Kiến thức
Tới được chân linh thỉnh Phật, Bồ-tát hiện thân độ đời
Thứ năm, 08/06/2022 10:10
Muốn tìm tới chân linh của mình phải phá cho được ngũ uẩn và phiền não thì chân linh mới hiện ra. Ngũ uẩn khởi đầu bằng sắc uẩn phá được thì thọ theo đó mất, thọ mất thì tưởng cũng hết.
Bồ tát sợ nhân chúng sinh sợ quả
Chúng ta còn hành uẩn là Mạt-na thức là thức thứ 7 làm nhiệm vụ đem qua và lưu trữ tất cả những gì đã trải qua trong sanh tử từ ý thức đưa vào A-lại-da thức. Nhưng bên ngoài chúng ta đã phá hết ba tầng ngăn che là thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn rồi, không còn gì bên ngoài đem vô được thì nó đem từ bên trong tất cả những việc thiện ác, nói chung tất cả những nghiệp tốt xấu của chúng ta từ nhiều đời chất chứa trong cái kho dự trữ A-lại-da thức mà khởi lên hiện hành thì cũng khởi từ xấu và tốt vì trong cái kho đó đã có đủ hạt giống tốt xấu. Nếu quá khứ chúng ta làm nhiều việc tốt thì hiện tại ngồi yên, việc tốt trong tiềm thức sẽ hiện ra điều tốt và ngược lại, nếu quá khứ đã làm nhiều việc ác, tiềm thức sẽ trỗi dậy điều ác.
Chúng ta tu đem Phật, pháp vào lòng để loại trừ lần những nghiệp ác nhiều đời, tiềm thức chúng ta chỉ còn Phật, Pháp, thì khởi lên hiện hành là khởi lên thiện, chúng ta thấy Phật, nghe pháp, nhưng Phật này do lưu trữ cũng thuộc ảo, không thật, tuy nhiên vẫn còn tốt hơn ác.
Vì vậy, trước khi chết, người tu thường thấy Phật, Bồ-tát, Thánh tăng, còn người ác thấy đòi mạng, chém giết. Thấy Phật, Bồ-tát giúp tâm chúng ta yên lành, điều này chưa phải thật thì tới đây, Phật bảo cũng bỏ nó luôn, tức hiểu biết, suy nghĩ của chúng ta là giả, nên phải bỏ để tiềm thức chúng ta hoàn toàn trống vắng, trong sạch gọi là Bạch tịnh thức thì bấy giờ, ác và thiện cũng hết, Phật, Bồ-tát và ma quỷ cũng hết. Tu Pháp hoa đến chỗ này là bãi đất trống, tu Bát-nhã là tới chơn không, tâm chúng ta hoàn toàn lắng yên, thì còn hành uẩn và thức uẩn chúng ta phải xử lý.
Hành uẩn không khởi vì tiềm thức đã sạch nên vô minh nghiệp tướng không có, không thể khởi lên được. Vì vậy, thế giới sanh diệt và thế giới thiện ác không còn. Ta tới đây là tới chân linh của ta.
Quyết lòng tới chân linh là phải đi tới chỗ này, ác và thiện đều bỏ, tâm thức hoàn toàn trống không thì chân linh chúng ta đạt tới yên tĩnh tuyệt đối, thế giới Phật mới hiện ra. Tới đây chúng ta rơi vô tịnh độ của Phật, Bồ-tát là Thường tịch quang tịnh độ. Điều này dễ hiểu vì thế giới động mất, thì thế giới của Phật hiện ra.
Thường tịch quang tịnh độ là thế giới chân thật nên tới đây, chúng ta mới thấy Bồ-tát kim sắc thân là kinh Pháp hoa nói Bồ-tát Tùng địa dũng xuất mà ở đời không có, chỉ ở Thường tịch quang có các Bồ-tát này. Các Bồ-tát giáo hóa trong mười phương cũng không biết, không thấy được các vị Bồ-tát này.
