Góc nhìn Phật tử

Nền tảng trí tuệ

Thứ ba, 12/06/2020 01:00

Trong thế giới vui ít khổ nhiều, vì mê lầm mà chúng sinh “trốn khổ tìm vui” bằng các việc làm bất thiện thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý, từ đó, cứ trôi lăn mãi trong vòng luân hồi vô tận.

 Sức mạnh của từ bi và trí tuệ

 Để thoát khỏi vòng luân hồi ấy và tạo nền tảng thiện pháp tốt đẹp hướng đến giải thoát, không thể nào bỏ qua mười thiện pháp. Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Khẩu không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói hung ác. Ý không tham, không sân, không si. Đây là nền tảng căn bản cho phước báo nhân thiên, cũng là nấc thang dẫn đến giác ngộ giải thoát – con đường cứu cánh của phạm hạnh.

Người xuất gia học Phật với mục đích đạt được tuệ giác, phải biết phân biệt đâu là thiện pháp và bất thiện pháp, đâu là pháp đen, pháp trắng… Thiện pháp là những pháp hỗ trợ cho chúng ta phát triển, bổ túc các Ba-la-mật, đưa đến giác ngộ giải thoát. Thiện pháp giúp chúng ta thanh lọc nội tâm, trang nghiêm thân hành, khẩu hành và ý hành. Hay nói cách khác, thiện pháp cũng là hàng rào bảo vệ chúng ta trên hành trình luân hồi sinh tử, như được sanh vào các cảnh giới tốt đẹp nhân thiên… để chúng ta có điều kiện nghe pháp, làm phước, bố thí, hành thiền, làm tăng trưởng trí tuệ.

“Ý dẫn đầu, ý làm chủ các tạo tác. Nếu với ý ô nhiễm, khi nói năng hay hành động, sẽ tạo ra khổ não, như chiếc xe theo sau chân con vật kéo. Tuơng tự, nếu với ý thanh tịnh, khi nói năng hay hành động, sẽ tạo ra an lạc, như chiếc bóng không rời khỏi mình”. (Kinh Pháp Cú, kệ 1 và 2).

Thập thiện chính là nền tảng giới luật của chúng ta, là hàng rào ngăn che những điều tội lỗi phát sinh ra từ ba nghiệp thân, khẩu, ý.

Thập thiện chính là nền tảng giới luật của chúng ta, là hàng rào ngăn che những điều tội lỗi phát sinh ra từ ba nghiệp thân, khẩu, ý.

Đến với đạo Phật là phải mở sáng trí tuệ

Hai bài kệ trên, đức Phật nhấn mạnh rằng, ý luôn dẫn đầu về thiện pháp hoặc ác pháp. Cũng vậy, nếu chúng ta luôn suy tư, nhất hướng, thuần hướng, chuyên tâm về chánh pháp thì từ đó mới xuất khởi ra hành động, việc làm, lời nói phù hợp với chánh pháp, thiện pháp, làm cho bất thiện pháp thối giảm.

Nếu một người học hiểu giáo lý, tin vào nghiệp và quả của nghiệp, dù cho chúng ta có bất kỳ suy nghĩ, lời nói, hành động lớn nhỏ nào đều để lại một kết quả nhất định. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những gì chúng ta nói, làm và suy nghĩ. Trong Văn Cảnh Sách của ngài Quy Sơn có nói rằng: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”. Người tu học hiểu được câu nói này, thì tự mình tránh điều ác một cách tự nhiên.

Khi chúng ta không làm các điều ác hại mình và hại người, bản thân chúng ta đã có sự bảo vệ của giới luật. Từ nền tảng giới luật trang nghiêm thanh tịnh, thân và tâm chúng ta cũng trang nghiêm, từ đó làm nền tảng cho định. Khi giới viên mãn, chúng ta tu tập các đề mục thiền định. Khi trải qua một thời gian tu tập, định sẽ mạnh dần, hỗ trợ cho việc tu tập tuệ quán, tăng trưởng trí tuệ, thấy rõ Tứ đế, chấm dứt sinh tử.

Nền tảng tuệ quán này là nhờ các thiện pháp mà có được, từ đó chúng ta vận dụng pháp tu tập Tứ niệm xứ, quán chiếu về bốn đề mục thân, thọ, tâm, pháp để dứt trừ các chướng nhiễm vi tế, thành tựu chánh trí, đạt mục đích cứu cánh phạm hạnh, thấy tất cả pháp vốn sinh diệt liên tục bằng tuệ giác giải thoát.

“Thiền định giới bùng phát ra trí tuệ

Giác ngộ rồi căn cảnh khói sương mờ

Bảo rằng không mà không được hiểu ngoan không

Rằng là có nhưng đố ai tìm ra bản chất?

Thấy biết rõ thế gian không thật thể

Y tha duyên hiện tượng khởi trùng trùng

Tựa danh ngôn mà vạn vật có tuổi tên

Qua tuệ nhãn: vạn pháp không hư không thật.Người là chi?

Trời, Thần, Thánh, Phật là chi?

Cùng bản chất của những gì không bản chất

Hữu vi pháp chỉ là phù vân, ảo ảnh

Sống! Sống chơi!... Rồi chết! Lại cũng là… chơi!”.

(Hòa thượng Thích Từ Thông)

Người học và hành theo lời Phật dạy thì phải tránh ác hành thiện, với sự hiểu biết rằng những thiện pháp không phải là nhân để sanh lên các cõi lành, an vui, thọ hưởng mà với ước muốn rằng những thiện pháp này sẽ dẫn đến việc kết thúc sinh tử.

Người học và hành theo lời Phật dạy thì phải tránh ác hành thiện, với sự hiểu biết rằng những thiện pháp không phải là nhân để sanh lên các cõi lành, an vui, thọ hưởng mà với ước muốn rằng những thiện pháp này sẽ dẫn đến việc kết thúc sinh tử.

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp

Đạt đến trình độ này là chúng ta đã trải qua thời gian tu tập lâu dài các thiện pháp. Nói khác hơn, thập thiện chính là nền tảng giới luật của chúng ta, là hàng rào ngăn che những điều tội lỗi phát sinh ra từ ba nghiệp thân, khẩu, ý. Cũng chính từ nền tảng này đưa chúng ta hướng thượng, hướng thiện, đạt được những tầng tuệ giác. Nói cách khác, các tầng tuệ giác chính là thấy ra đúng bản chất các pháp, không còn mê lầm. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta chạy dài trong sinh tử luân hồi chỉ vì mê lầm. Khi không còn mê lầm nghĩa là chúng ta đã được giải thoát.

Ác pháp dẫn chúng ta đi xuống các cảnh khổ, thiện pháp dẫn chúng ta đi lên các cảnh giới an vui. Người học và hành theo lời Phật dạy thì phải tránh ác hành thiện, với sự hiểu biết rằng những thiện pháp không phải là nhân để sanh lên các cõi lành, an vui, thọ hưởng mà với ước muốn rằng những thiện pháp này sẽ dẫn đến việc kết thúc sinh tử. Đó mới đúng với tinh thần của người đệ tử Phật.

>Xem thêm video: "Mạn đàm về pháp tu lạy Phật":

loading...