Đức Phật
Tái hiện cuộc đời Đức Phật Thích Ca qua tranh (Phần 2)
Thứ bảy, 10/03/2020 07:10
Sau khi dứt bỏ cuộc sống vương giả trong cung điện, Thái tử Tất Đạt Đa đã dày công tu hành và thành tựu đạo quả, trở thành vị Chính Đẳng, Chính Giác tối thượng khắp thế gian.
Tái hiện cuộc đời Đức Phật Thích Ca qua tranh (I)
Mặc dù nhiều lần bị ngoại đạo hãm hại nhưng vì lòng từ bi Ngài đi khắp nơi hóa độ và thuyết Pháp để cứu giúp chúng sinh ra khỏi khổ đau. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài để lại cho chúng ta một kho tàng giáo Pháp vô cùng vi diệu và màu nhiệm.
Phần 4. Thái tử tầm sư học đạo và tu khổ hạnh trước khi tìm ra chân lý
Sau 5 năm tầm sư học đạo, Thái tử Tất Đạt Đa đi tìm tất cả những vị thầy danh tiếng dạy cho mình các phương pháp tu tập. Đến với vị thầy nào Thái tử cũng trở thành vị đệ tử xuất sắc nhất trong thời gian ngắn. Dù đã học hết những kiến thức của các vị thầy, nhưng Ngài chưa thỏa mãn, chưa thấy giác ngộ, chưa thấy được chân lý tuyệt đối.
Ngài từ biệt tất cả những vị thầy trước đó đến tu theo lối khổ hạnh cùng năm anh em ông Kiều Trần Như. Có những ngày Thái tử ăn ngày một hạt đậu, một hạt vừng hay hạt lạc. Cho nên thân thể gầy mòn, hốc mắt trũng sâu. Ngài ép sát khổ hạnh đến như vậy nhưng cũng không thấy sáng kiến ra được chân lý, mà lại thấy cơ thể mệt mỏi.
Hôm ấy, khi cơ thể hết dinh dưỡng, Ngài ngã quỵ trên đất. Rất may, một cô gái trong làng đã mang sữa dê đến cúng cho Ngài. Uống sữa xong, Ngài tỉnh dần, sức khỏe hồi phục. Ngài thấy khổ hạnh không đem lại lợi ích và trí tuệ. Ngài cũng nhận thấy chỉ con đường trung đạo mới có thể dẫn đến giác ngộ chân lý. Ngài quyết định sống cuộc sống trung đạo, tức là vẫn phải có ăn uống để có sức khỏe, tâm trí sáng suốt.
Sau khi thọ xong bát sữa, Thái tử đến bên bờ Niranjana, thả chiếc bát xuống dòng sông Niranjana phát nguyện:“Ta nguyện đạt được giác ngộ rốt ráo, nếu lời nguyện của ta thành sự thật thì chiếc bát này sẽ trôi ngược dòng”. Khi lời nguyện vừa dứt, một luồng nước xoáy đã làm cho chiếc bát trôi ngược dòng.
Cuộc đời Đức Phật qua 61 bức tranh của Myanmar
Phần 5: Tu hành dưới cội cây Bồ Đề và giác ngộ
Sau khi Thái tử quyết định bỏ con đường tu khổ hạnh đi theo con đường trung đạo, năm anh em ông Kiều Trần Như cũng bỏ đi. Ngài chọn một gốc cây to, rộng để ngồi thiền dưới tán cây. Ngài dũng mãnh phát nguyện: “Dù máu huyết khô cạn, dù chỉ còn gân, xương và da; ta quyết không rời nệm cỏ này nếu ta chưa đắc thành quả Phật”.
Khi Ngài ngồi dưới cội cây Bồ Đề, Ma vương kéo đến tìm cách phá không cho Ngài đạt đạo nhưng hoàn toàn thất bại. Ngài không chỉ chiến đấu với ngoại ma mà Ngài còn chiến đấu với nội ma là: Phiền não ma, Ngũ uẩn ma, Pháp hành ma, Tứ diệt ma, và Chư thiên ma.
Vào đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc, Ngài thành tựu đạo quả, trở thành vị Chính Đẳng Chính Giác tội thượng khắp thế gian khi Ngài vừa 30 tuổi.
