Kiến thức

Ta thấy ai như thế nào là vì trong ta cũng đang có điều đó

Thứ năm, 27/02/2024 04:30

Nếu ta không có hạt giống buồn giận trong lòng thì ai đó làm hoặc nói điều gì cũng không khiến ta buồn giận được. Cũng giống như một cái giếng khô không có nước thì dù ai đó dùng bất cứ phương tiện gì để lấy nước từ giếng khô đó, cũng sẽ không bao giờ có được nước.

Trong cuộc sống nếu mỗi chúng ta không trải nghiệm đủ và giống như những gì những người xung quanh ta đã trải nghiệm, đã đi qua thì ta không bao giờ hiểu được họ đúng và sâu sắc cả.

Kinh nghiệm của mỗi người về buồn vui, thương ghét, giận hờn, thành công và thức bại...sẽ lưu lại trong vùng kí ức của não bộ, sẽ lưu lại nơi tàng thức hay còn gọi là A Lại Da Thức.

Tàng Thức giống như một cái kho và cất chứa mọi loại hạt giống trong đó. Hạt giống này chính là những trải nghiệm hằng ngày mà chúng ta đã trải qua với tất cả những cung bực của cảm xúc như buồn, vui, thương, ghét, giận, hờn, hạnh phúc, khổ đau, chánh niệm...

Những hạt giống này khi nó phát khởi lên trên vùng ý thức thì ta gọi chúng là Tâm Hành. Còn nếu vẫn đang nằm ngủ dưới chiều sâu tâm thức, vẫn đang còn nằm ở Tàng Thức thôi thì ta gọi chúng là hạt giống hay chủng tử.

Cách ta nhìn thế giới, phản ứng lại thế giới thật sự dựa trên những hạt giống sẵn có này nơi tàng thức.

Nếu ta không có hạt giống buồn giận trong lòng thì ai đó làm hoặc nói điều gì cũng không khiến ta buồn giận được. Cũng giống như một cái giếng khô không có nước thì dù ai đó dùng bất cứ phương tiện gì để lấy nước từ giếng khô đó, cũng sẽ không bao giờ có được nước. 

Tâm thức tinh khôi là nền tảng, suối nguồn của mọi vẻ đẹp

87345025_881304165634919_7690811466647076864_n

Nói một cách dễ hiểu thì tàng thức giống như một khu vườn mà bên dưới khu vườn này đang có nhiều hạt giống chờ đủ điều kiện từ môi trường sẽ nảy nở và phát triển thành cây. Và nếu ta là người làm vườn giỏi thì ta sẽ biết cách thiết kế mảnh vườn tâm của ta thật đẹp. Ta sẽ biết đâu là hoa và đâu là cỏ dại. Ta biết cách chăm sóc tưới tẩm hoa và cũng biết loại dần bớt những cỏ dại.

Hoa là những hạt giống tích cực, hạnh phúc và an vui... trong tâm thức làm cho đời sống ta thêm bình an.

Cỏ dại được ví như như những hạt giống tiêu cực, khổ đau, lo lắng, bất an...

Và tâm thức còn có một khả năng đặc biệt nữa là phản ảnh điều bên ngoài dựa vào những hạt giống đang có trong tâm thức.

Có nghĩa là bạn đã trải nghiệm sự giận dữ, như vậy trong tâm thức bạn đã có hạt giống giận dữ. Và vì bên trong tâm thức bạn có hạt giống giận nên bạn sẽ dễ dàng nhận ra năng lượng giận dữ của những người xung quanh dựa trên sự tương ưng của hạt giống giận bên trong bạn.

Nếu bên trong bạn không có hạt giống giận, chưa từng trải nghiệm qua sự giận dữ là như thế nào thì bạn sẽ không hiểu được sự giận dữ của người đang giận dữ là như thế nào một cách thấu đáo, sâu sắc.