Từ thế giới Thường tịch quang, chúng ta thấy thêm thế giới Thật báo trang nghiêm tịnh độ là hai thế giới mà người tu sẽ tới. Tới Thường tịch quang hoàn toàn vắng lặng, nhưng trong vắng lặng này mới hiện ra thế giới của Phật, Bồ-tát kết hợp bằng phước đức và trí tuệ thì từ đó các ngài chuyển vật dễ dàng. Thật vậy, cũng vật đó nhưng người không có trí tuệ, không có phước đức, vật trở thành chướng ngại. Thực tế cho thấy đối với người nghiệp nặng ở thế gian, cái gì cũng chướng ngại, vì họ không có trí tuệ, không có phước đức nên không biết sử dụng, không có điều kiện khai thác. Trong khi đối với người có trí tuệ, rừng núi, biển cả, đất đá cũng tốt, cái gì đối với họ cũng tốt vì họ biết sử dụng, chuyển xấu thành tốt.
Thế nào gọi là Bồ tát thực tập từ ba-la-mật?
Đến được Thường tịch quang, sống bằng trí tuệ gọi là huệ mạng, không phải mạng vật chất. Mình có thân vật chất thì giết thân này là mình chết, chấm dứt mạng sống. Nhưng người tu lấy trí tuệ làm mạng, không ai giết được trí tuệ, nên mạng sống người tu trở thành vĩnh hằng bất tử. Vì vậy, tu hành cố gắng tìm mạng thật của chúng ta là mạng trí tuệ không bao giờ chết, không bao giờ mất. Đó là chân tánh của chúng ta, không ai làm gì được chân tánh của mình.
Thấy chân tánh thì không sợ chết, nên nói tu thiền không sợ chết vì họ tu trên chân tánh, mạng của họ là trí tuệ. Họ có trí tuệ rồi, hành Bồ-tát đạo, tạo muôn ngàn công đức do kết duyên được với tất cả chúng sanh. Trước chúng ta không có trí tuệ, không biết đúng đắn về chúng sanh, nên thấy ai cũng xấu ác, nguy hiểm, mới sợ trốn là tu Thanh văn, sợ chúng sanh nên ẩn tu. Nhưng có trí tuệ, chúng ta thấy cái gì cũng tốt và ai cũng tốt.
Nghĩ người xấu là lòng mình đã xấu rồi. Phật nói điều này là vô minh, sai lầm lớn. Phật bảo Địa Tạng vào địa ngục làm gì có người tốt, vì không xấu không vào địa ngục, nhưng ông phải tìm được điểm tốt của người ở địa ngục mà cảm hóa, họ sẽ trở thành tốt. Phật dạy tìm cái tốt của người mà thấy, có trí tuệ rọi thẳng vào con người sẽ thấy được ai cũng tốt, đừng đụng vô cái xấu của họ mà mình khởi ý xấu thì họ xấu liền với mình.
Ngài Phật Ấn tu Hoa nghiêm thấy ai cũng là Phật, cái gì cũng là Phật, không có gì không là Phật, đó là Phật thiệt, Phật đối nghịch với chúng sanh là Phật tương đối.
Vì vậy, ta đi đến đích cuối cùng, bằng trí tuệ rọi qua, chúng ta sẽ thấy đúng như thật. Phật tu cũng tìm điều này và Ngài đạt được tâm chân như là tánh sáng suốt của mình bất động. Ta đạt đến chỗ lấy tánh sáng suốt làm sinh mạng của chúng ta và lấy tánh sáng suốt này nhìn cuộc đời thấy cái gì cũng tốt.
Kinh Hoa nghiêm gọi đó là Trí thân và dùng Trí thân rọi qua quốc độ thì quốc độ là hoàng kim, rọi qua chúng sanh thì chúng sanh là Phật. Thành tựu Trí thân là tới chân linh thì sử dụng vật chất hoàn toàn tự tại. Điển hình là Đức Phật Di Đà có trí tuệ, Ngài biết sử dụng vật chất, vật chất trở thành hữu dụng, Ngài biết sử dụng con người, họ trở thành hữu ích.
Trong thực tế cuộc sống cho thấy rõ việc biết sử dụng sức người sức của mang lại lợi ích vô cùng. Người ngu không biết sử dụng sức người là đặt người không đúng chỗ, người tốt cũng trở thành người xấu. Thí dụ người tham lam mà đặt họ vô chỗ có thể tham, chắc chắn họ sẽ phạm tội. Hoặc người nông dân chỉ biết cuốc cày nhưng cho họ lãnh đạo được không. Khổng Tử nói phải biết người mới lãnh đạo được. Không biết người là hôn quân, là ông vua ngu nghe lời người nịnh, người tốt can gián thì giết họ.
