Hỏi - Đáp
Vì sao ăn chay, niệm Phật nhưng vẫn hay gặp chuyện xui?
Thứ sáu, 12/07/2023 11:07
Chúng ta từ vô thỉ đến nay, đã tạo nghiệp ác vô lượng vô biên! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Giả sử nghiệp ác có thể tướng, mười phương hư không chẳng dung chứa hết.”
Nay đệ tử có một nghi vấn, cầu xin lão Pháp sư từ bi chỉ bảo:
Đệ tử ăn chay niệm Phật đã nhiều năm, nghe dạy rằng: Những người tin tưởng Phật, sẽ được chư Phật trong mười phương ba đời hộ niệm, các vị Thiên Long Bát Bộ, Đại Lực Thần Vương thường theo hộ trì, nghiệp ác đời trước lần lần tiêu trừ, dù có oan gia đối đầu cũng không thể làm hại. Mấy điều trên đây căn cứ trong Kinh Phật, quyết không phải là lời nói suông.
Nhưng vào khoảng tháng ba này, nhân tiếp được tin tức của người bà con từ Thượng Hải gửi về, khiến đệ tử vô cùng ngạc nhiên! Theo tin ấy cho biết: Bà Trương Thái Thái là người rất tin Phật, ăn chay đã hơn hai mươi năm, thường đến Cư Sĩ Lâm nghe giảng kinh pháp. Bà ấy hiền hậu nhân đức, ưa làm lành, gặp ai cũng đều khuyên ăn chay niệm Phật. Không ngờ một hôm đang đi trên lộ để đem đồ ăn chay cho một vị sư huynh, bà bị xe cán chết. Lúc ấy vì không có ai nhìn, nên nhân viên tuần phòng chở đi, đến ba ngày sau con cháu hay được mới xin đem về chôn cất. Đệ tử nghe tin ấy trong lòng kinh ngạc phi thường, đến nay vẫn còn nghi ngờ chưa hiểu. Việc này nếu người trong Phật học hội nghe được, chắc cũng bàng hoàng không an. Cho nên đệ tử dâng lên bức thơ này, cầu xin lão Pháp sư chỉ dạy, nói rõ nguyên do vì sao bà họ Trương lại bị cái chết thảm khốc như thế. Và kết cuộc, bà có được vãng sanh về Tây phương hay chăng?
Xin lão Pháp sư mở lời minh huấn để cho nhiều người yên tâm niệm Phật. Ân đức ấy đệ tử cảm bội không cùng!
Tiếp được thơ, biết bạn đối với đạo lý Phật pháp còn chưa hiểu rõ. Chúng ta từ vô thỉ đến nay, đã tạo nghiệp ác vô lượng vô biên! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Giả sử nghiệp ác có thể tướng, mười phương hư không chẳng dung chứa hết.” Nên biết sự tu trì của hành nhơn, nếu quả chí thành không dối, thì có thể chuyển trọng báo, hậu báo thành hiện báo, khinh báo. Người phàm mắt thịt chỉ thấy sự kiết hung trước mắt, đâu biết được việc nhân quả đời trước và đời sau.
Bà họ Trương ấy nhiều năm tinh tu, một sớm chết thảm, hoặc giả do sự khổ đó mà tiêu được ác báo tam đồ, sanh về cõi Thiên. Nếu trong hiện đời bà tin sâu nguyện thiết thì cũng có thể sanh về Tây phương. Nhưng chúng ta đã không có tha tâm đạo nhãn, nên không dám ức đoán quyết chắc bà có được vãng sanh cùng chăng? Việc có thể quyết định là: làm lành tất được quả lành, làm dữ phải mang ác báo. Nếu làm lành mà bị quả dữ, đó là quả báo của nghiệp ác đời trước, chẳng phải quả báo của nghiệp lành đời này. Các ngươi thấy bà lão bị sự chết khổ như thế, liền nghĩ lầm rằng việc lành không đáng làm, bởi làm lành không được phước, nên mới sợ hãi nghi ngờ. Sự nhận thức đó đâu có khác gì người chưa nghe hiểu Phật pháp? Nếu người đã tin chắc lời của Phật, quyết không vì việc ấy mà lộ ra vẻ sửng sốt kinh hoàng. Bởi việc nhân quả trùng điệp không cùng, có khi nhân này chưa trả, quả nọ đã chín mùi, ví như gieo giống sớm thì gặt sớm, lại như thiếu nợ, chủ nợ mạnh lôi kéo trước tiên.
