Kiến thức
Có thể chánh niệm trong thời đại 4.0?
Thứ năm, 26/08/2022 07:36
Chánh niệm trong đạo Phật là một sự thức tỉnh bản thân, là sự quán chiếu vào chính mình trong thực tại một cách rõ ràng, vô tư, để hòa hợp với chính mình và thế giới xung quanh. Nghĩa là một trạng thái thức tỉnh để nhận thức thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta một cách minh triết nhất.
Sự thức tỉnh thời 4.0 chính là chánh niệm cần được khơi gợi và rèn giũa
Vậy có thể “chánh niệm” trong thời đại số hay không? Câu hỏi này được luận bàn nhiều trong diễn đàn Vesak 2019 vừa diễn ra. Và trên thực tế, con người ta có chánh niệm được trong bộn bề toan tính, âu lo và cả những bất an đến từ mọi phía?
Hiểu một cách đơn giản về chánh niệm
Ai tìm hiểu về đạo Phật thì cũng đã từng nghe đến thuật ngữ Bát chánh đạo. Nôm na đấy là 8 con đường chân chính dẫn con người đến cuộc sống hạnh phúc, cao thượng. Chánh niệm là một trong 8 con đường ấy, nhưng là con đường quan trọng vào bậc nhất, bên cạnh các con đường khác như chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn và chánh định.
Một số người nhầm tưởng chữ “niệm” là ý niệm, là suy nghĩ, vậy nên chánh niệm nghĩa là những suy nghĩ chân chính. Đây là sự nhầm lẫn giữa chánh niệm và chánh tư duy.
Chánh niệm trong đạo Phật là một sự thức tỉnh bản thân, là sự quán chiếu vào chính mình trong thực tại một cách rõ ràng, vô tư, để hòa hợp với chính mình và thế giới xung quanh. Nghĩa là một trạng thái thức tỉnh để nhận thức thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta một cách minh triết nhất. Sự nhận thức ấy như tinh chất khai mở và chỉ dẫn tâm trí, trong một trạng thái thấm đẫm chất thiền.
Sống vững chãi và thảnh thơi bằng năng lượng chánh niệm
Cũng vì vậy mà chánh niệm là một phẩm chất của thiền, thậm chí nó được xem là “trái tim của thiền tập”, là trụ cột trong minh triết Phật giáo. Sự chánh niệm quan trọng nhất chính là nhận thức về bản thân mình, để thức tỉnh nguồn năng lượng vô tận trong mình nhằm giải quyết một cách có hiệu quả những vướng mắc từ đời sống mang lại.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rất nhiều về chánh niệm trong các pháp thoại của mình. Đó là một sự nhận thức sâu sắc, dễ hiểu nhưng cũng không dễ thực hành chánh niệm. Thiền sư giảng: “Chánh niệm là vị trụ trì của ngôi chùa. Bốn lĩnh vực của quán niệm, thứ nhất là thân thể. Thân thể ta đang làm gì, có gì đang xảy ra cho cơ thể ta, ta phải biết.
Thứ hai là cảm thọ. Khi nào có vui, buồn, hoặc sợ, chán hay giận thì chúng ta đều biết. Ta nhận diện các cảm thọ đang diễn ra, không cần làm gì khác. Và chánh niệm chính là khả năng nhận diện được cái gì đang xẩy ra trong giờ phút hiện tại. Hai lãnh vực vừa kể gồm những hiện tượng trong thân thể và trong cảm thọ. Tiếp theo là lãnh vực các tâm hành và cuối cùng là lãnh vực những đối tượng của tâm hành.
Chúng ta cần hiểu chánh niệm là năng lượng giúp chúng ta nhận diện được những gì đang xảy ra trong bốn lĩnh vực: thân, thọ, tâm và pháp. Chỉ cần nhận diện thôi, không cần phải làm gì khác. Thực tập chánh niệm bắt đầu bằng sự nhận diện một cách thuần túy tất cả những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta.
Nhận diện mà không cần phê phán. Không cần nghĩ rằng điều đang xảy ra là đáng buồn hay đáng vui. Bông hoa tươi thì biết là bông hoa tươi, bông hoa héo thì biết là bông hoa héo. Tâm đang giận hờn thì biết đây là nỗi giận hờn đang ở trong ta. Không cần phải công phá, không cần phải đè nén. Bí quyết của sự thực tập là ở chỗ này…”.
Theo đó thì chánh niệm hiển hiện từ trong các việc nhỏ nhặt như ăn uống, pha trà, đi đứng, nói cười và trong tất cả những hành thức khác mà con người đối diện tiếp xúc và cảm nhận trong mọi khoảnh khắc của đời thường.
Có thể chánh niệm trong thời buổi công nghệ?
Sự phân tâm, sự phát tán năng lượng một cách không kiểm soát chính là “kẻ thù’ của chánh niệm. Nói cách khác, không thể nhận thức chính mình, không thể thức tỉnh mình mỗi khi có quá nhiều mối bận tâm, có quá nhiều công việc, cảm xúc cần giải quyết trong cùng một lúc.