Phật nói trí tuệ là ý này. Biết người mới sử dụng người được và đặt người đúng chỗ mới phát huy tác dụng tốt. Vật chất cũng vậy, phải có trí tuệ để khai thác lợi ích của nó. Phật Di Đà có trí tuệ, Ngài sử dụng được người, tức chuyển hóa năng lực của họ phát triển tối đa, cư dân thấp nhất ở Cực lạc đạt Thánh quả A-la-hán và Cực lạc là thế giới hoàng kim cũng do sự hiểu biết vô thượng của Phật Di Đà mà thành tựu.
Tới đây, chúng ta vào thế giới Phật, Bồ-tát là Thật báo trang nghiêm tịnh độ, vì có trí tuệ rọi vô vật chất chuyển đổi vật chất thành hoàng kim, trí tuệ rọi vô con người, khai thác được sở trường của người thì họ thành người hữu dụng và trong thế giới Phật, toàn là người tốt, người hữu dụng đương nhiên xã hội hoàng kim hiện ra. Còn ta không có trí tuệ, không biết sử dụng người đúng chỗ, hại ta và hại họ, tạo thành thế giới của ba đường ác.
Chúng ta tới được chân linh rồi, thấy ai cũng là Phật, Bồ-tát, chúng ta liền chắp tay cầu xin chư Phật, Bồ-tát ra đời để cứu độ người. Còn ma quỷ làm loạn quá, cuộc đời không khổ nhưng họ làm nên khổ. Kinh Pháp hoa nói ý này rằng do vô minh, vọng tưởng, vọng kiến, chúng ta tạo thế giới quá khổ, chứ thiệt ra thế giới chúng ta là thế giới hoàng kim, chung quanh chúng ta là Phật, Bồ-tát, nhưng chúng ta biến Phật thành ác ma.
Thật vậy, ban đầu người tốt bụng, thương người, nên họ làm từ thiện, nhưng chúng ta lợi dụng lòng từ thiện của họ đến mức không chấp nhận được, làm từ thiện đến mức khánh tận, họ trở thành hận đời mới thề rằng không làm từ thiện nữa.
Phật nào cũng có thế giới hoàng kim, chung quanh có Bồ-tát, La-hán. Và nếu vào thế giới Thật báo trang nghiêm tịnh độ rồi, chúng ta đi xa sẽ thấy Thường tịch quang tịnh độ là thế giới bất động hiện ra, tức bản thể của sự vật hiện ra, bấy giờ từ tâm chân như sáng suốt tạo thành thế giới hoàng kim gọi là chân như duyên khởi. Còn chúng sanh từ điên đảo vọng tưởng tạo thành thế giới khổ đau.
Phật Thích Ca ở Thật báo trang nghiêm tịnh độ và Thường tịch quang tịnh độ, nên kinh Pháp hoa dạy rằng Ngài thường còn, không chết, không nhập diệt là Phật thường còn trong Thường tịch quang tịnh độ. Vì vậy, tu Pháp hoa, phải vào Thường tịch quang tịnh độ để chúng ta gặp Phật, nhưng chúng ta không vào mà đứng bên ngoài kêu làm sao gặp Phật.
Trên bước đường tu, chúng ta hết lòng, ban đầu chúng ta thấy Phật bằng niềm tin thôi, nên nhắm mắt thấy Phật. Tôi có thời gian tu ở núi, nhìn mây, núi rừng, hòn đá cũng thấy Phật là thấy bằng tưởng tượng, vì tưởng mạnh thì hòn đá thành Phật. Chính nhờ có căn lành nên mình có tưởng này được và từ tưởng này tu, mình đi vào cái thật kia. Vì vậy, tôi tin có thế giới Thật báo và Thường tịch quang tịnh độ của Phật, nhưng tại mình chưa vô được, nên quyết lòng tìm thì thấy Phật ở thế giới đó hoàn toàn an lành.
