Chùa Việt
Tùy bút: Ấn tượng Kim Các Tự tại Chùa Nghĩa Sơn
Chủ nhật, 26/09/2020 05:16
Thời gian vừa qua, thật hết sức ngạc nhiên khi tôi tình cờ xem được trên dòng Facebook những bức ảnh lưu niệm của bạn bè, đạo hữu khoe cho thấy họ đã ở rất gần bên Kim Các Tự, một danh lam nổi tiếng ở Kyoto, Nhật Bản.
Tùy bút: Chùa Pháp Sơn với cổng trời trên đất lành
Thoạt đầu, cứ tưởng là mọi người được phước duyên xuất ngoại ngao du qua tận xứ sở hoa anh đào, được “tận mục sở thị” ngôi chùa “Gác Vàng” được dát vàng, còn mình thì cứ quanh quẩn với chùa chiền tự viện trong tỉnh, trong nước…Nhưng xem đọc kỹ lại mới hay, Kim Các Tự đó chỉ là hình dáng mô phỏng lại nguyên bản ở nước Phù Tang, và đang tọa lạc ngay trong nước, ngay trên vùng đất hẻo lánh mang tên Trảng É, cách trung tâm thành phố biển Nha Trang chừng 10 cây số. Nói cho rõ hơn, Kim Các Tự mô phỏng ở thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng chỉ là một công trình kiến trúc phụ của một ngôi đại tự mang phương danh Nghĩa Sơn, cũng giống như Kinkaku-ji (Kim Các Tự - Chùa Gác Vàng) chỉ là một kiến trúc trong khuôn viên rộng lớn của Rokuon-ji (Lộc Uyển Tự - Chùa Vườn Nai) ở Nhật Bản.
Xã Phước Đồng nằm về hướng Đông - Nam của thành phố Nha Trang, là một thung lũng được bao quanh bởi các khối núi cao như núi Cù Hin, Hòn Rớ, Đồng Bò…Xưa kia vùng hoang vắng đìu hiu này dân cư thưa thớt, dân đều khó nghèo sống nhờ vào nghề lặn biển, đánh cá và đốt than. Từ những năm xây dựng nông thôn mới, di dời dân cư ở phố ra ngoại ô, thành lập những khu tái định cư, vùng đất Phước Đồng mới trở mình thay hình đổi dạng, dân số gia tăng, nhà xây quán mở, và những tịnh xá, tịnh thất, chùa nhỏ chùa lớn đã xuất hiện như những đóa hoa sen thơm ngát vươn lên từ vũng lầy tanh tao…
Từ trung tâm thành phố Nha Trang di chuyển theo đường Phong Châu, qua hai chiếc cầu mới được xây bắc xong, sẽ gặp một ngã tư, rẽ phải theo tỉnh lộ 657K nay đã được đặt tên là An Lạc, ai đặt tên đường thật là hay, tiếp tục đi thêm khoảng hơn 3 cây số nữa sẽ thấy ngay bên vệ đường hiện lên cổng chào và tảng đá khắc tên chùa bằng thư pháp uyển chuyền.
Khi đến được trước cổng chào của chùa, nếu dừng lại ít phút để nhìn ngắm kỹ, ta sẽ thấy hai dãy tường đã cũ bạc trầy tróc, và trụ cổng trên có hoa sen búp. Đó là tường trụ cũ trước kia của chùa, của thời kỳ đầu kiến lập. Sau này được đại trùng tu, lùi vào bên trong một quãng thật xa là cổng tam quan uy nghiêm, nên tường trụ của cổng cũ vẫn được giữ lại đó như để đánh dấu lưu niệm công đức của Thầy Tổ khai sơn lập tự.
