọi là được giải thoát. Giải thoát mở rộng là không kẹt ăn, mặc, ở.

Ngoài ra, pháp Tứ niệm xứ cũng giúp chúng ta không kẹt tình cảm. Cái gốc của giải thoát theo đạo Phật là đoạn dục, khử ái, ly tình. Đạt được ba điều này là giải thoát. Ham muốn có nhiều, nhưng dồn lại có năm thứ chính, gọi là ngũ dục: ham ăn, ham ngủ, ham danh, ham sắc, ham của cải. Dù tại gia hay xuất gia không ham muốn là đạt giải thoát. Tôi thuở nhỏ tập pháp tu này. Tôi nghiệm thấy rõ những gì mình muốn thì không được, những gì mình sợ thì tới. Nhận ra như vậy, tôi không ham muốn và nói chết là cùng, ưa thí mạng, không sợ mà làm được một số việc.

4 sự kiện trước khi Đức Phật thành đạo

Đầu tiên, đoạn ham muốn và tiếp theo là khử ái là tình cảm bên trong. Chúng ta là những người cắt ái ly thân, nhưng trên thực tế có ly được không. Nếu liên hệ với gia đình và suy nghĩ thế gian chúng ta còn, thì thân xuất gia nhưng tâm chưa vào đạo, đó là điều nguy hiểm.Tuệ Trung thượng sĩ có gia đình, cuộc sống bình thường, nhưng ông đã cắt ái, nên lúc ông chết, bà con khóc lóc. Ông liền ngồi dậy bảo không khóc nữa, rồi nhắm mắt chết. Ông thể hiện mẫu người cư sĩ hoàn hảo là: "Cư tài chi sĩ, cư gia chi sĩ, tại gia chí Phật đạo giả”. Ở Trung Quốc có ông Bàng Công Uẩn cũng được như vậy.

Ái cắt được thì trở thành Hiền, không bị tình cảm chi phối là gặp việc đáng buồn giận, đáng lo sợ, nhưng chúng ta không buồn giận, lo sợ, vì chúng ta biết nó là như thế, hay như thị. Điển hình là bà Thắng Man đang cúng dường Phật và chúng Tăng, thì nghe báo tin rằng chồng và con bà đã bị giết chết, bà vẫn bình tĩnh, vì nghĩ rằng họ đã hết số thì phải chết, có khóc thương, họ cũng không sống lại được. Còn bà đang gặp Phật thì cần làm gì.

Khử ái được, đạt Hiền vị, theo Nguyên thủy là đạt được ba quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm, nghĩa là họ đã đoạn được kiến hoặc, tư hoặc.

Và ly tình, đắc A-la-hán. Nếu không khéo, ly tình trở thành gỗ đá. Ly tình không phải là con người vô cảm như robot và trở thành người hung ác. Điểm này là pháp quan trọng nhất của Đức Phật. Ngài không kẹt tình thương nhỏ hẹp với gia đình, nhưng tình thương của Phật trở thành bao la, tới muôn loài chúng sanh gọi là phát tâm Bồ-đề. Vì vậy, đắc quả La-hán không trụ Niết-bàn, nhưng phải phát tâm Bồ-đề. Bản thân ta giải thoát rồi, nhưng đến đây nghĩ đến tứ hoằng thệ nguyện, để tình thương chúng ta trở thành bao la, muốn cứu độ chúng sanh là hành Bồ-tát đạo. Kinh Pháp hoa khẳng định rằng không có người thành La-hán thiệt mà không phát Bồ-đề tâm.

Phật khai tri kiến cho năm anh em Kiều Trần Như đến chỗ cao nhất là đã thành tựu ba pháp: đoạn dục, khử ái, ly tình thì mỗi người đi một phương là đi hoằng pháp.

Ngày nay, nếu các anh em chưa ly dục mà đi hoằng pháp, gặp cám dỗ, lòng dục khởi dậy thì gặp tai họa liền. Trên bước đường tu nên cẩn trọng điều này.