Và thông qua điều này ta còn được hiểu thêm rằng tất cả những tri giác của ta về những người xung quanh cũng đều dựa vào những hạt giống sẵn có trong chiều sâu tâm thức này.

Tri giác của ta về ai đó về một điều gì đó như thế này hay như thế kia là vì ta cũng có cái hạt giống đó, điều đó trong tâm thức hay nói cụ thể hơn là những hạt giống đó đang hiện diện ở kho chứa Tàng Thức và tạo ra những tri giác khi điều kiện ngoại cảnh kích hoạt những hạt giống phát khởi hiện hành lên trên bề mặt ý thức.

Tàng thức của ta và người là hai kho chứa khác nhau, hai khu vườn khác nhau, và tài sản là những hạt giống trong tàng thức, hạt giống nơi khu vườn tâm rất khác nhau.

Do đó khi ta có tri giác với ai đó về một điều gì đó thì thường những tri giác ấy là những tri giác sai lầm, không đúng như thực tại của người đó đang là.

Cái tri giác mà ta đang có về ai đó chỉ là sự phóng chiếu những hạt giống bên trong chính tâm thức ta. Đó là lý do vì sao bạn rất thận trọng với những phán xét của mình dành cho người khác vì tri giác thì thường hay sai lầm hoặc chỉ phản ánh một sự thật rất nhỏ về người đó nhưng phần lớn là phản ánh chính tâm thức của mình, phản ánh chính những hạt giống mà mình đang có, đang được chất chứa ở A Lại Da Thức, Tàng Thức.

Có một câu chuyện vui cửa thiền như thế này, mà sau khi bạn đọc xong rồi bạn sẽ hiểu thêm những điều được viết bên trên.

Câu chuyện này là về thi sĩ Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn.

Một hôm, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn để đàm đạo với Thiền sư Phật Ấn cả ngày. Hai người đối đáp nhau và luận về Thiền, Đông Pha hỏi Phật Ấn:

– Ngài thấy tôi thế nào?

Phật Ấn đáp:

– Rất trang nghiêm, ngài giống như một vị Phật!

Tô Đông Pha nghe nói vô cùng vui thích. Phật Ấn lại hỏi Tô Đông Pha:

– Còn ngài, ngài thấy ta ra sao?

Đông Pha thấy Phật Ấn mập tròn, lại mặc áo đen, bèn đáp ngay:

– Ngài giống như một đống phân bò!

Phật Ấn không nói gì. Đông Pha cho rằng mình đã thắng một keo, lòng rất sung sướng, về nhà hớn hở kể với em gái của mình.

– Này em, hồi nào tới giờ anh bị lão thiền sư Phật Ấn cho đo ván mãi, đấu không lại ông ta. Không biết hôm nay lão thiền sư trở cờ hay học sĩ này gặp may mà Ấn lão không còn lời để nói, không có lý để trình đấy.

Nói rồi bèn thuật lại chuyện luận chiến vừa qua. Em gái của Tô Đông Pha thiên tư hơn người, tài hoa xuất chúng, nghe anh mình kể xong câu chuyện, liền nói:

– Trời, anh thua đậm rồi!

Đông Pha tức quá mắng:

– Ta làm sao lại thua? Nếu ta thua sao ông ấy không nói một lời nào?

Em Gái Tô Đông Pha nói:

– Này anh, em hỏi anh, Phật quý hay phân bò quý?

Đông Pha nói:

– Đương nhiên là Phật quý rồi!

Em gái Tô Đông Pha nói:

– “Phật Ấn thấy Phật, nhìn anh ngài cũng thấy anh giống như một vị phật vì trong tâm ngài chỉ toàn là phật. còn anh thấy phân bò, thế có phải là anh thua không? Ấn lão thiền sư hoàn toàn thắng chứ còn gì nữa”.

Đông Pha nghe em mình nói thế, như bong bóng xì hơi, biết rằng bị rơi vào tròng của thiền sư Phật Ấn, thua một phen khá nặng.

loading...