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Đến đêm 49, khi tâm hoàn toàn lắng trong, an định hoàn toàn, tất cả mọi phiền não trong tâm Ngài đều dứt trừ hết thì một cái tâm trong sáng, thuần tịnh như vậy, Ngài chợt thấu tỏ hết tất cả mọi lẽ huyền vi của vũ trụ này. Ngài thấy trời đất này ở đâu mà ra, con người từ đâu mà có, kiếp người tại sao lại phải già, phải bệnh, phải chết, tại sao người ta không trẻ mãi được. Và con người ta chết rồi còn hay hết, Ngài cũng biết, Ngài biết hết, chết rồi còn đi đâu. Ngài nói rằng: “Ta như người đứng ở trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy người này đến ngã tư rẽ trái, người này đến ngã tư rẽ phải, người này đến ngã tư đi thẳng”. Ngài nhìn rõ. Chúng sinh ở cõi này chết rồi, bỏ thân này rồi tái sinh đi đâu, Ngài nhìn thấy rất rõ ràng. Ngài mới biết: “À, chân lý mình thấy đây rồi”, không còn một cái gì che mù trí tuệ của Ngài nữa, sáng tỏ hoàn toàn. Trí tuệ sáng tỏ hoàn toàn đấy gọi là giác ngộ, toàn giác, Đức Phật là người toàn giác”. Khi Đức Phật đắc đạo, Ngài phát sinh ra rất nhiều công năng diệu dụng mà trong kinh nói là lục thần thông. Ngài có thiên nhãn thông nhìn thấy khắp tất cả, xuyên qua tường vách, núi non. Thiên nhĩ thông nghe khắp tất cả mọi nơi, mọi thế giới, không có gì ngăn cản được. Rồi tha tâm thông biết tâm ý của người khác, rồi Phật có thần túc thông, là biến hóa. Ngài cũng có túc mạng thông, tức là biết được vô số kiếp về trước. Ngài có lậu tận thông, tức là sạch sẽ hết tất cả mọi cáu bẩn trong tâm. Tâm hoàn toàn thanh tịnh, gọi là cực tịnh, thanh tịnh quang minh ở tâm.
Phần 6: Cuộc đời Đức Phật Thích Ca trong quá trình giáo hóa
Sau khi chứng thành quả vị Phật, Ðức Thế Tôn chuyển bánh xe Pháp, thuyết giảng cho 5 anh em Kondanna (Kiều Trần Như) tại Lộc Uyển (vườn Nai), ở Sarnath gần Varanasi (Ba La Nại). Sư Phụ chỉ dạy: “Sau khi Đức Phật đắc quả thành Phật giác ngộ, Ngài đã đi tuyên giảng giáo lý, tuyên giảng con đường đạt đến chân lý. Ngài đã đi tuyên giảng, Ngài tiếp độ năm anh em Kiều Trần Như rồi xây dựng Tăng đoàn, làm cho Tăng đoàn lớn mạnh lên. Lúc ấy, ở Ấn Độ là có rất nhiều ngoại đạo khác nhau. Có đến chín mươi sáu tôn giáo, đạo giáo khác nhau. Nhưng mà Đức Phật ra đời thì gần như các tôn giáo, đạo giáo kia bị lu mờ đi hết, người ta về theo Đức Phật hết, đấy là điều đặc biệt”.
Những pháp thoại ý nghĩa của Đức Phật trong phim Cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Buddha)
Tại xứ Ưu Lâu Tần Loa có ba anh em thuộc dòng họ Kassapa tu theo đạo thờ thần lửa. Đức Phật biết ba người này có thể độ nên Ngài tìm cách đến để giáo hóa. Buổi tối ở lại qua đêm, ba anh em ông đạo sĩ sắp xếp để Đức Phật nghỉ tại bên trong hỏa viện. Khi nghỉ được một lát, có một con rắn rất lớn bò ra, phun phè phè các nọc độc về phía Đức Phật. Với đức tính hiền từ của Phật, độc long trở nên cảm mến và không phun độc ám hại Phật. Sau đó, ba anh em ông đạo sĩ cùng với đệ tử xin theo Phật tu hành.
Sau mùa an cư đầu tiên, Đức Phật dạy 60 đệ tử xuất gia đầu tiên: “Các con mỗi người mỗi ngả, hoằng dương giáo Pháp vì lợi ích thế gian”.
Đức Phật về lại kinh thành thăm lại cố hương. Khi thấy con khất thực ngoài đường, vua Tịnh Phạn bất nhẫn, chạy đến trách hờn. Tuy nhiên, Đức Phật nắm tay cha thân mật, vừa đi vừa tâm sự với cha. Phật giảng cho vua nghe về những chân lý cao quý và con đường dẫn đến chấm dứt tất cả khổ đau.
Khi Đức Phật rời cung thành thì La Hầu La xin đi theo Phật. Đức Phật dạy Tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) xuất gia cho Rahula (La Hầu La) khiến vua Tịnh Phạn không vui. Đức vua yêu cầu từ nay không làm lễ xuất gia cho ai khi chưa được cha mẹ chấp thuận và Đức Phật đã đồng ý.
Ngài còn giải quyết tranh chấp giữa hai vương quốc Sakya và Koliya (quê nội và quê ngoại của Đức Phật). Hai bộ tộc Sakya và Koliya tranh chấp về nguồn nước của con sông Rohini, không bên nào chịu nhường bên nào. Đức Phật đã thị hiện đúng thời điểm để giảng hòa. Ngài khéo léo chỉ rõ cho cả hai bộ tộc thấy sự tạm bợ của vật chất, của phương tiện sinh nhai và chỉ ra cái cao quý của sinh mạng, của phẩm vị con người, của tình đoàn kết.