Chùa Trăm Gian, nét thanh tịnh chốn thành đô
Gần 30 năm trước, vào năm Kỷ Dậu 1993, nhằm tạo điều kiện cho cư dân vùng nông thôn mới, và cả vùng núi quạnh quẽ vốn là vùng Đồng Bò chiến khu xưa, có một chốn ra vào để nương tựa sinh hoạt tín ngưỡng, lo cho đời sống tâm linh hướng thiện đoạn ác, cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tâm, Trưởng Ban Nghi Lễ T.Ư. Giáo Hội PGVN, Chứng minh Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương (đường Lý Thánh Tôn – TP. Nha Trang) đã phát tâm từ bi khai sơn kiến lập một tịnh thất đơn sơ để thờ phụng Tam Bảo, làm nền móng cho một ngôi già lam thánh chúng truyền bá chánh pháp, phổ độ chúng sinh về sau này.
Ngài đã đặt tên cho chốn tịnh tu này là Nghĩa Sơn, là vì chọn chữ “Nghĩa” từ “Tông phong Nghĩa Phương”, và ghép với chữ “Sơn” lấy từ địa danh thôn “Phước Sơn” của xã Phước Đồng. Được biết thêm một nguyên nhân sâu xa nữa, là do Cố Hòa thượng Thích Bích Lâm bổn sư truyền giới của Ngài xưa kia vốn trụ xứ ở ngôi chùa mang tên Nghĩa Sơn ngoài Quảng Ngãi, nhưng sau do chiến tranh loạn lạc nên ngôi chùa này đã không còn lưu vết tích gì, chỉ còn khắc in trong tâm tưởng của người đệ tử luôn ghi nhớ trọng ân của Thầy Tổ…
Trong suốt quãng thời gian từ lúc khai sơn kiến lập tịnh thất Nghĩa Sơn cho đến khi xả bỏ báo thân thâu thần thị tịch vào năm Đinh Dậu 2017, Cố Hòa thượng Thích Trí Tâm đã tu bổ kiến tạo chốn già lam này ngày càng khang trang, hoành tráng, và nâng tầm tịnh thất lên thành một tự viện trang nghiêm nhất vùng. Sau khi Ngài viên tịch, môn đồ pháp chúng truyền thừa đã tiếp tục trùng tu tái thiết ngôi Tam Bảo Nghĩa Sơn, xây dựng thêm những công trình kiến trúc đậm nét mỹ thuật như Bảo Tháp, Nhà Chuông, Quan Âm Đài, Kim Các Tự…
Kim Các Tự hiển hiện thật ấn tượng bên một hồ nước rộng có cỏ xanh chạy quanh bờ, có thảm cỏ xanh mướt êm ái cho ai muốn ngã lưng nghỉ mệt nằm nhìn ngắm mây trắng thiên thanh; có cây cầu gỗ vòm cong sơn màu đỏ chói theo phong cách Nhật Bản, màu đỏ của núi lửa, màu đỏ của mặt trời mọc. Giữa hồ được điểm xuyết thánh tượng của đức Bồ Tát Quán Tự Tại ngồi ung dung thanh thoát, cạnh đó là một chiếc thuyền độc mộc được thả trôi lênh đênh… “Gác Vàng” này là nơi để bảo tồn, gìn giữ những kỷ vật trong suốt cuộc đời hành đạo của Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, cũng là vị khai sơn lập tự, trú trì đầu tiên của chùa Nghĩa Sơn. Từ ngôi bảo tháp của Ngài phía bên trên triền núi nhìn xuống ngay phía trước là toàn cảnh của Kim Các Tự hiển bày rõ rệt. Đó cũng chính là hình ảnh Kinkaku-ji còn in đậm trong tâm trí của Ngài từ thời Ngài được bổn sư lo cho du học tại Nhật Bản vào những năm 1965- 1972.
Từ ngoài tam quan đi vào khuôn viên chùa, nhìn bên tay phải, ta sẽ thấy một cây cầu nhỏ bắc ra bên mé hồ sen, dẫn lên một đài lộ thiên, nhìn cứ tưởng là chỗ để ra ngồi ngắm sen, câu cá... Nhưng thật ra, đó là đài Quán Thế Âm, vì qua ba mùa mưa lũ nên hư hỏng nặng, nhà chùa chưa được thuận duyên để tu sửa. Do đó, tôn tượng đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm đã được chuyển vào bên trong, tạm đứng bên Gác Chuông chờ ngày đẹp trời quay về nơi an vị cũ, ai không biết sẽ thấy "hình như" tôn tượng này được đặt không đúng chỗ, và có vẻ... dư thừa.
