Kiến thức
Thực hành cầu an đúng chánh Pháp
Thứ bảy, 25/01/2024 11:45
Cầu nguyện an lành là một trong những nội dung tu tập quan trọng của Phật giáo. Cuộc sống có vô vàn biến động đã khiến cho con người gặp nhiều đau khổ, bất an. Vì thế, mong cầu an yên và thuận duyên trong cuộc sống là nhu cầu chính đáng và cần thiết.
Điều khác biệt đáng nói ở đây là Phật giáo có chủ trương cầu an nhưng không hề cầu xin. Nếu chúng ta bắt gặp đâu đó những sự lạy lục, khấn vái xin Đức Phật ban cho điều này việc nọ thì đó là những người sơ cơ, có niềm tin mà chưa hiểu biết về đạo.
Người Phật tử thuần thành có chánh kiến và chánh tín thì không cầu xin Đức Phật bất cứ điều gì. Nếu họ có khấn nguyện thì chỉ là sự phát nguyện vững tin vào giáo pháp, nguyện sống hướng thiện theo nhân quả, là Thánh cầu (cầu thăng tiến tâm linh, đoạn trừ vô minh và tham ái dục để bước lên các Thánh quả) chứ chẳng phải phi Thánh cầu.
Đạo Phật tuy nói cầu an nhưng thực sự chỉ là tạo phước. Thực tiễn cuộc sống là biểu hiện nhân quả của chính mỗi người, do chính mình tạo ra và thừa hưởng. Đức Phật hay các đấng thần linh nói chung không thể can thiệp vào tiến trình nhân quả này. Nhờ tin hiểu nhân quả nên người Phật tử nỗ lực vun bồi phước báo bằng cách thực hiện các việc thiện lành.
Thế nên, việc Phật tử tham dự các pháp hội cầu an nhằm tu tập lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, bố thí, cúng dường… là đang tạo phước. Phước đức được tạo ra trong hiện tại sẽ là nhân lành và duyên tốt để hình thành nên quả an yên ở tương lai. Khi Phật tử hiểu được bản chất của việc cầu an đúng Chánh pháp thì tự khắc sẽ chuyển hóa tâm niệm cầu xin cùng các hủ tục duơng sao, giải hạn mà chuyên tâm tinh tấn tạo phước.
Cầu an theo tinh thần Kinh Phước Đức
Vấn đề cầu an liệu có được an, có nhiều vấn đề phải bàn. Cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế là có người cầu an thì được an và có người cầu an không được an. Vì sao? Được an hay không an hoàn toàn tùy thuộc vào tiến trình nhân quả của mỗi người. Nhân quả nói đủ phải là nhân-duyên-quả. Từ nhân đến quả có sự chi phối mãnh liệt của duyên. Nhân thuộc về quá khứ (đã tạo), quả thuộc về tương lai (đang và sẽ đến), duyên chính là những gì chúng ta đang làm trong hiện tại. Cần nhớ là duyên hoàn toàn có tính chủ động, tùy vào tác tạo của chúng ta trong hiện tại thiện hoặc bất thiện mà ảnh hưởng tương ứng đến quả trong tương lai.
Nếu duyên lành trong hiện tại (cầu an, tạo phước) đủ lớn mạnh thì sẽ chi phối tích cực đến quả, quả sẽ trổ ra thiện lành. Cụ thể là những quả xấu sắp hình thành sẽ được chuyển hóa; việc xấu lớn thành xấu nhỏ, việc xấu nhỏ sẽ thành không. Những ai cầu an, tạo phước nằm trong trường hợp này thì chắc chắn được an.
Nếu duyên lành trong hiện tại (cầu an, tạo phước) chưa đủ lớn mạnh để chi phối tích cực đến quả, làm lệch hướng những quả xấu thì sẽ không được an. Quan trọng là, dù hiện tại chưa an nhưng hiệu ứng tích cực của các duyên lành vẫn còn đó. Nếu phước đức được tích lũy, vun bồi, gia cố thêm nữa thì an yên sẽ đến.
Đức Phật đã dạy rõ việc này trong kinh Hạt muối (kinh Tăng chi bộ). Một nắm muối mà bỏ vào trong bát nước sẽ không uống được. Nhưng nếu bỏ nắm muối ấy vào nước sông Hằng thì không ảnh hưởng gì. Thế nên, cần tạo ra phước đức như nước sông Hằng. Phước đức sung mãn, tràn trề sẽ hòa tan các nghiệp nhân xấu để trỗ quả an yên.
Do vậy, những ai tin hiểu nhân quả, hiểu rõ cầu an là tạo phước thì chắc chắn người đó đã thực hành cầu an đúng Chánh pháp và chắc chắn sẽ được hưởng quả an yên.
Theo Giác Ngộ.