Đức Thế Tôn khen ngợi oai lực công đức của Bồ Tát Văn Thù
Phật nói Ngài không hiện hữu ở cuộc đời, vì người sẽ ỷ lại có Phật che chở, không chịu tu. Thật vậy, nhìn kỹ thấy khi có Phật, Thánh tăng ra đời, thế giới được an lành, đạo Phật được kính trọng. Nhưng không có Phật hiện hữu, không có Thánh tăng, toàn phàm tăng, ác tăng, Phật giáo bị suy đồi, bị tiêu diệt. Thấy điều này, mình cầu xin các ngài hiện thân độ đời. Và mình cầu nguyện thì năng lượng được chuyển đến tâm từ bi của các ngài, các ngài hiện lại chứ.
Thật vậy, thực tế chúng ta thấy khi Phật giáo suy đồi lại có Thánh tăng ra đời làm Phật giáo hưng thạnh lại. Nhưng các Ngài vào Niết-bàn, trả lại Ta-bà cho chúng ta, để phàm tăng hoành hành, tức là người tu kẹt vật chất, không có trí tuệ, bày ra đủ thứ chuyện không lợi ích, làm người tán gia bại sản, không ai theo đạo Phật nữa.
Theo Phật dạy tâm phải an lành, thân khỏe mạnh, trí tuệ chúng ta phát sinh và đời sống chúng ta cao hơn thì người ta mới theo. Nhìn thấy người xung quanh mình toàn nghèo đói, bệnh hoạn, khổ sở, trách nhiệm mình ở đâu?
Vì vậy, Thánh tăng, cao tăng từ hai loại hình thế giới Thật báo và Thường tịch quang mà các ngài hiện ra thế giới Ta-bà là Bồ-tát hiện thân độ đời. Các ngài mang thân người thì có đặc tính không tham, không giận, không si mê. Chúng ta đi tu tìm thầy mà kẹt những thứ này là tà sư ác hữu. Người không kẹt tham, sân, si, chúng ta tin được, vì lòng họ không tham lam, không ham muốn. Chúng ta còn ham muốn nhưng gần các ngài, lòng chúng ta cũng nhẹ lần như các ngài dù ngài không nói. Ở ngoài, chúng ta bon chen cực khổ, nhưng theo ngài, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, an lành là biết tâm vị này an lành và họ khơi dậy những ý tưởng đẹp, thực hiện có kết quả thì chúng ta theo tu.
Họ từ thế giới Thật báo ra đời là họ có phước đức rồi, nên họ hiện thân trên cuộc đời này, họ là người có phước đức, có thân dễ coi, dễ kính trọng, dễ mến. Đỉnh cao nhất của người có phước đức vẹn toàn là Đức Phật Thích Ca hiện ra đời để độ người. Cuộc đời Đức Phật là bức tranh tuyệt mỹ. Kế Phật có các vị Bồ-tát có phước đức, Phật nói đó là năm phước: tâm an lạc, thông minh, dễ coi, sức khỏe tốt, nhiều bạn giỏi, tốt, giàu có, nên họ làm được nhiều việc lớn như Cấp Cô Độc có phước làm nhiều việc thiện lành. Vì cuộc đời này đã khổ, nên chúng ta cầu các Bồ-tát có phước hiện thân lại để giúp đỡ nhiều người. Còn chúng ta muốn cứu người, nhưng nghèo làm sao cứu.
Phật nói muốn có phước phải hành Bồ-tát đạo, chưa cưu mang, giúp đỡ người thì không có phước đâu. Bồ-tát Quan Âm làm quá nhiều việc tốt, nên ai cũng kính trọng Ngài. Vì vậy, ta cầu Phật, Bồ-tát hiện thân để cứu đời.
Phật nói Ngài ra đời rất khó, vì đòi hỏi phải có nhiều điều kiện. Nhưng có nhiều Bồ-tát hiện hữu trên đời hơn, vì các ngài phải hành Bồ-tát đạo trải qua quá trình rất lâu, cho nên các Bồ-tát phải dấn thân trên vạn nẻo đường đời để cứu giúp mọi người mới tạo được nhiều phước đức cho đến thành tựu phước trí vẹn toàn mới đạt đến quả vị Phật. Như vậy, chỉ có Đức Phật Thích Ca, còn Phật Di Lặc cũng chưa ra đời. Và mình tìm tới chân linh rồi thì thỉnh chư Phật, Bồ-tát hiện thân độ đời.