Sống an vui
Tấm lòng lương thiện
Thứ hai, 05/03/2021 10:05
Người có lòng tốt không chỉ đơn thuần là người hay giúp đỡ tha nhân, mà phải là người có hiểu biết, có đạo đức và có tình thương. Có lòng tốt mà thiếu hiểu biết, không sáng suốt, nhiều khi không giúp đỡ được ai mà còn làm hại người khác.
Việt Nam trở thành quốc gia hạnh phúc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Theo quan điểm của đạo Phật, chúng sinh luân hồi trong sáu cảnh giới là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, người và trời. Bốn cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la, trời chúng ta chưa nhìn thấy; chỉ nhìn thấy hai cảnh giới là súc sinh và người. Súc sinh là những loài động vật bơi dưới nước, bay trên trời, sống trong lòng đất hay trên mặt đất. Giữa động vật và con người có nhiều sự khác biệt:
Về cấu tạo cơ thể, các loài động vật có thể có xương sống hoặc không có xương sống. Loài có xương sống đa phần xương sống nằm ngang, đi lại bằng bốn chân như bò, ngựa, chó, mèo,… Cũng có những loài tiến hóa hơn, có thể đứng và đi lại bằng hai chân như khỉ, gấu,… nhưng chỉ đứng được lúc cần thiết. Còn con người có xương sống thẳng đứng, đi lại bằng hai chân, làm việc bằng hai tay nên rất linh hoạt.
Về giao tiếp, các loài động vật không có hệ thống ngôn ngữ hoàn thiện như con người. Con người có thể nói chuyện, trao đổi, truyền tải với nhau những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình bằng ngôn ngữ, đặc biệt còn có cả chữ viết. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại có ngôn ngữ riêng và sử dụng một hệ thống chữ viết khác nhau.
Về tư duy, khả năng của các loài động vật rất giới hạn. Thí dụ, loài nhện biết giăng tơ kết mạng để ở và săn bắt mồi; các loài chim, ong, mối hoặc kiến đều có thể làm được những chiếc tổ rất đẹp và cầu kỳ phù hợp với cuộc sống của chúng. Tuy nhiên, chúng làm vậy theo bản năng và tập tính của loài chứ không có sự sáng tạo, phát minh. Còn con người cực kỳ thông minh và sáng tạo. Ngược dòng lịch sử, thuở sơ khai con người cũng sống như các loài động vật khác, ở trong rừng và hang động, chỉ biết hái trái cây để ăn. Thế mà ngày nay, bằng trí thông minh của mình, con người đã sáng tạo ra rất nhiều thứ làm thay đổi điều kiện sống của bản thân. Tất cả tiện nghi vật chất mà chúng ta đang sử dụng như: máy nghe đài, xe cộ, ti vi, máy bay, máy chụp hình, máy quay phim, máy điều hòa nhiệt độ, điện thoại di động,… đều là những phát minh của con người.
Vẫn hạnh phúc khi mọi điều chưa hoàn hảo
Về ý thức, các loài động vật sống theo bản năng, không phân biệt việc làm tốt hay xấu, lợi hay hại, đúng hay sai. Còn con người sống có đạo đức, kỷ cương, giới hạnh. Con người biết đâu là việc đúng để làm, sai để tránh. Về xã hội, động vật không phải là loài vô tri mà chúng cũng có tình cảm, biết quan tâm, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp chứ không rộng lớn như con người. Con người không chỉ dành tình thương cho con cái, người thân mà còn thương những ai chưa quen biết. Đặc biệt, người Phật tử còn mở rộng tình thương đến với cả những người thù oán mình.
Như vậy, tấm lòng rộng lớn là một trong những điểm khác biệt giữa động vật và con người. Đã là người thì phải có lòng tốt. Đã là “Nhân” thì phải có “Thiện Tâm”. Người có lòng tốt không chỉ đơn thuần là người hay giúp đỡ tha nhân, mà phải là người có hiểu biết, có đạo đức và có tình thương. Có lòng tốt mà thiếu hiểu biết, không sáng suốt, nhiều khi không giúp đỡ được ai mà còn làm hại người khác. Hoặc đi làm việc thiện mà sống không có đạo đức thì lòng tốt đó cũng chỉ là giả tạo. Thí dụ, có người hay đi giúp đỡ người ngoài, nhưng ở nhà lại đối xử không tốt với cha mẹ, vợ chồng, con cháu và với chính bản thân thì sự giúp đỡ đó thường không bắt nguồn từ cái tâm chân thật. Mình không tốt với mình, không tốt với người thân của mình thì làm sao có thể tốt với mọi người được? Nếu làm việc tốt mà không có tình thương thì lòng tốt đó là miễn cưỡng, bắt buộc, vì danh lợi hoặc để đạt một mục đích nào đó. Thí dụ, mình giúp vì thấy mọi người giúp, vì lãnh đạo, cấp trên bảo mình giúp hay vì tạo mối quan hệ để sau này dễ dàng nhờ vả,… Thực tế, trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp như vậy.