Đạo Phật trong tim tôi

Lấy quan điểm của Đạo Phật để răn dạy học trò 

Thứ năm, 27/03/2023 09:30

Xưa nay, nghề giáo vốn được xã hội coi là nghề cao quý trong những nghề. Nghề mà người đời ví von là nghề đưa đò. Để đưa được hành khách sang sông, người lái đò cũng phải chèo chống con đò giữa sóng nước tròng trành.

Nếu không có niềm tin và tình yêu nghề, yêu trò thì có lẽ con đò không bao giờ cặp bến. Trong hành trình đến với nghề giáo, ngoài việc lấy quy định, nội quy, tôi luôn lấy quan điểm của phật giáo để nhắc nhở, răn dạy mỗi khi học trò mình chưa làm tốt một điều gì đó.

Hiện tại, tôi đang công tác tại một trường THPT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trước khi đến với nghề giáo, tôi đã có thời gian khá dài làm công việc trong lĩnh vực báo chí. Tôi vốn hiểu tính khí của mình, đó là người khá khó và nóng tính. Có lẽ vậy, trong suy nghĩ của chính mình, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ chọn nghề giáo. Tôi đến với nghề giáo và gắn bó với nghề đúng thật là một cơ duyên trong cuộc đời. Nghề giáo và môi trường làm việc nơi đây đã thay đổi bản thân tôi rất nhiều. Tôi luôn gạt bỏ những tâm trạng không vui hay muộn phiền cuộc sống bên ngoài cổng trường để bước vào lớp với tâm trạng tốt nhất và bắt đầu tiết dạy bằng tinh thần, trách nhiệm đúng nghĩa của một giáo viên.

Lòng tôi vui khi thấy học trò mình vui vẻ tươi cười

Lòng tôi vui khi thấy học trò mình vui vẻ tươi cười

Như bạn biết đó, trong một rừng cây thì cũng có cây phát triển nhanh, cũng có cây phát triển chậm. Trong một đàn cá thì cũng có con bơi giỏi và cũng có con bơi chưa giỏi, dù chúng được sống trong một môi trường như nhau. Cũng giống như trong những lớp mà tôi tham gia giảng dạy, có em chăm ngoan, học giỏi, có em lười học,... và cũng có em ý thức chưa tốt trong việc chấp hành nội quy quy định. Dù mỗi em có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi đến lớp các em vẫn nhận được sống trong môi trường giáo dục đầy tình thương và trách nhiệm của nhà trường.

Những tháng ngày gắn bó với học sinh, nhất là khi gặp những học sinh chưa quan tâm đến việc học lại thêm ý thức chưa tốt, lòng tôi có vô số những trăn trở. Tôi biết rằng với những học sinh như thế mình không thể nào “cứng nhắc” về nội quy để đưa ra các hình thức xử phạt. Các em còn quá non trẻ, đặc biệt là đang ở độ tuổi mà có sự thay đổi nhiều về tâm lý. Đôi khi một vài lời nói hoặc biện pháp không hay của thầy cô giáo sẽ khiến cho các em càng rơi vào điều tệ hơn. Và tôi chắc chắn rằng, với mỗi giáo viên họ sẽ có biện pháo xử lý khác nhau để giúp học sinh mình tiến bộ hơn.

Tôi vốn là cô giáo dạy Văn. Có lẽ vậy, mà tôi mang trong mình một mong muốn lớn là không những dạy các em về kiến thức mà còn dạy các em về cách học làm người tử tế. Với học trò, tôi lại hay “mềm  lòng”, chưa thật sự nghiêm khắc áp dụng các hình thức xử phạt học trò. Có lẽ vậy, hôm trước, tôi tình cờ nghe học trò lớp khác nói: mấy đứa lớp 10A11 nói cô Thủy dạy dễ lắm. Tôi chỉ đáp lại các em bằng nụ cười và câu nói: dễ mà không dễ đâu em.

Tôi và các em học sinh

Tôi và các em học sinh

Empty

Đối với các em học trò thường hay vi phạm, tôi có những cách nhẹ nhàng để khuyên răn. Trong lòng tôi luôn lấy quan điểm của đạo Phật, nhất là tình thương, nhân từ trong cách cư xử. Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có những lần lầm lỗi. Và điều quan trọng và chúng ta làm gì để cho người phạm lỗi biết nhìn nhận lại bản thân và phấn đấu vươn lên. Bởi vậy, tôi luôn nhớ đến những lời Phật dạy về lòng khoan dung: Tài sản quý nhất của đời người chính là lòng khoan dung. Và tôi cũng biết cách để tha thứ cho cách em, tha thứ là một biểu hiện của lòng từ bi. Nói như thế, không có nghĩa là bỏ mặc những lầm lỗi của học trò. Tôi thường tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao các em có thái độ chưa đúng với thầy cô, vì sao các em lại chưa thể học tập tốt.

Kiểm tra bài cũ học sinh là chuyện diễn ra ở hầu hết các môn học. Trong những lớp tôi giảng dạy, các em thuộc lào câu “cửa miệng” của tôi mỗi khi trong lớp có em không thuộc bài: em có gặp khó khăn gì không?. Các em trong lớp hay cười khi tôi hỏi câu đó. Thật chất, tôi đang tìm hiểu nguyên nhân xem vì sao em đến lớp không thuộc bài. Việc học gặp vấn đề gì, hoàn cảnh gia đình có khó khăn không. Nếu chúng ta không tìm hiểu rõ nguyên nhân mà xử phạt thì chỉ để lại trong lòng các em những nỗi buồn, từ đó các em càng rơi vào trạng thái tinh thần không muốn phấn đấu.

Niềm hạnh phúc của tôi đến bây giờ có lẽ là nhận thấy rằng một vài em học trò học kỳ 1 có ý thức chưa tốt giờ đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nỗi niềm của người gắn bó với nghề giáo không gì vui khi thấy học trò mình tiến bộ. Sự tha thứ đúng lúc không chỉ giúp các em biết nhìn lại mình mà “tha thứ làm cho tâm hồn ta thanh thản, tha thứ là chiếc cầu nối mọi rào cản, là đỉnh cao của sự yêu thương” như lời phật dạy. Tôi vẫn nhớ câu thường hay nói của đồng nghiệp: sau này, đứa nhớ nhiều đến thầy cô nhất thường là những đứa học trò cá biệt. Để tha thứ cho người khác, hơn bao giờ hết chúng ta cần nuôi dưỡng cho mình tấm lòng lương thiện, bao dung.

Để rồi mai này, trên những chặng đường chinh phục đỉnh cao của tri thức, hay bước trên con đường bằng phẳng hoặc gian nan của cuộc sống sau khi rời xa mái trường, tôi chỉ mong các em hãy biết tha thứ cho người khác đúng lúc. Các em biết nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng và hướng đến những điều tử tế.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy; địa chỉ: Trường THPT Châu Thành, Quốc lộ 61, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).

loading...