Sunita – thuộc giai cấp Chiên Đà La được Phật cho phép xuất gia. Sự kiện này làm chấn động cả xã hội vốn kỳ thị giai cấp bấy giờ.
Cư sĩ Anatha Hindka (Cấp Cô Độc) trải vàng mua đất của Thái tử Jeta (Kỳ Đà) để xây Kỳ Viên tịnh xá cúng Phật và Tăng chúng. Ông Cấp Cô Độc không chỉ được tôn kính vì hành động cúng dường khu vườn quý cho Phật, mà còn vì lòng tốt rất mực, sự mộ đạo rộng lớn và sự bảo hộ chư Tăng của ông.
Với khát vọng lãnh đạo Tăng chúng, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) lăn đá từ núi cao định ám hại Đức Phật. Khi lăn xuống gần tới chỗ Phật, tảng đá bị chặn lại bởi những mô đá khác nhưng sức va chạm mạnh làm nó bể một phần, văng ra vài mảnh nhỏ. Một mảnh đá văng trúng vào chân trái của Phật, làm chân Phật chảy máu.
Để tiếp tục thực hiện âm mưu của mình, một buổi sáng nọ, Đề Bà Đạt Đa xúi giục vua A Xà Thế thả con voi say để hãm hại Phật. Con voi này có tiếng là hung dữ, được hoàng cung nuôi và canh giữ cẩn thận. Nó mà xổng ra khỏi chuồng thì nhất định sẽ có hàng trăm người chết vì nó. Khi thấy nó, dân chúng hai bên đường phố đều hoảng sợ. Con voi chạy tới còn cách Phật mươi bước thì bị Phật chế ngự. Nó bỗng đứng khựng lại, rồi quỳ mọp xuống trước Ngài, vòi, tai, đuôi đều cụp lại hết. Ngài tiến đến sờ đầu nó và bảo nó đứng lên. Rồi Ngài đích thân dắt nó đem trả về cho chuồng voi hoàng cung.
Bị ngoại đạo mua chuộc, nàng Cinca giả mang thai đến hội chúng vu cáo Đức Phật. Việc bại lộ, nàng xấu hổ bỏ đi. Sau đó, nàng chết vì đất sụp.
Đức Phật cảm hóa Angulimala – kẻ cuồng sát giết người lấy ngón tay kết thành chuỗi. Sau đó, vị này xuất gia tu tập, trở thành Thánh Tăng.
Vua Lưu Ly vì thâm thù với dòng họ Thích Ca nên kéo quân để tiêu diệt. Đức Phật ngồi tại biên giới can ngăn ba lần.
Đức Phật đích thân chăm sóc Tỳ-kheo bị bệnh và dạy dỗ đại chúng về tinh thần tương trợ. Ngài tuyên bố với những Tỳ-kheo khác rằng: “Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta. Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh”. Ngài cũng đưa việc chăm sóc người bệnh làm thành Giới luật.
Đức Phật cho phép trồng cây Bồ Đề ở chùa Kỳ Viên để tứ chúng đến chiêm bái những lúc Ngài vắng mặt.
Đức Phật dạy các Tỳ-kheo: “Như hoa dại khéo kết, sẽ thành tràng hoa đẹp. Cũng vậy thân sinh tử, nhiều thiện sự tác thành”.
Phần 7: Cuộc đời Đức Phật Thích Ca khi Ngài nhập Niết bàn
Vào đêm Rằm tháng Hai hơn 2600 năm trước, tại rừng cây Sala, thôn Pava, xứ Câu Thi Na, Ngài độ ông Subhadda làm đệ tử xuất gia cuối cùng. Sau đó, Ngài nhập Niết bàn; cả đất trời rúng động vì mặt trời trí tuệ đã lặn xuống.
Sau lễ Trà tỳ kim thân Phật, sứ giả các nước đến đòi sở hữu Xá Lợi Phật. Để hòa giải tranh chấp, Bà La Môn Dona phân Xá Lợi làm tám phần chia đều cho tám nước.
Đã hơn 2600 năm trôi qua nhưng gương sáng của Đức Phật vẫn như mặt trời chân lý soi rọi khắp thế giới. Đức Phật đã thuyết ra giáo lý chân thật giúp chúng sinh thoát khổ. Ngài đã sống cuộc đời gương mẫu, cao cả, không quản ngại gian nan vất vả trên mọi nẻo đường để giáo hóa và độ chúng sinh giải thoát khỏi khổ đau. Lòng thương của Đức Phật là vô lượng, ân đức ấy là vô biên. Đức Phật đã mở ra con đường chân lý tối thượng, mong rằng những người con Phật ngày nay và vô lượng kiếp về sau sẽ gắng công tu học để không phụ ân đức vĩ đại của Người.
Nguồn: Chùa Ba Vàng