Thời đại số, các thiết bị giao tiếp thông minh cho phép con người phân tán năng lượng như vậy. Và con người vui vẻ chấp nhận điều đó, thậm chí xem đó là một quy luật tất yếu của sự phát triển. Chúng ta buộc phải thích nghi và bắt kịp thời đại, nhờ vào công nghệ, một lúc làm được nhiều việc hơn, có hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian hơn và cũng… thảnh thơi hơn. Chúng ta vừa có thể nghe nhạc, vừa có thể đọc sách, thậm chí là xem xét các kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Chánh niệm – Nền tảng của hạnh phúc
Thời đại 4.0 vẫn cần đến chánh niệm
Với vòng xoáy này, liệu chánh niệm có còn dẫn dắt được chúng ta đến sự thức tỉnh bản thân? Đến tập trung năng lượng? Và liệu nó có còn hiện hữu như một cứu cánh cho chính con người tìm về bản ngã trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ 4 này?
Có lẽ để trả lời câu hỏi này, giản đơn là trở lại một câu hỏi của “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ: Tiền nhiều để làm gì? Mục đích sống cuối cùng của con người hướng đến có phải là hạnh phúc và an lạc, hay cả đời quay cuồng kiếm tiền để ngay cả sự an lạc tự thân mình cũng không hề tìm thấy.
Vòng xoáy tham- sân -si cuốn gần như phát triển tỷ lệ thuận với kỷ nguyên số, làm cho con người sống gấp, kết bạn cùng công nghệ để làm cho sự vô cảm lên ngôi, nhiều giá trị đạo đức xã hội đảo lộn, bạo lực lên ngôi… khiến nhân loại phải đi tìm những giải pháp căn cơ để góp phần làm cho thế giới trở nên bình ổn hơn.
Dường như câu trả lời có trong sự minh triết của Phật giáo. Kiếm tiền để làm mình hạnh phúc, kiếm tiền để cả nhân loại hạnh phúc hẳn là điều lý tưởng cho một thế giới đại đồng, phát triển bền vững và phát triển bao trùm trong một hệ sinh thái xã hội bình đẳng, nhân ái và vì quyền con người. Khoa học công nghệ suy cho cùng phải là thứ phục vụ cho mục đích cao cả này.
Vấn đề là quay lại với giá trị cốt lõi của chánh niệm trong Phật giáo. Đây là chìa khoá để mở ra cánh cửa an lạc và hạnh phúc cho cá nhân con người và cho cả thế giới đại đồng. Nếu tập trung năng lượng, sẽ giải quyết tốt hơn từng loại công việc một. Xong việc này, tập trung tư duy và năng lượng cho công việc khác.
Đây là một phần kiến giải của chánh niệm trong ứng xử với công việc. Và như vậy có thể khẳng định cách làm này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi cùng một lúc phân tán giải quyết cùng lúc nhiều công việc khác nhau, nhưng lại không đạt được kết quả như mong đợi.
Như vậy thời đại 4.0 vẫn cần đến chánh niệm, và vì chánh niệm có giá trị riêng biệt thì người ta sẽ vẫn kiếm tìm nó, tu tập nó, thực hành nó, hướng đến nó để tìm sự cân bằng trong sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ.
Chánh niệm là sống có trách nhiệm với đời
Và vấn đề quan trọng hơn, chánh niệm - sự thức tỉnh bản thân để tìm kiếm niềm an lạc mới là cái đích đáng sống của con người. Thế giới thay đổi vì công nghệ, nhưng an lạc và hạnh phúc lại là đích đến của nhân loại. Khoa học, công nghệ suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện để đạt được mục đích này. Nhận thức rõ điều này sẽ khiến con người tự giảm đi các áp lực do chính mình đặt ra, để làm việc và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Khi đó, chính sự an lạc từ tâm này lại tái tạo những nguồn năng lượng vô biên cho sáng tạo. Nó chính là nguồn năng lượng sống lành mạnh mà tất cả loài người đều mong muốn có nó. Chính nguồn năng lượng của chánh niệm này giúp con người đối diện với tất cả những biến cố xảy ra với chính mình, từ niềm vui, nỗi đau, bất an… một cách sáng suốt và bình tĩnh nhất.
Thời đại 4.0 vẫn cần đến chánh niệm, và vì chánh niệm có giá trị riêng biệt thì người ta sẽ vẫn kiếm tìm nó, tu tập nó, thực hành nó, hướng đến nó để tìm sự cân bằng trong sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ.
Từ đó chánh niệm cũng tự tìm những giải pháp để mang lại cân bằng và an lạc cho chính mình. Nhiều thiền sư nói rằng, chánh niệm giúp con người có trách nhiệm với chính bản thân mình. Và khi có trách nhiệm với chính bản thân mình thì hẳn sẽ có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. An lạc cũng mở ra từ đó với chìa khoá vạn năng mang tên chánh niệm.
Như một sự khẳng định lại giá trị của chánh niệm, thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bài giảng về quyền lực đích thực cho rằng: Quyền lực đích thực không phải là quyền lực kinh tế hay quyền lực chính trị mà chánh niệm mới là nền tảng cho những hành động phản ảnh quyền lực đích thực. Như vậy sự thức tỉnh thời 4.0 chính là chánh niệm cần được khơi gợi và rèn dũa trong nhu cầu tự thân của mỗi một con người hiểu đạo…