Thuở xưa, có người một đời làm lành, khi lâm chung lại bị chết thảm để trả xong nghiệp trước, đời sau lại được phú quí vinh hoa. Như đời Tống một vị Tăng ở chùa A Dục Vương muốn trùng tu tòa điện tháp thờ Xá Lợi nghĩ rằng Cần Thân Vương có thế lực, mới đến quyên mộ. Chẳng dè kết quả số tiền quyên không được bao nhiêu, bổn nguyện không thành, vị Tăng buồn bã, lấy búa chặt tay trước đền Xá Lợi, máu ra nhiều liền chết. Cùng trong lúc ấy, Cần Thân Vương sanh ra một đứa con. Từ khi mới lọt lòng, đứa bé thường khóc mãi không thôi. Bà vú bế nó đi chơi, đến chỗ treo bản đồ xây tháp Xá Lợi thì đứa bé không khóc, bồng đi lại khóc to lên. Bà vú không biết làm sao, mới gỡ bản đồ xuống thường cầm để trước mặt nó, từ đó đứa bé không khóc nữa. Vương nghe chuyện ấy lấy làm lạ liền sai người đến chùa A Dục hỏi thăm vị Tăng khi trước, mới hay ông chặt tay chết đúng vào ngày sanh của con mình. Do nhân duyên đó, Thân Vương một mình đứng ra sửa lại điện Xá Lợi. Đến khi đứa bé ấy được hai mươi tuổi, nhằm lúc vua Ninh Tông băng, không có Thái tử kế vị, mới di chiếu lập con của Cần Thân Vương lên làm vua. Cậu bé về sau được làm Hoàng Đế bốn mươi mốt năm, tức là vua Lý Tông nhà Tống vậy.
Cái chết của vị Tăng cũng là cái chết thảm. Nếu không có sự khóc mãi chẳng thôi và khi thấy bản đồ tháp Xá Lợi liền nín lặng, thì đâu ai biết được đứa bé là thân sau của vị Tăng đã chết thảm kia? Việc này chép ở tập A Dục Vương Sơn Chí, mà trong năm Quang Tự thứ hai mươi mốt, tôi nhân đi lễ tháp Xá Lợi vài mươi ngày, đã được xem qua. Người rõ lý mặc dù cảnh ngộ thế nào, cũng quyết không nghi nhân quả sai lầm, lời Phật hư dối. Kẻ không rõ lý, chấp chặt một khuôn khổ, chẳng biết có nhân quả phức tạp, cho nên sanh lòng nghi nan, truy ra đều do không có chánh kiến.
Như chỗ bạn nói: người niệm Phật có Tam bảo gia bị, long thiên hộ trì, đó vẫn là lẽ nhất định không còn sai lầm. Nhưng đối với việc chuyển quả báo nặng đời sau thành quả báo nhẹ đời này, bạn còn chưa rõ biết, nên không khỏi có sự nghi ngờ bàn bạc không hợp lý kia.
Thuở xưa, ở Tây Vức, Giới Hiền Luận Sư là bậc đạo đức cao trong một thời, tiếng đồn vang khắp bốn xứ Thiên Trúc. Do vì túc nghiệp, Luận Sư mang chứng bệnh dữ, đau đớn vô cùng, chịu không kham, nên sắp muốn tự tận. Vừa trong đêm ấy, Luận Sư nằm mơ thấy ba vị Bồ tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm giáng lâm bảo rằng: “Ngươi trong kiếp về trước, nhiều đời làm vị quốc vương, bởi não hại chúng sanh, nên sẽ phải bị lâu dài đọa vào ác đạo. Nhưng do đời nay ngươi có công hoằng dương Phật pháp nên chuyển lại chịu sự khổ nhỏ ở nhân gian để tiêu trừ sự khổ lớn nhiều kiếp nơi Địa ngục. Vậy ngươi gắng nhẫn chịu, chớ nên buồn rầu mà tính việc chi khác. Trong ba năm nữa, ở xứ Đại Đường có vị Tăng tên Huyền Trang, sẽ đến đây thọ pháp với ngươi.”
Giới Hiền Luận Sư nghe rồi liền rán chịu khổ sám hối lâu ngày bệnh lần lần thuyên giảm. Qua ba năm sau, Huyền Trang đến chùa Na Lan Đà, Giới Công bảo đệ tử nói trạng thái bệnh khổ của mình, chính người thuật lại cũng nghẹn ngào rơi lệ. Bao nhiêu đó cũng đủ biết sự khổ ấy là dường nào rồi! Nếu ba vị Bồ tát không nói rõ nhân duyên kiếp trước, người đời sẽ bảo Ngài Giới Hiền chẳng phải là bậc đạo đức cao Tăng. Hoặc có kẻ lại cho rằng: một vị đại tu hành mà còn bị chứng bệnh thảm thế ấy, thì Phật pháp có chi là linh nghiệm?
Tóm lại, chỗ hiểu biết của các bạn còn cạn, nên vừa thấy việc chi hơi khác liền sanh lòng kinh nghi. Hành vi ấy có thể khiến cho kẻ ít căn lành thối thất lòng đạo. Nếu thấy người làm ác mà hiện đời được phước báo, chắc họ cũng khởi niệm hiểu lầm như thế. Nên biết đó chẳng qua là sự chuyển biến của những lớp tiền nhân hậu quả phức tạp không đồng, để đổi quả nặng đời sau làm quả nhẹ hiện tại, hay chuyển quả nhẹ hiện tại thành quả nặng đời sau mà thôi.
Trích: Ấn Quang Pháp sư văn sao tục biên