Lời Phật dạy
Vì sao oán gia không muốn oán gia có sắc đẹp?
Thứ bảy, 22/02/2023 01:30
Tật đố và ghét ganh chính là thủ phạm khiến cho mình xấu xa, từ tâm hồn cho đến thể chất. Nhất là trước thành công của người ít ai thực sự tùy hỷ, chia vui thật lòng. Nếu có chăng cũng chỉ bên ngoài, trong tâm tiềm ẩn sự ganh tị, tức tối.
"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có bảy pháp oán gia để gây thành oán gia; tức là khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế. Những gì là bảy?
1- Oán gia thì không muốn oán gia có sắc đẹp. Vì sao oán gia không muốn oán gia có sắc đẹp? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không xả bỏ sân nhuế, thì người ấy tuy luôn tắm gội, dùng danh hương thoa mình, nhưng sắc thân vẫn xấu. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ nhất gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Oán gia, số 129 [trích])
Phật nói: “Oán gia không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành”
Từ oán gia trong pháp thoại là người có tâm oán thù và cũng chính là kẻ thù của mình. “Oán gia thì không muốn oán gia có sắc đẹp” có nghĩa người có tâm oán thù thì không muốn kẻ thù có sắc đẹp.
Kinh tạng Pali tương đương với pháp thoại này được dịch như sau: “Ở đây, này các Tỳ-kheo, người thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: ‘Mong rằng kẻ này trở thành xấu xí!’ Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, người thù địch không hoan hỷ kẻ thù địch của mình có dung sắc. Này các Tỳ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, dầu cho người ấy khéo tắm rửa, khéo chải chuốt, tóc râu khéo sửa soạn, mặc toàn đồ trắng rồi người ấy cũng trở thành xấu xí, vì bị phẫn nộ chinh phục. Này các Tỳ-kheo, đây là pháp thứ nhất, được người thù địch ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến người phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn ông”.
Người có tâm oán thù thường bị sân hận chinh phục, bị phẫn nộ chi phối và có nhiều kẻ thù. Họ luôn mong muốn kẻ thù của mình bị xấu xí, không vui khi kẻ thù có sắc đẹp. Vì luôn bị sân hận thiêu đốt cho nên tâm lúc nào cũng nóng bức, héo hon. Một khi tâm không được mát mẻ, tươi vui thì dù có chăm sóc vẻ ngoài bao nhiêu đi nữa cũng tàn tạ, cằn cỗi, thậm chí là xấu xí.
Tật đố và ghét ganh chính là thủ phạm khiến cho mình xấu xa, từ tâm hồn cho đến thể chất. Nhất là trước thành công của người ít ai thực sự tùy hỷ, chia vui thật lòng. Nếu có chăng cũng chỉ bên ngoài, trong tâm tiềm ẩn sự ganh tị, tức tối. Đối với người mình không thích hay kẻ thù thì sự ganh tị, tức tối càng thêm trầm trọng.
Do vậy, bên trong cần xả bỏ tâm sân hận và tật đố ghét ganh, luôn sống với tâm hoan hỷ và an vui. Bên ngoài cần tập hạnh vui lây với thành công của người khác, kể cả người mình không thích. Khi người khác có thành công về nhan sắc, mình hoan hỷ ca ngợi thì mới có thể hy vọng được khả ái, ưa nhìn. Mới hay, để có một diện mạo tốt đẹp, nhan sắc xinh tươi, không phải chỉ lo trau chuốt bên ngoài mà quan trọng là sự hoan hỷ trong tâm. Tâm tốt thì người mới đẹp, nên “tướng tự tâm sinh” là vì vậy.