Đức Phật có trí tuệ xác định ý này rõ ràng. Ngài bảo năm anh em Kiều Trần Như nên ngồi yên quán sát Tứ niệm xứ cho chín chắn. Việc ăn uống để Ngài lo.

Làm theo Phật, tôi lo cho các anh em có chỗ nội trú, được học hành đàng hoàng và cũng xin cơm nước cho đầy đủ sức khỏe, các anh em chỉ ráng lo học cho thành tài. Trong khi trước kia Tăng Ni ngoại trú, các anh em phải tự kiếm cơm và tiền học. Ban đầu tôi nói chỉ cần cơm thôi. Gạo cúng dường chùa Phổ Quang rất nhiều, có thể đem về trường cho anh em dùng. Về sau, các Phật tử đã đổi gạo mốc lấy gạo ngon cho trường chúng ta, như vậy là tu hành đã sanh phước.

Mô hình Phật nuôi chúng Tăng tu học thành Hiền Thánh đã hình thành ở Lộc Uyển, nhưng học xong, mỗi người đi một hướng để giáo hóa chúng sanh, nghĩa là đã có trí tuệ, có bản lĩnh, biết người nên tránh, người nên đến khai thông bế tắc.

Còn Phật thì nương Phật tu, nhưng sau khi Phật vào Niết-bàn mới có quan niệm về Đức Phật. Trước tiên, không có Phật thì nương theo pháp Tứ niệm xứ, sau gọi là Tứ Thánh đế là chính.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ hai là chúng ta y theo giới luật, lấy giới luật làm thầy. Tuy nhiên, nên hiểu đúng điều này, vì nếu y vào giới luật mà lại cố chấp, chúng ta sẽ bị ràng buộc, không được giải thoát.

Nương giới luật của Phật thì 250 giới của Tỳ-kheo mà ta giữ được sẽ trở thành oai nghi của Tỳ-kheo, nên 250 giới nhân cho 4 oai nghi thành 1.000 oai nghi. Giữ giới như vậy nhằm rèn luyện chúng ta trở thành người đức hạnh có oai nghi. Như vậy, chúng ta tập từ việc đi, đứng, ngồi, ăn, nói năng, nghĩa là giới luật rèn luyện cử chỉ, hành động của chúng ta cho đúng với tư chất người tu gọi là oai nghi. Và 1.000 oai nghi kết hợp với ba nghiệp thân, khẩu, ý là có 3.000 oai nghi.

Một Tỳ-kheo phải tập đủ 3.000 oai nghi mới được xuất sư. Thực tế nhiều người thụ giới nhưng không ở với thầy, ra đời sớm quá thành hư hỏng.

Vì vậy, cần y vào giới luật để rèn luyện thành tựu 3.000 oai nghi; không được buông bỏ giới. Nhưng người cố chấp ôm luật đọc thuộc lòng, coi chừng rơi vào bệnh chấp giới điều, không thăng hoa trí tuệ thì trái với ý Phật dạy.

Thật vậy, Phật dạy chúng ta nương vào pháp Tứ niệm xứ và giới luật, nhưng nương theo đó để tiến lên Hiền Thánh trên đường đạo. Ý này Phật thường ví như qua sông cần thuyền bè; lên bờ tất nhiên không cần thuyền bè mà lại cõng thuyền bè theo thì…

Giới luật giúp chúng ta an toàn trong việc tu hành, nhưng được an toàn, được bình yên rồi để chúng ta phát huy trí tuệ, tu cho đắc đạo, cho thành Thánh. Không phải được bình yên rồi chấp vào đó mà thụ hưởng, không tiến tu cao hơn.

Vì vậy, sau khi Phật vào Niết-bàn, người tu coi giáo pháp là Pháp thân Phật, gọi là giáo pháp Pháp thân, đó là pháp Tứ niệm xứ, mở rộng là Tứ Thánh đế. Lấy pháp này làm Phật. Cho nên nói rằng giáo pháp còn coi như Phật còn là lấy giáo pháp làm Phật. Nhận thức như vậy, người ta tôn thờ pháp, kính trọng pháp, nên lạy kinh từng câu, từng chữ, nghĩ lạy như vậy được phước.

