Kiến thức
Tự qui y Phật, tự qui y Pháp, tự qui y Tăng là gì?
Chủ nhật, 22/02/2024 05:00
Là lạy Phật, Pháp, Tăng của mình. Đức Phật xa xưa là bậc trưởng thượng chúng ta lạy là phải, nhưng vì sao mình lạy mình?
Tự qui y là:
“Tự qui y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.”
Tự qui y Phật là trở về nương tựa ông Phật của mình, tức là Tánh giác. Đương nguyện chúng sanh là nguyện cho tất cả chúng sanh. Thể giải đại đạo là thể nhập và hiểu thấu đạo lớn. Phát vô thượng tâm là phát tâm vô thượng. Phần trước chúng ta lạy Tam Bảo ở ngoài là vì lòng thành kính và ngưỡng mộ, còn ở đây mình lạy với tánh cách thệ nguyện, mình biết trở về Phật của mình, rồi nguyện cho tất cả chúng sanh đều hiểu được đạo lớn và phát tâm vô thượng.
Vì biết trở về ông Phật của mình, mà chúng sanh chưa biết, nên mình lạy nguyện với Tam Bảo cho tất cả chúng sanh sẽ được như con, tức là trở về Phật của mình, hiểu được đại đạo và phát tâm vô thượng như con vậy.
“Tự qui y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải.”
Tức là mình biết trở về với Pháp của nội tâm mình là chánh kiến, nhưng nhớ đến chúng sanh chưa biết điều đó, nên mình nguyện tất cả chúng sanh đều thâm nhập được kinh tạng, vào trí tuệ rộng như biển cả.
“Tự qui y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại.”
Khi biết trở về với vị Tăng của mình, tức là tâm thanh tịnh của mình, chúng ta nguyện tất cả chúng sanh thống lý đại chúng tức là quản lý tất cả chúng, mà không có chướng ngại. Thường trong nhà Phật nói rằng chúng ta tu làm lợi ích cho mình cho người thì dễ, nhưng nhiếp chúng là cả một vấn đề. Nhiếp chúng tức là coi chúng để dạy họ sống hòa thuận an vui không bị phiền não rắc rối, đó là một chuyện hết sức khó. Cho nên nguyện tất cả chúng sanh quản lý hết chúng mà không có chướng ngại.
Như vậy mỗi khi lễ Phật rồi, chúng ta đều trở về Tam Bảo của tự tâm, và không quên nghĩ đến chúng sanh nên nguyện cho tất cả đều được ba điều lớn lao đó. Mỗi một lần tự qui y rồi, chúng ta lạy Phật một lạy để thệ nguyện của mình được thực hiện. Biết được ý nghĩa tự qui y là trở về qui hướng với Tam Bảo nơi mình, đó mới là nghĩa chân thật vậy.
Này Thiện tri thức, mỗi người tự quan sát, chớ lầm dụng tâm, kinh văn rõ ràng nói tự qui y Phật, chẳng nói qui y với Phật khác, tự Phật mà chẳng qui thì không có chỗ nào mà y được.
Tức là ông Phật của mình mà mình không chịu trở về, thì không còn chỗ nào để mình nương được.