Lời Phật dạy

Tế đàn được Phật tán thán là đàn chay, không sát sinh

Thứ bảy, 24/08/2023 10:00

Thế Tôn ca ngợi và hoan hỷ với những loại tế đàn không có sát sanh. Một tế đàn mà phẩm vật dâng cúng hoàn toàn chay tịnh sẽ tạo ra phước báo lớn vì không có khổ đau của giết hại, chỉ thuần tuý bố thí và cúng dường, được các bậc giới đức chứng minh, chú nguyện.

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Rồi Bà la môn Ujjaya đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Có phải Tôn giả Gotama không tán thán tế đàn?

Này Bà la môn, Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn. Những loại tế đàn nào, này Bà la môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại. Loại tế đàn ấy, này Bà la môn, liên hệ đến sát sanh, Ta không tán thán loại tế đàn ấy. Những loại tế đàn có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán, không có đi đến.

Này Bà la môn, tại những tế đàn nào, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loài sinh vật khác bị giết hại. Này Bà la môn, Ta tán thán loại tế đàn không có sát sanh như vậy, tức là làm bố thí, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Những loại tế đàn không có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán, có đi đến.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Bánh xe, phần Ujjaya, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.629)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lời bàn: 

Tế lễ là một hình thức tín ngưỡng có từ rất xa xưa. Con người thường thiết lập đàn tràng, sắm sanh lễ vật rồi tế lễ để cảm tạ trời đất, thần linh hoặc để cầu xin tha tội hay ân sủng từ những đấng thiêng liêng. Dù tế đàn, một hình thức tín ngưỡng cổ xưa nhưng ngày nay vẫn tồn tại đồng thời có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, nhất là những dân tộc còn duy trì được các sắc thái văn hóa bản địa, truyền thống.

Theo quan điểm của Thế Tôn, Ngài không ca ngợi và không chấp nhận bất cứ loại tế đàn nào có liên hệ đến sự giết hại. Bởi lẽ, lễ phẩm của tế đàn từ xưa đến nay gần như mặc định phải có rượu và máu cùng thịt của chúng sanh. Thậm chí, một vài tế đàn cực kỳ dã man và cuồng tín khi lễ phẩm dâng cúng thần linh không phải súc vật mà là con người, thường thì đó là một trinh nữ xấu số. Thế Tôn và những đệ tử của Ngài cực lực phản đối, không đi đến những nơi cúng tế mà có sự giết hại bởi những cuộc tế lễ này không đem lại lợi ích, không tạo ra phước báo mà chỉ tạo thêm oan nghiệt, giết chóc, khổ đau và thù hận cho chúng sanh.

Tuy nhiên, Thế Tôn lại ca ngợi và hoan hỷ với những loại tế đàn không có sát sanh. Một tế đàn mà phẩm vật dâng cúng hoàn toàn chay tịnh sẽ tạo ra phước báo lớn vì không có khổ đau của giết hại, chỉ thuần tuý bố thí và cúng dường, được các bậc giới đức chứng minh, chú nguyện. Nhờ lễ phẩm tế đàn chay tịnh, nhân sự tế đàn thanh tịnh, chúng sanh được lợi ích bố thí nên chư thiên, thần linh đều hoan hỷ, hộ niệm cho gia chủ được toại nguyện, như ý, lợi ích và an vui.

Trai đàn chẩn tế trong nghi lễ Phật giáo hiện nay cũng là một hình thức tế đàn trang nghiêm và thanh tịnh. Với lễ phẩm trai nghi cùng với tâm tịnh tín bố thí và cúng dường, Trai đàn chẩn tế sẽ mang lại phước báo lớn cho gia chủ, âm dương lưỡng lợi, được Thế Tôn ca ngợi và tán thán.

loading...