Sau này, tu hành, trí tuệ mở ra thì thấy khác. Điển hình là Trí Giả đại sư lý giải rằng pháp Phật gồm có pháp phương tiện và pháp chân thật. Ban đầu chúng ta nương pháp phương tiện, nhưng tu đắc đạo thì chứng pháp chân thật. Thực tế cho thấy trải qua công phu thể nghiệm pháp phương tiện như lạy từng câu kinh, trí tuệ bừng sáng, giúp chúng ta thấy khác.

Pháp chân thật thì ly ngôn thuyết, ly văn tự và ly tâm duyên. Lý giải ý này, Trí Giả nói trên bước đường tu, bỏ kinh Pháp hoa văn tự trước là ly văn tự. Và ly văn tự, ly ngôn thuyết, thì ly được tâm duyên, mới chứng được pháp chân thật, mà Ngài gọi là vô tự chân kinh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đức Phật thành đạo đã xóa tan màn vô minh u tối của loài người

Ngài Liên Hoa Sanh của Phật giáo Tây Tạng thu gọn tinh thần Pháp hoa thành một câu thần chú là Om Ma Ni Pad Mê Hum. Và hiểu sâu câu này là đạt tới ly tâm duyên thì tâm chúng ta bừng sáng, đó là viên ngọc nằm trong hoa sen. Thân chúng ta là hoa sen vì đã đoạn dục, khử ái, ly tình và tâm chúng ta là viên ngọc, tức chứng chân lý, hay đó là vô tự chân kinh. Nói cho dễ hiểu, tâm chúng ta đã bừng sáng, thấy sự vật đúng như sự thật, lúc đó chúng ta trì được chân kinh.

Ban đầu tu pháp phương tiện, nhưng trí tuệ lần mở theo Đại thừa, cuối cùng buông hết, sống với tâm thanh tịnh, sáng suốt, vượt được tất cả chướng ngại. Học Phật là học lý này.

Và chứng được giáo pháp Pháp thân, nhìn Phật lại thấy khác, vì chúng ta không theo thân tứ đại của Phật nữa, nhưng theo trí tuệ của Phật, theo hành động của Phật. Phật khác mọi người, Ngài là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì mọi việc làm của Ngài, tức ba nghiệp thân khẩu ý của Phật đều do trí tuệ chỉ đạo. Nhận thức như vậy, Phật giáo Đại thừa nhìn Phật là nhìn lời nói, nhìn hành động, nhìn việc làm, nhìn trí tuệ của Ngài để chúng ta phát huy trí tuệ của mình, chỉnh sửa ba nghiệp thân khẩu ý của mình theo Phật là tu, không phải tu mù.

Như vậy, theo quan niệm Đại thừa có Báo thân Phật là hành động và suy nghĩ của Phật. Và kết hợp tư tưởng này với Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật có Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa sanh thân.

Đối với Ứng hóa sanh thân Phật thì quan niệm của Đại thừa và Nguyên thủy là một.

Báo thân Phật là quan niệm của Phật giáo Đại thừa.

Pháp thân Phật là quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy.

Và kết hợp Pháp thân, Báo thân và Ứng thân Phật, các anh em tu sẽ nhận thấy Pháp thân Phật không chỉ hiện hữu trong giáo pháp Phật, nhưng Pháp thân Phật đã chuyển thành chân lý. Ta căn cứ vào đâu để nói như vậy.

Đức Phật từng xác định rằng những gì Ngài nói như lá trong tay, những gì Ngài chứng đắc và thể hiện lợi lạc trong cuộc sống cho chư Thiên và loài người ví như lá trong rừng. Thật vậy, Pháp thân Phật rõ ràng đã trở thành sự sống của nhân loại trên khắp năm châu bốn biển. Lý thậm thâm vi diệu này được kinh Pháp hoa diễn tả rằng Phật thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử. Nghĩa là bao giờ còn chúng sanh tồn tại thì việc giáo hóa độ sanh của Đức Phật vẫn còn tác động hữu hiệu cho muôn loài.

loading...