Lên chánh điện lạy Phật, ta sẽ thấy phía bên tay trái của tôn tượng Bổn Sư Thích Ca có thiết đặt một bệ thờ tôn tượng một vị nào đó, thoạt nhìn sẽ tưởng là Ngọc Hoàng, hay vị Minh Vương... Nhưng sao nhân vật hàng Thánh Chúng lại được thiết nằm gần bên tượng Bổn Sư? Xin thưa, đó tôn tượng "Đức Chúa Ông"! Đức Chúa Ông chính là doanh nhân Cấp Cô Độc, một trưởng giả giàu nức đố đổ vách, đã bỏ ra một lượng của cải châu báu với số lượng "khủng" để mua lại vườn cây của Thái Tử Kỳ Đà cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn. Đức Chúa Ông là đại thí chủ phụng đạo mà cổ kim đông tây chưa có người sánh bằng!
Dạo quanh khuôn viên chùa, ta còn được nhìn ngắm những cảnh sắc thanh tao thánh thiện qua từng khu vực riêng biệt như tôn tượng Di Lặc Tôn Phật lộ thiên đứng trên đài sen hồng nở nụ cười hỷ lạc, thánh tượng hai vị Hộ Pháp trấn sơn môn với nét đặc thù Việt Nam, những gốc bồ đề và gốc đa có thân gồ ghề gân guốc to đến hai người ôm không xuể. Ta còn thây những hàng dừa, hồ sen hồ súng, những bụi hoa giấy, hoa anh đào đang chờ mùa xuân đơm bông, đan xen cùng những chậu hoa sứ kiểng khoe sắc tỏa hương được bài trí dọc theo các lối đi dẫn vào Vườn Lộc Uyển có thiết bày một Pháp Luân 12 nan thật lớn ngay giữa nơi Đức Phật Thích Ca thuyết giảng Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo cho nhóm ngài Kiều Trần Như lĩnh thọ giáo pháp… Ta còn được chiêm bái đảnh lễ thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên đặt ngoài sân trước ngôi đại hùng bảo điện với hướng nhìn xuống núi ra bên ngoài cổng tam quan. Nhìn chệch về sân bên phải là miếu thờ ngài Tiêu Diện Hộ Pháp, hóa thân của đức Quán Thế Âm, rồi ra phía sân sau, bên hông ngôi chánh điện là hình ảnh dãy tịnh thất thanh tịnh im ắng, còn có vườn rau sạch cũng là nơi ươm hạt giống một số loài hoa lạ được mang về từ “Xứ sở Hoa Anh Đào”…
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh - thắng cảnh nước Nam
Từ ba năm qua, chùa Nghĩa Sơn không chỉ là nơi Tăng chúng tu hành đón Phật tử gần xa về tu niệm, mà đã trở thành một thắng cảnh du lịch thu hút bao khách thập phương về lễ Phật, chiêm bái và chiêm ngưỡng một thắng tích danh lam rất ấn tượng với phiên bản Kim Các Tự tuyệt vời. Rất nhiều nhóm nam thanh nữ tú ở nơi xa xôi đã về đến đây để mượn cảnh sắc thanh tao mỹ lệ của chốn thiền tự này làm đẹp cho những thước phim bộ ảnh lưu niệm cho những ngày tháng đặc biệt đáng nhớ của mình. Một khách nhàn du có lưu lại bài thơ Đường luật sau khi vãng cảnh chùa:
Sám hối lên đường lễ Phật xa
Thong dong vãng cảnh quên non già
Hồ sen tĩnh lặng dòng kinh pháp
Tháp Tổ uy nghiêm bóng hải hà
Hộ pháp tam quan oai lẫm liệt
Hương đăng bảo điện sáng nguy nga
Hoa đào ẩn dật chờ xuân đến
Cảnh sắc an vui đẹp ngọc ngà!